Tự chủ đại học phải có Hội đồng trường

Trần Oanh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tự chủ đại học là xu hướng tất yếu mà các trường đại học (ĐH) phải hướng tới. Tuy nhiên, theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), trong số 23 trường được thực hiện thí điểm tự chủ, có một số trường chưa đủ điều kiện.

Hiện, Bộ GD&ĐT đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH công lập. Theo ông, các trường ĐH phải đạt những yếu tố nào thì mới đủ điều kiện tự chủ?
- Mức độ tự chủ ở mỗi trường khác nhau. Khi nhà trường không nhận ngân sách Nhà nước thì mới được tự chủ về tài chính. Nếu trường ĐH muốn được trao quyền tự chủ về nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy, nhân sự… thì phải đáp ứng được các điều kiện liên quan. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, quyền tự chủ không thể trao cho hiệu trưởng. Một cá nhân dù tài giỏi, đức độ đến mấy nhưng nếu trao quá nhiều quyền, có thể biến thành độc tài. Tự chủ ĐH phải trao cho một tập thể lãnh đạo, đó chính là hội đồng trường (HĐT).
 Giờ thực hành của sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Công Hùng.
23 trường được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm tự chủ đã có HĐT chưa, thưa ông?

- HĐT trong trường ĐH là điều kiện tiên quyết để được công nhận tự chủ. Việc này đã được quy định rõ trong Điều lệ trường ĐH. Mặc dù đã có cảnh báo, nhưng vẫn có một số đơn vị không thành lập HĐT. Một số HĐT do hiệu trưởng lập ra để... “dễ sai bảo”. Vì thế, trường tự chủ rất cần HĐT đích thực, có quyền lực thực sự và cao nhất trong nhà trường, nhưng phần lớn những trường tự chủ đã có HĐT đều không đảm bảo được yêu cầu này. Một vấn đề nữa đang được đặt ra, khi HĐT là cơ quan quyền lực cao nhất thì phải xóa đi vai trò của bộ chủ quản. Hiện, chưa có nơi nào xóa bộ chủ quản nên HĐT chưa thực chất. Thành phần tham gia HĐT giống như cơ quan quản lý thứ hai, song song với bộ máy ban giám hiệu nhà trường.

Nhiều ý kiến cho rằng, với ĐH công lập, mức học phí 50 triệu đồng/năm học là quá cao. Theo ông, các trường ĐH tự chủ có được tự xây dựng mức học phí ở mức này?

- Các trường hoàn toàn được làm việc đó. Tuy nhiên, nhà trường phải tính toán ở mức độ vừa phải, nếu thu quá cao sẽ không có người học. Học phí cao nhưng chất lượng đào tạo phải tương xứng. Và, nhà trường phải công khai, minh bạch, rõ ràng trong chi tiêu. Tự chủ luôn đi kèm với trách nhiệm giải trình trước xã hội và cơ quan quản lý nhà nước về những việc đã làm.

Khi trường tự chủ nâng mức học phí cao, người nghèo khó có cơ hội được tiếp cận các trường tốt?

- Học phí cao là tạo ra các mức độ dịch vụ giáo dục khác nhau để phù hợp với túi tiền của từng đối tượng người dân. Nhưng với những đối tượng chính sách thì Nhà nước sẽ lo học bổng cho người học để sinh viên không phải chuyển trường. Đối với nhà trường, nên dành một khoản quỹ để tặng học bổng cho sinh viên nghèo, đối tượng chính sách nhằm khuyến khích các em học tập đạt kết quả tốt.

Xin cảm ơn ông!

Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, có 8/12 trường tự chủ trên 2 năm đã thành lập HĐT, chiếm tỷ lệ 66,7%. Hoạt động của HĐT đa số chưa hiệu quả, vai trò giám sát mờ nhạt. Hoạt động của HĐT đang bất cập bởi cơ chế chính sách chưa đầy đủ, rõ ràng; chưa phân định rõ mối quan hệ giữa Đảng ủy, HĐT và ban giám hiệu; cơ cấu thành viên HĐT chưa hợp lý...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần