Tu bổ đình Thần Quy: Gỡ vướng về nguồn vốn

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau phản ánh của báo Kinh tế & Đô thị về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của đình Thần Quy (thôn Thần Quy, xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) trên số báo 158 ra ngày 11/7, nhiều cơ quan của ngành văn hóa đã vào cuộc yêu cầu nhanh chóng hoàn thành thủ tục tu bổ cho di tích.

Theo đó, ngay chiều 11/7, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) phối hợp với Ban Quản lý (BQL) Di tích danh thắng Hà Nội (Sở VH&TT Hà Nội), Phòng VH&TT huyện Phú Xuyên kiểm tra thực tế tại di tích đình Thần Quy ghi nhận tình trạng xuống cấp rất nghiêm trọng của di tích. BQL Di tích danh thắng đã làm báo cáo gửi Sở VH&TT và UBND TP Hà Nội.

Đình Thần Quy (xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên) xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh:Thanh Loan

Trong Công văn số 2551/SVHTT-QLDT của Sở VH&TT đã đánh giá đình Thần Quy xuống cấp nặng ở hầu hết các bộ phận: Phần mái bị sập một số chỗ, phần khung mục ruỗng, phần nền bong bật… Dù đã được chống tạm bằng tre gỗ nhưng vẫn không đảm bảo an toàn. Sở VH&TT cũng đã báo cáo lại quá trình xin tu bổ từ năm 2015 đến nay. Ngoài ra, trong công văn, Sở còn đề nghị huyện Phú Xuyên chỉ đạo các phòng chức năng khẩn trương thực hiện tu bổ cấp thiết chống đỡ, chống sập cho di tích từ nguồn kinh phí do UBND huyện cấp năm 2016; tổ chức di chuyển hiện vật tới vị trí an toàn…

Đồng thời, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cũng ra Văn bản số 449/DSVH-DT gửi Sở VH&TT đề nghị Sở triển khai một số công việc liên quan. Trong văn bản nêu rõ, sau khi kiểm tra thực tế, nghiên cứu hồ sơ và tài liệu liên quan, Cục Di sản văn hóa cho biết, ngày 1/11/2010, Bộ VHTT&DL đã có Công văn số 3835/BVHTTDL-DSVH gửi Sở VHTT&DL Hà Nội thỏa thuận Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Thần Quy và đề nghị Sở chỉ đạo chủ đầu tư hướng dẫn đơn vị tư vấn thiết kế chỉnh sửa, hoàn thiện dự án, trình duyệt theo quy định hiện hành; giao Cục Di sản văn hóa xem xét, thỏa thuận thiết kế bản vẽ thi công của dự án. Tuy nhiên, dự án chưa được phê duyệt theo quy định và hiện tại, di tích đình Thần Quy đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Cục Di sản văn hóa cũng đề nghị Sở VH&TT Hà Nội triển khai việc hướng dẫn chính quyền và Nhân dân địa phương bao, che, chống đỡ, gia cố tạm thời, bảo quản hiện vật và tiến hành tu sửa cấp thiết di tích.

Theo ông Tô Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã Minh Tân: “Hiện nay, xã đã thuê một kỹ sư thiết kế phương án chống sập, lợp mái che bên ngoài chống dột. Các phòng ban của huyện Phú Xuyên đang triển khai trình báo cáo xin phép Sở VH&TT. Sau khi được đồng ý, chúng tôi sẽ tiến hành thi công ngay phương án chống sập cho di tích”.

Mặc dù trong Công văn 449, Cục Di sản đã đề nghị Sở chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh dự án và triển khai các bước tiếp theo theo quy định hiện hành; báo cáo UBND TP xem xét đầu tư, hỗ trợ kinh phí để triển khai thực hiện dự án, các cơ quan của ngành văn hóa ráo riết chỉ đạo xây dựng phương án tu bổ. Tuy nhiên, chính quyền địa phương còn khá băn khoăn. Bởi theo ông Thanh: “Năm 2015, chúng tôi đã đề xuất tu bổ toàn bộ di tích nhưng được Phòng VH&TT huyện cho biết phải có nguồn vốn đối ứng từ xã hội hóa khoảng 40%, gửi vào kho bạc Nhà nước, sau đó mới làm thủ tục xin phép tu bổ. 40% của 17 tỷ đồng là quá lớn so với người dân thôn Thần Quy. Vừa rồi huy động chống sập 6 - 7 tháng cũng chỉ được 35 triệu đồng, giờ tiền tỷ lấy đâu ra?”
Tại Công văn số 2551, Giám đốc Sở VH&TT Tô Văn Động cũng đã hướng dẫn huyện Phú Xuyên, xã Minh Tân các bước tiến hành thực hiện dự án tu bổ. Như vậy, để gỡ rối tìm kiếm nguồn vốn tu bổ sẽ cần sự tham gia không chỉ của huyện Phú Xuyên, Sở VH&TT Hà Nội, mà cả Sở KH&ĐT Hà Nội. Hiện nay, huyện Phú Xuyên và Sở VH&TT Hà Nội báo cáo TP, đề nghị sự phối hợp từ phía cơ quan này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần