Tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập: Xu hướng tất yếu

Nhóm PV Nội chính
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội là một trong những địa phương được đánh giá thành công trong việc sắp xếp lại, chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) sang cơ chế tự chủ.

 Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Thị Liễu
Bài 1: Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ: Xu hướng tất yếu
Bài 4: Nên đồng bộ tự chủ cả bộ máy và tài chính
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Thị Liễu, từ thực tế triển khai cho thấy, việc chuyển các đơn vị SNCL sang tự chủ đã mang lại lợi ích trên nhiều khía cạnh, khẳng định chủ trương đúng đắn, khả thi của Đảng, Nhà nước.

Nhiều thay đổi tích cực

Như nhiều ý kiến nhận định, các đơn vị SNCL tại Hà Nội chuyển sang tự chủ đã phát huy được nội lực, nâng cao hiệu quả hoạt động. Những kết quả đó đã thể hiện ra sao để qua đó khẳng định chủ trương đúng đắn và mục tiêu khả thi trong Nghị quyết, Chương trình hành động của Chính phủ?

- Việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ đơn vị SNCL đã được thực hiện từ năm 2006 theo Nghị định 43 của Chính phủ và càng mạnh mẽ sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 39, Chính phủ ban hành Nghị định 16 năm 2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị SNCL. Tại Hà Nội, số đơn vị SNCL chuyển sang tự chủ đã tăng từ 55 đơn vị (năm 2011) lên 61 đơn vị (đầu 2016) và đến nay 106 đơn vị (theo Quyết định 8586/QĐ-UBND ngày 9/12/2017 của UBND TP), tập trung trong ngành giáo dục, y tế, văn hóa, cùng một số lĩnh vực khác như văn phòng đăng ký đất đai, trung tâm phát triển quỹ đất, ban quản lý chợ, phòng công chứng…

Theo tôi, việc đổi mới đơn vị SNCL sang tự chủ thực tế đã làm thay đổi tích cực hiệu quả hoạt động, mang lại nhiều lợi ích cho TP. Trước hết, đã góp phần nâng cao tính tự chủ tài chính trong hoạt động của các đơn vị, tiết kiệm chi cho ngân sách TP, tăng thu nhập người lao động, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ cho xã hội. Đồng thời, góp phần cơ cấu lại chi thường xuyên, từng bước chuyển dần từ giao dự toán ngân sách sang thực hiện phương thức đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ.

 Giờ thực hành của sinh viên trường Cao đẳng công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Qua quá trình sắp xếp lại các đơn vị SNCL, theo bà, đã thực sự nâng cao hiệu quả hoạt động, khắc phục chồng chéo, dàn trải về chức năng, nhiệm vụ?

- Cùng với đẩy mạnh đơn vị SNCL sang tự chủ, TP cũng thực hiện sáp nhập, hợp nhất và giải thể các đơn vị yếu kém, nâng quy mô hiệu quả hoạt động theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Qua sắp xếp, các đơn vị SNCL trực thuộc sở đã giảm từ 401 đơn vị xuống 280 đơn vị (giảm 30,2%); cấp huyện giảm từ 206 còn 96 đơn vị (giảm 53,4%). Theo số liệu do Sở Tài chính cung cấp trên cơ sở báo cáo của các đơn vị, chi thường xuyên sử dụng ngân sách năm 2015 là 15.109 tỷ đồng, thì năm 2016 đã giảm 8,7%, còn 13.792 tỷ đồng (số liệu năm 2017 đang được thống kê, tổng hợp).

Cần đồng bộ bộ máy và tài chính

Từ thực tế, một số đơn vị đã tự chủ nhiều năm hoặc bắt đầu chuyển sang tự chủ, như trong lĩnh vực giáo dục cho thấy việc phân cấp tự chủ cho các trường về tài chính, nhân sự… vẫn đang có nhiều ý kiến khác nhau, chưa biết khi nào thành chủ trương chính thức. Vậy theo bà, công tác này còn vướng mắc gì về cơ chế, chính sách cần tháo gỡ?

- Tôi nhận thấy, nếu theo lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN theo Nghị định 16, đến năm 2016 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp; đến năm 2018 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý; đến năm 2020 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Tuy nhiên, hệ thống văn bản pháp lý của T.Ư để triển khai nghị định này chưa được ban hành đầy đủ, chưa đảm bảo thời hạn theo Quyết định 695 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ (xong trong năm 2015), nên việc triển khai thực hiện theo đúng lộ trình trên của TP gặp nhiều khó khăn.

Hơn nữa, một số bộ, ngành quản lý chưa ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị SNCL thuộc phạm vi quản lý. Do đó, chưa bảo đảm tính đồng bộ giữa việc tự chủ về tổ chức bộ máy và biên chế với việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Thực tế cho thấy, các đơn vị chưa được tự quyết số viên chức làm việc, mà cơ quan chủ quản cấp trên vẫn giao chỉ tiêu biên chế sự nghiệp cho đơn vị. Điều này đã hạn chế tính tự chủ của đơn vị, trong khi nguồn thu của đơn vị không tăng, làm ảnh hưởng hiệu quả công việc và việc tăng thêm thu nhập của viên chức.

Như vậy, theo bà, cần đề xuất giải pháp gì để có thể đạt được những mục tiêu Nghị quyết 19 và Chương trình hành động của Chính phủ đã đặt ra, nhất là về cơ chế tài chính, cơ chế tuyển dụng nhân sự, mô hình tổ chức các đơn vị SNCL?

- Từ thực tế vừa qua, TP cũng kiến nghị các bộ, ngành tham mưu Chính phủ ban hành kịp thời hướng dẫn thực hiện Nghị định 16 theo ngành, lĩnh vực, hướng dẫn tính đúng, tính đủ chi phí làm cơ sở xác định, phân loại đơn vị tự chủ đơn vị SNCL. Đồng thời, cần hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị SNCL thuộc phạm vi quản lý để khuyến khích đơn vị chuyển sang tự chủ chi thường xuyên.

Hơn nữa, TP cũng mong được sớm tháo gỡ trong việc chuyển đổi các đơn vị SNCL ngành giáo dục sang tự chủ, xã hội hóa. Hiện số đơn vị và biên chế khối giáo dục phổ thông, mầm non chiếm tỷ lệ lớn (hơn 80% toàn TP), trong khi tốc độ gia tăng dân số cao, cần thêm trường, lớp, mà phải tự cân đối biên chế. Nếu không kịp thời đổi mới lĩnh vực giáo dục, khó có thể thực hiện thành công các chỉ tiêu Hội nghị T.Ư 6 đề ra.

Xin cảm ơn bà!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần