TS.LS Bùi Quang Tín: Lãi suất cho vay có cơ hội giảm từ 0,5 đến 1%

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhận định về xu hướng lãi suất 2 quý còn lại của năm 2017, TS. LS Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cho rằng, lãi suất từ nay đến cuối năm Việt Nam đồng ổn định thì lãi suất có thể giảm từ 0,5 đến 1% ở các kỳ hạn so với năm 2016.

Trong bài tham luận của mình tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017, ông Bùi Quang Tín phân tích, nguồn vốn huy động trong quý III và quý IV của các ngân hàng thường tăng trưởng nhanh, nếu lãi suất huy động đầu vào ổn định thì sẽ là cơ sở để lãi suất cho vay ổn định theo hoặc thậm chí là giảm thêm theo định hướng của cơ quan điều hành.

Thanh khoản dồi dào

Dẫn lại số liệu từ NHNN, ông Bùi Quang Tín phân tích: Tính đến ngày 25/5, tăng trưởng tín dụng của ngành Ngân hàng đã đạt 6,53%, cao hơn so với cùng kỳ những năm 2016, 2015. Mặc dù tăng mạnh hơn các năm trước, tốc độ tăng đã có phần chậm lại. Nhờ vậy, thanh khoản cải thiện đáng kể tạo điều kiện hạ lãi suất. 6 tháng qua thị trường tiền tệ về cơ bản tích cực, ổn định. Những tháng đầu năm có hiện tượng một số ngân hàng tăng lãi suất huy động, chủ yếu là ở các kỳ hạn trên 12 tháng.
Trong đó, các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ như cho vay nông nghiệp công nghệ cao, cho vay ngành chăn nuôi… đã được Thống đốc NHNN chỉ đạo phối hợp hỗ trợ kịp thời.
 Khách hàng giao dịch ngoại tệ tại chi nhánh HDBank Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Chỉ số CPI bất ngờ giảm mạnh trong tháng 5/2017 mang đến nhiều cơ hội để NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng ở mức vừa phải. Làn sóng tăng lãi suất huy động và phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao của một số ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ hồi giữa tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua (chủ yếu để đối phó với Thông tư 06 của NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36 về các giới hạn an toàn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) đã tạm lắng dịu.

“Quan sát các yếu tố trên thị trường, đến thời điểm này, thanh khoản hệ thống dồi dào hơn, khiến nhu cầu vay giảm mạnh, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm sâu, chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn .Trên thị trường 1, lãi suất huy động cũng bắt đầu giảm nhẹ ở các kỳ hạn ngắn dưới 3 tháng với mức giảm khoảng 10 điểm cơ bản. Các kỳ hạn dài hơn vẫn giữ nguyên do nhu cầu huy động vốn dài hạn của các ngân hàng vẫn cao nhằm đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn ”, ông Tín nhận xét.

Lạm phát, tỷ giá ổn định mở đường cho giảm lãi suất

Phân tích các yếu tố tác động tới xu hướng lãi suất 2 quý còn lại của năm 2017, ông Tín đánh giá, với thị trường hiện nay, việc ổn định mặt bằng lãi suất những tháng còn lại của năm 2017 sẽ chịu nhiều thách thức hơn năm 2016, do nhiều nguyên nhân như kỳ vọng về lạm phát và tỷ giá gia tăng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến tăng lãi suất ít nhất 3 lần trong năm nay. Nợ xấu chưa được xử lý triệt để tiếp tục là rào cản lớn cho hạ lãi suất, khiến lãi suất huy động có sức ép tăng cao hơn mức tăng của năm ngoái. Bên cạnh đó, các ngân hàng tiếp tục phải cân đối nguồn vốn để đảm bảo theo lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống còn 40% kể từ 1/1/2018. Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ này của toàn hệ thống chỉ đạt khoảng 35%, và vẫn còn một số ngân hàng vượt quá quy định này của NHNN.

Để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, hệ thống ngân hàng cần tiếp tục đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng. Thêm vào đó, cần giữ chênh lệch lãi suất USD và VND ở mức hợp lý. Với kỳ vọng lạm phát trung bình ở mức 4%, kỳ vọng tỷ giá tăng khoảng từ 1-2%, hiện tại lãi suất huy động phổ biến (trên 12 tháng) xung quanh mức 7% vẫn đảm bảo có lợi cho VND. Trong khi đó, chênh lệch lãi suất cho vay USD và VND khoảng 5,2%, lợi ích nghiêng về vay bằng VND.

“Tuy nhiên, với nguồn lực của các ngân hàng thương mại với các tín hiệu của thị trường như thị trường chứng khoán, bất động sản và các chỉ số về kinh tế vĩ mô, sự quan tâm của Chính phủ đối với các doanh nghiệp, đặc biệt thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp và các chiến lược thu hút khách hàng của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, lãi suất từ nay đến cuối năm Việt Nam đồng ổn định thì lãi suất có thể giảm từ 0,5 đến 1% ở các kỳ hạn so với năm 2016”, ông Tín phân tích.

Ngoài ra, một số dự báo trước đây cho rằng lạm phát và tỷ giá sẽ là 2 yếu tố gây áp lực đáng kể lên mặt bằng lãi suất trong năm 2017, tuy nhiên với những gì đang diễn ra cho thấy 2 yếu tố này vẫn trong tầm kiểm soát.

Cụ thể, về tỷ giá USD/VND, dù theo xu hướng đi lên nhưng vẫn tăng chậm và trong tầm kiểm soát của NHNN. So với đầu năm, tỷ giá trung tâm chỉ mới tăng gần 1%, trong khi tỷ giá mua bán tại các NHTMvà trên thị trường tự do thậm chí còn giảm so với đầu năm nay.

Lãi suất đã vượt qua "sóng gió" trong giai đoạn đầu năm, thường là giai đoạn căng thẳng về nguồn vốn kinh doanh và thanh khoản của các ngân hàng cũng chịu nhiều áp lực, thì kỳ vọng lãi suất trong thời gian tới tiếp tục ổn định hoặc thậm chí giảm thêm là không phải không có cơ sở, nhất là khi nguồn vốn huy động trong quý III và quý IV của các ngân hàng thường tăng trưởng nhanh hơn so với giai đoạn đầu năm.

Nếu như lạm phát và tỷ giá tiếp tục ổn định và nằm trong tầm kiểm soát của nhà điều hành thì các ngân hàng càng có điều kiện thuận lợi để tăng trưởng nguồn tiền gửi VND. Nếu lãi suất huy động đầu vào ổn định thì sẽ là cơ sở để lãi suất cho vay ổn định theo hoặc thậm chí là giảm thêm theo định hướng của cơ quan điều hành.

Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 và tháng 5/2017 vừa qua, mục tiêu phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay tiếp tục được đặt ra, theo đó Chính phủ yêu cầu NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định mặt bằng lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, trên cơ sở khả năng kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại tệ, phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Rõ ràng với tăng trưởng GDP quý I ở mức quá thấp, thì áp lực tăng trưởng sẽ đè nặng lên 3 quý còn lại. “Trong bối cảnh chính sách tài khóa đang bị hạn chế, chính sách tiền tệ có thể cần phải tiếp tục được nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng là điều cần thiết. Theo đó các ngân hàng phải phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong điều kiện lãi suất ổn định. Có như thế mới kích thích được doanh nghiệp vay vốn, nhất là khi mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay vẫn còn cao hơn một ít so với các nước trong khu vực”, vị chuyên gia bày tỏ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần