Tự chủ - “chìa khóa” để vươn xa

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đẩy mạnh tự chủ được coi là “chìa khóa” để các trường nghề tháo gỡ khó khăn trong hoạt động. Tuy nhiên, không ít trường quen được bao cấp vẫn chưa chủ động bắt nhịp với xu thế này.

 Hiệu trưởng trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long Phạm Quang Vinh 
Hiệu trưởng trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long Phạm Quang Vinh thẳng thắn chia sẻ những khó khăn, thuận lợi khi thực hiện tự chủ.
Hơn 15 năm thực hiện tự chủ, ông có thể cho biết tác động đối với trường nghề trong giai đoạn hiện nay?

- Trường nghề tự chủ nghĩa là được giao quyền nhiều hơn, nhưng phải chịu trách nhiệm lớn hơn. Khi chuyển sang tự chủ, trường nghề cũng gặp không ít khó khăn.
Trước hết, lãnh đạo các trường phải đối mặt với việc ra các quyết định mà không có hướng dẫn thực hiện từ cấp trên. Nếu người đứng đầu không nắm vững chủ trương, chính sách, xu thế thay đổi của xã hội, thì sẽ e ngại và thoái lui. Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi thấy để ra các quyết định mang tính đột phá, rất cần một tập thể đoàn kết, cởi mở, hợp tác vì lợi ích chung. Nhưng không thể thiếu một thủ lĩnh đủ năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. 

Tài chính để duy trì hoạt động và phát triển là áp lực lớn nhất đối với các trường khi tự chủ?

- Tuy cắt đi bầu sữa bao cấp, nhưng nhà nước sẽ trở thành khách hàng lớn đối với các trường. 
 Sinh viên Đại học Thương mại tìm hiểu thông tin việc làm thêm dịp Tết Nguyên đán 2018. Ảnh: Oanh Trần
Những trường có đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu đặt hàng của nhà nước vẫn có thể duy trì nguồn thu từ ngân sách. Điều quan trọng, các trường cần nỗ lực tự hoàn thiện và chứng tỏ năng lực, lợi thế kinh doanh để dành được sự tin cậy từ cơ quan quản lý nhà nước. Các trường cũng phải tìm kiếm nguồn thu từ DN, đơn vị sử dụng lao động thông qua dịch vụ đào tạo, tư vấn, hợp tác cung cấp lao động, chuyển giao công nghệ. Tôi muốn nhấn mạnh yếu tố thị trường lao động đem đến nhiều nguồn thu từ hoạt động đào tạo ở những ngành nghề xã hội đang có nhu cầu nhân lực lớn. Đặc biệt, những ngành nghề mới hình thành và đang có xu thế phát triển. Các trường nghề cũng có thể tiếp cận các nguồn hỗ trợ từ đối tác nước ngoài, qua đó giúp nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu chuẩn mực quốc tế.

Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm tự chủ ở trường Trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Bắc Thăng Long?

- Trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Bắc Thăng Long là trường công, được thành lập trên cơ sở nâng cấp từ Trung tâm dạy nghề của Công ty Khu công nghiệp Thăng Long. Ban đầu, trường trực thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội, từ tháng 3/2017 được chuyển về Sở LĐTB&XH Hà Nội. 15 năm hoạt động theo cơ chế tự chủ toàn phần về tài chính và nhân sự - tổ chức bộ máy, chúng tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm. Trước hết, lãnh đạo nhà trường cần đi nhiều, chịu khó tìm hiểu – học hỏi, mở rộng và quan hệ mật thiết với các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành nghề, trường bạn, DN, tổ chức phi chính phủ, chuyên gia đầu ngành… để nắm bắt xu thế phát triển, chủ trương chính sách của Nhà nước, cơ hội hợp tác phát triển. Qua đó, nhà trường có những ý tưởng, định hướng, chiến lược phát triển.

Chẳng hạn, 15 năm qua, nhà trường đã 3 lần thay đổi khách hàng mục tiêu. 4 năm đầu mới thành lập, đối tượng đào tạo nghề của trường là học sinh tốt nghiệp THPT từ các tỉnh miền Bắc và Trung; 6 năm tiếp theo là công nhân các khu công nghiệp lân cận. Từ năm 2013 đến nay, là những người có bằng trung cấp, cao đẳng, đại học cần chuyển nghề. Hiện nay, chúng tôi còn phối hợp với các DN để liên kết đào tạo ngắn hạn theo nhu cầu; hợp tác với các trung tâm giáo dục thường xuyên để kết hợp dạy văn hóa và đào tạo nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS.

Cùng với nguồn thu từ hoạt động đào tạo ngắn hạn, liên kết liên doanh trong sản xuất kinh doanh, trường đang thí điểm mô hình tự chủ đến một số khoa và trung tâm. Đồng thời, hợp tác sâu với các DN để xây dựng các khoa liên kết. Đặc biệt, khuyến khích các khoa, trung tâm của trường thí điểm nhận khoán từng mảng công việc tiến tới tự chủ về tài chính và nhân sự.

Xin cảm ơn ông!