Từ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần V: Nhìn lại điện ảnh Việt

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Hà Nội (HANIFF 2018) vừa khép lại. Khán giả Thủ đô và những người làm trong ngành đã có 5 ngày trải nghiệm cùng nền điện ảnh của 45 quốc gia và 147 tác phẩm dự thi.

Điện ảnh Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ điện ảnh thế giới và khu vực là trăn trở của nhiều người sau kỳ LHP danh giá này.
Bữa tiệc của nghệ thuật thứ 7

Trong 5 ngày diễn ra HANIFF 2018, khán giả đã có cơ hội trải nghiệm 48 buổi chiếu có nghệ sĩ các đoàn làm phim ra mắt, giao lưu trực tiếp với khán giả trước giờ chiếu. HANIFF 2018 được đánh giá là thành công về mặt tuyển phim khi mời được nhiều bộ phim mới đoạt giải tại các LHP danh giá như Oscar, Cannes, Berlin… Hơn 200 suất chiếu phim miễn phí đã được tổ chức cho khán giả Hà Nội. Điểm nhấn cũng là nét mới của HANIFF 2018 chính là 3 buổi chiếu phim ngoài trời, giao lưu với khán giả Hà Nội với các bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” - Việt Nam, “Anida và gánh xiếc nổi” - Argentina và “Giản đơn” - Australia.
 Trao giải đạo diễn trẻ phim ngắn xuất sắc nhất.
Trại sáng tác và Chợ dự án của HANIFF 2018 cũng đã trao giải dự án cũng như cá nhân xuất sắc: Crisanto Calvento - Philippines, lớp Đạo diễn - Sản xuất; Lớp diễn viên có hai học viên được trao giải thưởng Nam diễn viên xuất sắc nhất và Nữ diễn viên xuất sắc nhất cho Công Văn Dương và Vũ Kim Anh. Chợ dự án trao giải cho “John Denver Trending” - Philippines và Giải thưởng đặc biệt từ Ban Giám khảo dành cho dự án “Good Morning and Good Night”. Khép lại một HANIFF 2018 khá sôi động với những tiệc phim quốc tế thật sự đã để cho điện ảnh Việt Nam nhìn lại mình trong nhiều góc độ.

Công chúng và nghệ sĩ bị lệch hướng

Rất nhiều bộ phim được trình chiếu trong LHP vắng khán giả hoặc đang xem khán giả bỏ về. Điển hình là buổi công chiếu bộ phim “Dân quê” - Pale Folks của Serbia. Dù đã đạt được vô số giải thưởng và được trình chiếu tại rất nhiều LHP như Visions du Reel, Cinema du Reel, IFR, LHP Nouveau, L’Alternavia, Yamagata… nhưng phim này vẫn bị khán giả Việt chê nhạt. Tương tự, phim “Đêm yên lặng” - Silent night (giải phim xuất sắc nhất, nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Ba Lan) cũng không được nhiều người xem đón nhận. Công chúng Việt đã quá quen với những bộ phim “bom tấn”, kinh phí “khủng”, kỹ xảo điện ảnh tinh vi. Nếu không có yếu tố trên thì phải có những tên tuổi diễn viên đảm bảo độ “hot”. Đây là hệ lụy của việc nền điện ảnh bị thương mại hóa, những nhà làm phim và các đơn vị phát hành phim quen chạy theo thị hiếu người xem.

"Càng ngày điện ảnh Việt Nam càng có nhiều câu chuyện hơn để kể, nhiều người tài giỏi hơn tham gia vào ngành công nghiệp này và đã thu hút được nhiều người đến để cùng sản xuất phim. Tôi biết rằng, các bạn luôn nghĩ các tác phẩm điện ảnh trong nước đang khó cạnh tranh các bộ phim nước ngoài. Theo tôi, các bạn hoàn toàn nhầm lẫn. Việt Nam đã có những bộ phim ăn khách, chất lượng. Đồng hành với đó là các rạp chiếu phim đang được mở ra, tạo ra cơ hội rất lớn cho nền điện ảnh Việt Nam." - Đại diện Hiệp hội Điện ảnh Mỹ Susan Lee


"Tiền không quyết định được bộ phim đó hay hay dở. Tôi từng thấy có những dự án ngốn kinh phí “khủng” nhưng thực tế lại chưa chắc đã được đón nhận bằng phim có kinh phí thấp." - Ngôi sao điện ảnh Australia David Wenham


"Ngoài giá trị kinh tế của các tác phẩm điện ảnh thì còn là truyền thống, văn hóa, bản sắc của một dân tộc. Một số quốc gia còn sử dụng điện ảnh là công cụ quảng bá du lịch. Với Quỹ phim ASEAN, chúng tôi mong muốn các tác phẩm điện ảnh vừa có giá trị về kinh tế, vừa thúc đẩy giao lưu văn hóa... Trong quá trình hội nhập, chúng ta có thể kết nối với các quốc gia khác nhau, giới thiệu quảng bá phim ASEAN đến các LHP trên thế giới." - Giám đốc điều hành quỹ phim ASEAN Miguel Dela Rosa

Điện ảnh Việt Nam đang có nhiều tín hiệu tích cực, lợi nhuận từ thị trường phim ảnh đang tăng 20% mỗi năm. Tuy nhiên, chúng ta đang quá chú trọng vào phim thương mại mà thiếu đi những bộ phim có giá trị nghệ thuật, có dấu ấn văn hóa riêng. Trong 35 bộ phim Việt Nam đương đại được giới thiệu trong HANIFF 2018 gồm 21 phim truyện được sản xuất từ năm 2016 đến nay chủ yếu là phim giải trí, thị trường, rất ít phim nghệ thuật. Điều này cho thấy điện ảnh Việt Nam đang khủng hoảng về việc hướng tới phát triển chất lượng cao. Ngay như phim tham dự tranh giải của điện ảnh Việt Nam là “Nhắm mắt thấy mùa hè”, một sự đổi mới với phim đầu tay của một nữ đạo diễn trẻ, nhưng phim có bối cảnh diễn ra tới 90% trên đất Nhật, cho dù thấp thoáng bữa cơm Việt, áo dài Việt thì bản sắc văn hóa Việt trong phim rất nhạt nhòa. Đề tài phim không mới, chỉ như một cuộc tình lãng mạn theo kiều ngôn tình. Đây là một sự chênh lệch khá lớn giữa phim Việt với những phim của các bạn tham dự.

Theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: “Khi làm phim, câu hỏi chúng tôi luôn được nghe là liệu phim có ăn khách không, có đúng thị hiếu không, tại sao lại không có những diễn viên trẻ? Ban đầu, tôi thấy bình thường vì mỗi nền điện ảnh phát triển được cần đa dạng, việc lôi kéo công chúng đến rạp là quan trọng. Nhưng sau đó, tôi thấy tác động của quan điểm phim ra rạp là phim thương mại, khiến cho những người muốn làm phim nghệ thuật là thiểu số thì thật đáng buồn”.

Bài học “càn quét” LHP từ Iran

Kết thúc HANIFF 2018, điện ảnh Iran đoạt giải phim xuất sắc nhất. Một quốc gia không giàu có, nhưng một năm họ sản xuất lên đến 150 phim truyện điện ảnh dài (năm 2018) và gần như “càn quét” các LHP quốc tế danh giá toàn cầu, thu về từ 500 - 600 giải thưởng các loại cho điện ảnh quốc gia.

Thực trạng trên ở Việt Nam giống với Iran ở giai đoạn những năm 1930. Trong hội thảo “Kinh nghiệm thành công quốc tế của điện ảnh Iran”, nhà phê bình phim Mohammad Attebbai chia sẻ: Từ đầu thế kỷ XX đã có các bộ phim được quay tại Iran nhưng chủ yếu là phim thương mại. Nhưng ở thế hệ thứ 2 (khởi đầu năm 1947), bên cạnh các bộ phim thương mại, điện ảnh Iran đã bứt phá từ những phim tài liệu mang tính dân tộc học, có giá trị cao.

Đặc biệt, để có được thành công, theo đạo diễn Kazem Mollaie: Sự kiện mang tính bước ngoặt là sự thành lập Quỹ hỗ trợ điện ảnh do Chính phủ tài trợ vào năm 1984. Phim Iran làm từ ngân sách chính phủ hay tư nhân đều được chọn gửi đi LHP quốc tế. Trong 2 năm đầu, Quỹ điện ảnh gửi tới 300 bức thư đến các LHP quốc tế mà chỉ nhận được 2 phản hồi, nhiều người nghĩ điện ảnh Iran không tồn tại. Tuy nhiên, sau nhiều năm kiên trì gửi phim tới các LHP, phim Iran ngày càng được lựa chọn nhiều để trình chiếu. Theo thống kê, nếu năm 2015 điện ảnh Iran giành hơn 300 giải thưởng quốc tế thì đến 2016 lên tới 516 giải thưởng. Tính đến cuối tháng 10/2018, tổng số phim Iran từng tham gia LHP quốc tế là hơn 40.000 lượt, với hơn 4.000 giải thưởng. Ông Philip Cheah - nguyên Giám đốc LHP Quốc tế Singapore cho rằng, xét trên quy mô toàn cầu, Iran là quốc gia phần nào bị cô lập, nhưng với sự tham gia của ngành điện ảnh như vậy, họ đã hội nhập được với toàn thế giới.

Để có những tác phẩm thành công như trên, ngoài sự quan tâm của Nhà nước, kinh phí không phải là yếu tố mấu chốt. Theo đạo diễn Kazem Mollaie: Có nhà làm phim không muốn làm phim từ nguồn tài trợ của Chính phủ. Với bộ phim “Buồng tối”, chúng tôi làm phim từ khoản vay từ ngân hàng tư nhân. Vì làm phim độc lập nên có toàn quyền để làm những gì mình muốn. Chính bộ phim này đã đạt giải phim dài xuất sắc nhất tại HANIFF 2018.

Thiết nghĩ các nhà quản lý, nhà sản xuất, các nhà làm phim điện ảnh Việt Nam nên học kinh nghiệm của Iran. 2 năm tổ chức HANIFF/lần, theo quy chế mới là phim chưa tham dự các LHP ở châu Á, vậy nên chăng điện ảnh Việt Nam cần có “quỹ” phim để tham dự, tránh đưa một phim đại diện mà bản sắc văn hóa Việt đâu đó xa xôi, không thể đại diện cho điện ảnh Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần