Tự chủ đại học: Liệu học phí có tăng?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm học mới vừa bắt đầu cũng là lúc nhiều sinh viên lo lắng các trường đại học (ĐH) thí điểm tự chủ muốn đầu tư cơ sở vật chất sẽ đẩy học phí lên cao. Ngoài ra, rất có thể các trường sẽ thu thêm những khoản khác nữa càng khiến người học thêm phần nặng gánh.

 Thí sinh và phụ huynh đang tìm hiểu các ngành đào tạo của trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Thủy Trúc
Trường tự chủ đều tăng học phí
Thực tế cho thấy 23 trường ĐH công lập sau khi được Nhà nước giao thực hiện tự chủ đều nâng mức học phí lên cao hơn hẳn so với trước đó. Việc này khiến cho dư luận xã hội cũng như các sinh viên đặc biệt lo lắng. Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn giải thích: Luật Giáo dục ĐH sửa đổi đã nêu rõ các trường ĐH tự chủ được quyết định học phí. Tuy nhiên, các trường cân nhắc học phí đến mức nào để vừa đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo cũng như khả năng tiếp cận học ĐH của người học.
Vừa qua, một số trường ĐH tự chủ đã chủ động mở nhiều ngành, chương trình mới, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thu Thủy cho hay: Giáo dục ĐH tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, mở ngành mới là xu hướng tất yếu.
Thời gian tới, các trường mở ngành phải đáp ứng yêu cầu thị trường và đơn vị sử dụng lao động. Các trường cũng phải đáp ứng chuẩn đầu ra của từng chương trình đào tạo nếu không sẽ bị thị trường phản ứng ngay lập tức.
Do đó, các trường ĐH tốp đầu thực hiện tự chủ như Bách khoa Hà Nội cơ bản ổn định mức học phí, cho dù ngân sách Nhà nước cấp chi thường xuyên trước đó chỉ khoảng 20%. “Nâng học phí là điều không tránh khỏi nhưng phải có lộ trình, phù hợp với khả năng chi trả và tiếp cận của người học ở các vùng quê khác nhau”- PGS.TS Hoàng Minh Sơn cho biết. ĐH Kinh tế Quốc dân là trường đầu tiên thực hiện tự chủ từ một phần đến toàn phần như hiện nay. Vì thế, học phí dùng để bù đắp chi phí thường xuyên là vấn đề tất yếu. PGS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ: Nhà trường công khai, minh bạch mức học phí toàn khóa học để người học được biết, có sự chuẩn bị, tránh xảy ra bất ngờ. Ví dụ, học phí các ngành ĐH chính quy từ 15 - 18,5 triệu đồng/1 năm học, mức tăng học phí mỗi năm không quá 10%. Nhưng năm nay nhà trường chỉ tăng học phí khoảng 5%.
Một vấn đề được dư luận đặt ra, đó là những sinh viên khá giỏi nhưng hoàn cảnh khó khăn khó có thể theo học được những trường ĐH tự chủ có mức học phí cao ngất. Về việc này, cả ông Minh Sơn và Hồng Chương đều cho biết đang thực hiện chính sách học bổng cho sinh viên nghèo, học giỏi lên tới vài chục triệu đồng mỗi năm đủ đóng học phí và chi phí sinh hoạt.
Học phí đảm bảo hài hòa

Trên thực tế, khi tự chủ, để khẳng định mình, các trường ĐH sẽ có những định hướng nâng chất lượng đào tạo bằng cách đầu tư trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất... Việc này khiến nhiều người lo lắng bởi tất cả những đầu tư sẽ đổ dồn vào học phí. Về việc này, ông Minh Sơn không đồng tình và cho rằng học phí của người học đóng chỉ đủ một phần cho chi phí đào tạo. Bao gồm một phần cho chi phí thường xuyên, đầu tư cho cơ sở vật chất phục vụ trực tiếp cho giảng dạy, thí nghiệm thực hành. Những đầu tư cơ sở vật chất lớn hơn, phòng thí nghiệm nghiên cứu thì do Nhà nước đầu tư và nhà trường thực hiện các đề tài, nhiệm vụ khác.
Trước những băn khoăn của người học về việc vì áp lực nâng chất lượng đào tạo, có thể xảy ra tình trạng một số trường lạm thu, thu sai quy định, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, cho biết: Nghị định số 86/2015/NĐ-CP đã quy định mức thu học phí, dịch vụ tuyển sinh, các khoản dịch vụ khác. Các trường ĐH thực hiện thí điểm tự chủ, Nhà nước sẽ quy định mức học phí cho mỗi trường. Tuy nhiên, Luật Giáo dục ĐH sửa đổi và tới đây Nghị định hướng dẫn thực hiện luật này có hiệu lực, các cơ sở giáo dục ĐH công lập thực hiện thu học phí theo Điều 65. Các trường ĐH đáp ứng Khoản 2, Điều 32 của Luật này đồng thời tự bảo đảm được kinh phí chi thường xuyên sẽ được tự chủ mức thu học phí.... Tuy nhiên, việc xác định mức thu học phí phải căn cứ vào định mức kỹ thuật, sẽ được thực hiện theo lộ trình tính đúng, tính đủ.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thu Thủy cũng lưu ý, các trường ĐH tự chủ xác định mức học phí thế nào để đảm bảo hài hòa lợi ích của người học với sinh viên và nhà trường. Đồng thời, không gây ra sức ép quá lớn về tài chính đối với các trường trong khi vẫn phải đảm bảo tất cả những yêu cầu về đảm bảo chất lượng đào tạo. Vì thế, rất cần Nhà nước sớm ban hành quy định về định mức kinh tế kỹ thuật theo lộ trình tính đúng, tính đủ làm căn cứ để các trường ra quyết định. Đồng thời, qua đó các cơ quan Nhà nước và xã hội giám sát được việc thực hiện thu học phí của các trường.