Từ lệnh cấm Huawei, nhớ con đường dẫn Nhật Bản vào Thế chiến II

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lệnh cấm lên Huawei gợi nhớ lại những áp lực Mỹ dồn lên Nhật Bản trước thềm Thế chiến II mà sự kiện Trân Châu Cảng là mắt xích quan trọng.

Thế đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay gợi nhắc lại những màn xung đột “kinh điển” trong lịch sử - giữa Athens và Sparta hay Mỹ với Liên Xô. Nhưng cách hành xử giữa Mỹ và “người khổng lồ” công nghệ Huawei còn gợi nhớ một tiền đề khác: Chiến dịch gây áp lực lên Nhật Bản của Mỹ tiền Thế chiến II, tới đỉnh điểm là Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ Franklin Roosevelt hồi tháng 7/1941 quyết định đóng băng tài sản Nhật Bản tại Mỹ.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Một lần nữa, Mỹ đối diện với một quốc gia châu Á đang tìm mọi cách khẳng định vị thế địa chính trị, thay thế Mỹ ở châu Á, thoát khỏi sự phụ thuộc về kinh tế vào phương Tây cũng như viết lại luật chơi quốc tế để chiều theo lợi ích của họ – đó là Trung Quốc. Trong khi Mỹ đang dùng đòn bẩy kinh tế để thay đổi hành vi của Bắc Kinh, Washington cũng tăng cường triển khai quân sự để hỗ trợ các đồng minh và củng cố vị thế.

"Bóng ma" từ quyết định đóng băng tài sản Nhật Bản

Tất nhiên, thập niên 2010 không thể giống với những năm 1930. Trung Quốc không còn xâm lược các nước láng giềng, như Đế quốc Nhật từng làm với Trung Quốc. Mỹ-Trung giờ có quan hệ kinh tế đan xen hơn Nhật với Mỹ giai đoạn 1930, cùng nhiều yếu tố liên quan tới nhau khác.

“Tôi không so sánh lệnh trừng phạt đối với Huawei - một công ty tư nhân, không phải một quốc gia – sẽ dẫn đến một sự kiện Trân Châu Cảng thế kỷ 21. Tuy nhiên, việc Mỹ ráo riết gây áp lực lên Trung Quốc gợi nhớ đến nỗ lực trước đó của Washington chống lại Nhật Bản, với những cạm bẫy tương tự”, tác giả James Gibney chia sẻ trên Bloomberg.

Quyết định đưa Huawei và các chi nhánh vào danh sách “đen” hạn chế các nhà cung cấp Mỹ làm ăn với tập đoàn này, đang đe dọa Huawei. Chính quyền Donald Trump cũng tăng cường các hoạt động hàng hải để chống lại sự xâm lấn lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, cảnh cáo Bắc Kinh về hành vi bóc lột các nước thông qua Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, và tăng thuế lên hàng hóa nhập khẩu để buộc Bắc Kinh đảo ngược các hoạt động thương mại thiếu công bằng, cũng như khóa các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ và tăng cường hỗ trợ cho Đài Loan.

Nhớ lại quyết định của Mỹ đóng băng tài sản Nhật Bản vào mùa hè năm 1941 và áp đặt lệnh cấm vận  đối với dầu – nhiên liệu thiết yếu để Tokyo duy trì nền kinh tế và quân sự lúc đó cũng là một bước đi quyết liệt của Washington. Sau khi Nhật Bản tấn công Trung Quốc vào tháng 7/1937 và “bắt tay” với Đức (động thái củng cố từ Hợp ước ba bên năm 1940), đã thổi bùng đe dọa từ Tokyo với Mỹ, Anh và một số quốc gia khác.

Vào tháng 10/1937, Tổng thống Mỹ Roosevelt đã có một bài phát biểu mang tính “khai chiến” với tuyên bố nổi tiếng: “Một khi dịch bệnh bắt đầu lan rộng, cộng đồng phải chung tay tham gia cách ly bệnh nhân.”

Sau đó, phản ứng trước việc Nhật Bản ném bom các thành phố của Trung Quốc, tháng 6/1938, Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo các nhà sản xuất không bán máy bay cho các quốc gia ném bom dân sự. Vào tháng 7/1939, Mỹ tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận thương mại song phương với Nhật Bản. Năm 1940, Mỹ hạn chế bán nhiên liệu hàng không và sắt phế liệu (ngành công nghiệp thép Nhật Bản dựa 3/4 vào Mỹ) và áp cấm vận công cụ thiết bị giúp Nhật Bản gây chiến.

Tuy nhiên, Tổng thống Roosevelt và Ngoại trưởng Cordell Hull lúc bấy giờ vẫn để lại "lỗ hổng" cho Nhật Bản. Như nhà sử học Jonathan Utley đã nói, chiến lược của Ngoại trưởng Hull không phải làm tê liệt Nhật Bản mà chỉ giữ cho nước này phụ thuộc về kinh tế vào các cường quốc phương Tây và ngăn Nhật Bản nam tiến. Thay vào đó, chính quyền của Roosevelt đã tập trung nhiều hơn vào mối đe dọa ngày càng tăng từ Phát xít Đức.

Nhưng sau đó, Dean Acheson, nhân vật sau này trở thành Ngoại trưởng Mỹ đã nhảy vào bàn thảo. Với quan điểm cứng rắn, Acheson lúc bấy giờ là Trợ lý Ngoại trưởng lãnh đạo Ủy ban Tài chính đã thúc đẩy các biện pháp diều hâu với Nhật Bản, góp phần dẫn đến lệnh cấm vận thương mại hoàn toàn lên Tokyo.

Lúc bấy giờ, Nhật Bản có một kho dự trữ dầu đủ cho Tokyo sử dụng trong vòng 18-24 tháng, nhưng thời hạn này có thể rút ngắn nếu Tokyo tăng cường hoạt động quân sự. Bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản đã thúc giục Đại sứ quán ở Washington phá vỡ thế bao vây cấm vận.  Các nhà sử học từng đề cập những biện pháp cấm vận thương mại của Mỹ lúc bấy giờ như một trong những động lực dẫn đến việc Nhật xâm lược Đông Nam Á và tấn công Trân Châu Cảng.

Điểm tương đồng giữa hai giới chức Mỹ "diều hâu"

Nhìn lại cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump không muốn gây áp lực để tạo ra những biến chuyển địa chính trị như vậy, mặt khác chỉ mong chờ một chiến thắng thương mại.

Chính quyền Trump coi mối quan hệ của Huawei với chính phủ Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia nghiêm trọng, nhưng trong tư duy giao dịch của ông chủ Nhà Trắng, tập đoàn này có thể chỉ là một con chip thương lượng khác trong nhiệm vụ đánh cắp danh tiếng và vận may chính trị của ông.

Tuy nhiên, trong một cuộc chạy đua giành ảnh hưởng toàn cầu, những tranh chấp này có thể tạo bước ngoặt nguy hiểm. Trước luận điệu dân túy và de đọa siết chặt visa lên du học sinh Trung Quốc của Tổng thống Trump, ông Tập cũng phát đi tín hiệu về một cuộc “vạn lý trường chinh”. Hơn nữa, dưới chính quyền Trump, khả năng một cố vấn an ninh John Bolton có quan điểm cứng rắn tương tự Acheson gây sai lầm chính sách là hoàn toàn có thể.

Do đó, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc cũng đang trong một cuộc chiến giành ảnh hưởng, “điển tích” lịch sử này cũng đáng để hồi tưởng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần