Tư liệu, hình ảnh quý kể chuyện khát vọng độc lập của dân tộc

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, sáng 31/8, Trung tâm Bảo tồn Di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội khai mạc trưng bày triển lãm ảnh “Độc lập”. Triển lãm giới thiệu đến công chúng rất nhiều hình ảnh tư liệu thể hiện tư tưởng Khát vọng Độc lập của dân tộc Việt Nam; mối tương quan giữa Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội với những sự kiện trọng đại của đất nước; trong đó, sự kiện ngày 2/9/1945 là một điểm nhấn đặc biệt.

 Bức ảnh Nhân dân Hà Nội giành chính quyền. Các lực lượng quần chúng cách mạng đánh chiếm Bắc Bộ Phủ, ngày 19/8/1945 được trưng bày trong triển lãm.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội Trần Việt Anh cho biết: “Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội liên quan chặt chẽ với những sự kiện quan trọng và các giá trị biểu đạt văn hóa, nghệ thuật của quá trình hình thành và phát triển quốc gia độc lập trong gần một thiên niên kỷ, quá trình hình thành một Nhà nước hiện đại ở châu Á. Những sự kiện trọng đại như vậy đều thể hiện một cách điển hình trong khu di sản”.
Triển lãm “Độc lập” chia làm 3 nội dung: Khát vọng độc lập dân tộc; Ngày độc lập; Sự lan tỏa của khát vọng độc lập. Thông qua 100 hình ảnh tư liệu tiêu biểu, triển lãm “Độc lập” giới thiệu khát vọng thiêng liêng về độc lập, tự do của Nhân dân Việt Nam qua những tuyên ngôn bất hủ từ “Chiếu dời đô” của Lý Thái Tổ, “Nam Quốc Sơn hà” của Lý Thường Kiệt, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi đến bản “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bản “Chiếu dời đô” được giới thiệu trong triển lãm là bản tìm thấy trong khối Mộc bản triều Nguyễn. Đây là bản khắc chữ Hán ngược, kích thước 41 x 21,2 cm, khuôn khổ in 20 x 29,5 cm ghi lại toàn bộ “Chiếu dời đô” của Vua Lý Công Uẩn soạn cách đây 1.000 năm.Theo Thạc sĩ Phạm Thị Huệ - nguyên Giám đốc Trung tâm lưu trữ quốc gia IV khẳng định, “Chiếu dời đô” trong khối Mộc bản triều Nguyễn là bản gốc duy nhất còn lại tính đến thời điểm này. “Chiếu dời đô” của vua Lý Công Uẩn là một bản tuyên ngôn thể hiện chiến lược văn hóa chính trị về Đại La, Thăng Long – Hà Nội, như lời khẳng định về tinh thần Độc lập suốt hơn một thiên niên kỷ, với việc khởi dụng Thăng Long trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, gồm 3 vòng thành: Cấm thành, Long thành và La Thành. Ngoài ra, các tư liệu như bản Nam Quốc sơn Hà, Bình Ngô đại cáo, Bản đồ Hà Nội năm 1902... được khai thác từ các nguồn tư liệu giá trị cũng sẽ là những tư liệu quý làm nổi bật chủ đề Khát vọng độc lập dân tộc của triển lãm.
Công chúng tham quan triển lãm "Độc lập" tại Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: Linh Anh
Với chủ đề Ngày độc lập và sự lan tỏa khát vọng độc lập, phần 2 và phần 3 của triển lãm sẽ giới thiệu đến công chúng những tư liệu rất giá trị như: Bản Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban thường vụ T.Ư phát động cao trào kháng Nhật cứu nước, ngày 12/3/1945, hoặc bức thư kêu gọi đồng bào cả nước khởi nghĩa giành chính quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bản Tuyên ngôn Độc lập… đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Viện Thông tin khoa học Xã hội Việt Nam. Ngoài ra, những bức ảnh các lực lượng quần chúng cách mạng đánh chiếm Bắc bộ phủ ngày 19/8/1945, hàng triệu đồng bào đem theo cờ đỏ sao vàng có mặt tại Quảng trường Ba Đình… cũng là những hình ảnh hấp dẫn công chúng xem triển lãm.
Triển lãm “Độc lập” một lần nữa khẳng định vị trí và bố cục, tinh thần và ý nghĩa Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội nằm trong khu vực của Trung tâm chính trị Ba Đình, nơi tập trung quyền lực tối cao về mặt chính trị, quân sự và hành chính của nước Việt Nam hiện đại. Đó không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Bởi vì, trên thực tế, Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là tâm điểm của toàn bộ quá trình lịch sử hình thành nên không gian chính trị Ba Đình. Triển lãm có phiên bản trực tuyến tại website: trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn.
Sáng 30/8, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề cấp quốc gia với chủ đề “Việt Nam - Độc lập, Tự cường”.
“Việt Nam - Độc lập, Tự cường” gồm 5 phần giới thiệu với công chúng hơn 200 tài liệu, hình ảnh tiêu biểu về ý chí quyết tâm, quá trình phấn đấu vì độc lập dân tộc, những hy sinh gian khổ của cả dân tộc Việt Nam để xây dựng nên Tổ quốc Việt Nam hôm nay. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, 75 năm qua, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã giữ vững độc lập chủ quyền, xây dựng và phát triển đất nước, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực và trở thành một quốc gia có uy tín trên trường quốc tế.