Từ ký kết Huawei của Nga - Trung: Internet chia cắt thế giới

Hương Thảo (Theo CNN)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mạng 5G "nhanh như chớp" được dự đoán sẽ đưa chúng ta đến gần nhau hơn bao giờ hết, nhưng dưới sự phân chia Huawei, nó có thể đang đẩy chúng ta ngày một cách xa.

Lãnh đạo Tập Cận Bình - Putin chứng kiến lễ ký kết 5G giữa 2 nước hôm 5/6 vừa qua. 
Ngày 5/6, Huawei đã ký một thỏa thuận với nhà điều hành viễn thông lớn nhất của Nga là MTS, để phát triển các công nghệ 5G và ra mắt mạng không dây thế hệ thứ 5 tại nước này trong năm tới. Điều này diễn ra giữa bối cảnh Trung Quốc phê duyệt đợt cấp phép 5G đầu tiên cho mục đích thương mại, trong đó Huawei sẽ tham gia sâu vào nỗ lực đó với hơn 45 hợp đồng 5G mà hãng đã ký kết tại 30 quốc gia trên thế giới.
Khi các quốc gia tiếp tục tiến lên với việc phát triển mạng 5G - sẽ cung cấp tốc độ truy cập và kết nối nhanh hơn, từ đó thúc đẩy các công nghệ như xe tự lái và thành phố thông minh phát triển - đó là lúc sự phân chia ngày một gia tăng. Một mặt, những đồng minh của Bắc Kinh không cảm thấy có vấn đề gì với Huawei, Nga là ví dụ tiêu biểu gần đây nhất. Mặt khác, Washington và một số đồng minh thân cận nhất đã thề sẽ cấm cửa công ty Trung Quốc.
Tuy nhiên, ở giữa vẫn còn nhiều quốc gia, dù đa phần có truyền thống "thân" Mỹ hơn Trung Quốc, nhưng không sẵn sàng chịu sự chậm trễ và chi phí cao hơn để xây dựng mạng 5G của mình một khi không có Huawei.
Bản thân Mỹ cũng đã tụt lại phía sau Trung Quốc khi nói đến 5G và việc chặn đứng đầu cung thị trường sẽ chẳng vì mục đích gì hơn ngoài việc thu hẹp khoảng cách đó. Điều này không có nghĩa là Mỹ không thể bắt kịp - và thậm chí vượt qua cả Trung Quốc - nhưng nó có thể sẽ phải là một cuộc chiến nhiều mặt.
Trường hợp xấu nhất mà nhiều nhà quan sát đã đặt ra là sự phân chia này sẽ buộc các chính phủ phải chọn phe siêu cường, từ đó thiết lập sự phân chia internet thế hệ tiếp theo giữa Trung Quốc và Mỹ - điều có thể tạo sự phân nhánh lớn trong cộng đồng DN viễn thông cung cấp thiết bị mạng.
"Một số lĩnh vực công nghệ đang loại trừ lẫn nhau không chỉ đơn giản vì chuỗi cung ứng cạnh tranh trên các lục địa khác nhau", nhà phân tích công nghệ Tim Culpan nhận định gần đây, "thay vào đó, tại nhiều nước trên thế giới, điều đó đến từ việc mọi quyết định đầu tư và kinh doanh đều mang tính chính trị".
Năm ngoái, cựu Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt đã đưa ra những cảnh báo về một thế giới sẽ bị chia rẽ bởi "một mạng internet do Trung Quốc lãnh đạo và một mạng 'không Trung Quốc' do Mỹ dẫn đầu".
Trong thời gian dài, xu hướng này bị phương Tây cáo buộc là do sự kiểm duyệt và khuyến khích các nước kiểm duyệt internet của Bắc Kinh, nhưng với chiến dịch chống lại Huawei, Washington cũng đã bắt đầu tăng tốc cho mục tiêu tương tự.
Điều này có thể tạo ảnh hưởng vượt ra ngoài việc xây dựng mạng 5G hay sự kiểm duyệt internet nội địa, khi nó cho thấy các tiêu chuẩn và quy định khác nhau đang được phát triển - sự cạnh tranh của Android và iOS thậm chí đã được đưa ra làm dẫn chứng - khiến việc giao tiếp quốc tế hay kết nối giữa các hệ thống trở nên khó khăn hơn.
Và cuối cùng, mạng 5G "nhanh như chớp" được dự đoán sẽ đưa chúng ta đến gần nhau hơn bao giờ hết, nhưng dưới sự phân chia Huawei, nó có thể đang đẩy chúng ta ngày một cách xa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần