Leo thang xung đột Israel - Palestine: Từ một cuộc bầu cử bị trì hoãn

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cuộc họp với 70 đại diện ngoại giao nước ngoài tại Tel Aviv hôm 19/5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng, vòng giao tranh khốc liệt hiện nay giữa quân đội nước này với Phong trào Hồi giáo Hamas xuất phát từ việc Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas “hoãn vô thời hạn” cuộc bầu cử lập pháp - lần đầu tiên được tổ chức ở lãnh thổ Palestine trong 15 năm qua - dự kiến diễn ra vào cuối tuần này. Giới quan sát nhận định, những toan tính chính trị của các bên trong bối cảnh đặc biệt đang khiến xung đột càng trở nên phức tạp, khó hòa giải.

Hamas và Israel cùng hưởng lợi

Bạo lực bùng phát vào ngày 10/5 với tối hậu thư của Hamas - lực lượng dân quân Palestine quản lý Dải Gaza - yêu cầu Israel phải rút lực lượng an ninh ra khỏi nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa. Khi Hamas bắn rocket vào khu vực lân cận Jerusalem, các tay súng của lực lượng này nói rằng họ đang bảo vệ thánh đường al-Aqsa và bênh vực các gia đình Palestine bị Israel đe dọa trục xuất ra khỏi khu định cư Sheikh Jarrah ở Đông Jerusalem. Israel đã đáp trả bằng các cuộc không kích dữ dội nhắm vào hàng trăm mục tiêu ở Dải Gaza, bao gồm cả khu dân cư và trụ sở cơ quan báo chí. Chuỗi “tấn công - trả đũa” này hiện đã kéo dài đến ngày thứ 10 liên tiếp, khiến ít nhất 227 người thiệt mạng, bao gồm 64 trẻ em, hơn 1.600 người bị thương và khoảng 72.000 người phải rời bỏ nhà cửa.
Một phụ nữ Palestine than khóc trước đống đổ nát của nhà riêng đã bị phá hủy sau cuộc không kích bởi Israel vào Dải Gaza, ngày 15/5. Ảnh: AP
Lâu nay, Hamas vẫn sử dụng “chiêu thức” đe dọa tấn công Gaza bằng rocket để đạt được những nhượng bộ liên quan hỗ trợ nhân đạo từ Israel và các nước Ả Rập. Hiện Gaza vẫn nằm trong lệnh phong tỏa của Israel kể từ khi Hamas kiểm soát khu vực này hồi năm 2007. Trong khi đó, Thủ tướng Netanyahu thường sử dụng chiến thuật “cắt cỏ” để làm suy yếu sức mạnh của Hamas, nhưng vẫn trên tinh thần chấp nhận sự quản lý của lực lượng này ở Gaza. Trước đây, để tìm cách chấm dứt xung đột, 2 địch thủ này đã đối thoại gián tiếp thông qua các trung gian như Ai Cập, Qatar và Liên Hợp quốc. Tuy nhiên, cuộc giao tranh lần này được cho có đôi chút khác biệt so với trước kia, khi cả ông Netanyahu và Hamas đều đang đạt được lợi ích chiến lược trước mắt. Nói cách khác, đối với cả 2 bên, cuộc xung đột này xảy ra đúng vào thời điểm đem lại những cơ hội chính trị.

Sau các cuộc bầu cử kéo dài 2 năm qua vẫn bất phân thắng bại, Thủ tướng Netanyahu không thể tạo một liên minh để có thể thành lập chính phủ. Đúng vào lúc một nhóm đối thủ đang ấp ủ kế hoạch thành lập chính phủ mới nhằm lật đổ ông Netanyahu, xung đột nổ ra khiến hàng trăm người thiệt mạng. Từ vụ đụng độ gần thánh đường Hồi giáo al-Aqsa ở Jerusalem, cuộc khủng hoảng thổi bùng chiến sự tại Dải Gaza, châm ngòi cho làn sóng bạo lực sắc tộc giữa người Ả Rập và người Do Thái tại nhiều thành phố ở Israel. Trong bối cảnh đó, các nhà lập pháp đối lập thừa nhận, triển vọng của việc thành lập một chính phủ không có sự tham gia của ông Netanyahu là rất xa vời. Thay vào đó, Israel có khả năng sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử khác trong những tháng tới, và sẽ là lần thứ 5 trong vòng 2 năm rưỡi qua. Washington Post dẫn lời Giáo sư chính trị học Gayil Talshir tại Đại học Hebrew, đánh giá: “Xung đột đã xảy ra “đúng lúc” để ngăn chặn sự thay đổi chính phủ ở Israel”.

Trong khi đối với Hamas, cuộc xung đột này diễn ra giữa bối cảnh tình hình nội bộ lãnh đạo Palestine có những rạn nứt chưa thể hóa giải. Tổng thống Abbas - đứng đầu Phong trào Giải phóng dân tộc Palestine (Fatah) quản lý Bờ Tây - đã quyết định hủy bỏ cuộc bầu cử mà người Palestine vốn chờ đợi từ lâu, được dự kiến diễn ra vào ngày 22/5. Ông Abbas đổ lỗi cho Israel có thể ngăn không cho người Palestine ở Đông Jerusalem, cũng như ở Bờ Tây và Gaza bị chiếm đóng, đi bỏ phiếu. Tuy nhiên, nhiều người Palestine coi vấn đề này chỉ là cái cớ để tránh các cuộc bầu cử mà Fatah được dự báo có thể thua Hamas, như những gì đã từng diễn ra trong cuộc bỏ phiếu bầu Quốc hội cuối cùng vào năm 2006. Không còn hòm phiếu để chứng minh tính hợp pháp của mình, Hamas dường như đang tự khẳng định bằng sự phản kháng đối với việc chiếm đóng của Israel.

“Với những chỉ dấu ban đầu, nhiều người ở Bờ Tây đang ngưỡng mộ những gì Hamas làm”, Jean-Paul Chagnollaud, cựu quan chức chính quyền Palestine, hiện là Chủ tịch Viện Nghiên cứu Địa Trung Hải - Cận Đông, đánh giá, “tự thể hiện mình là thế lực có thể đối đầu với Israel chính là “con bài” của Hamas nhằm giành được sự ủng hộ rộng rãi của cử tri Palestine. Bằng cách này, họ sẽ được coi như những vị cứu tinh tiềm năng của người Palestine đang sinh sống tại Jerusalem luôn thấp thỏm lo âu trước những lời đe dọa trục xuất của Israel”.

Vì sao ngoại giao thất bại?

Vấn đề lớn nhất lúc này là dường như không có khả năng nào mang đến một giải pháp thương lượng cho cuộc xung đột Israel - Palestine kéo dài nhiều thập kỷ qua. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng cố gắng bắt đầu các cuộc đàm phán bằng cách bổ nhiệm cựu Thượng nghị sĩ George Mitchell làm đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Trung Đông. Trọng tâm của chính quyền Mỹ lúc đó là giải quyết các hoạt động bị phản đối của Israel ở Bờ Tây, nhưng cuối cùng đã không thể đạt được bất kỳ tiến bộ nào với cả người dân Israel và Palestine. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, con rể ông là Jared Kushner đã phát triển một kế hoạch chủ yếu tập trung vào mối quan hệ của Israel với các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh. Điều này hiển nhiên đã bị người Palestine cực lực bác bỏ.

Cộng đồng quốc tế cũng tỏ ra kém hiệu quả trong nỗ lực giảm căng thẳng trong những tuần vừa qua. Nga đã triệu tập lại “Bộ tứ Trung Đông” - một cơ quan được thành lập dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, bao gồm Mỹ, Nga, Liên Hợp quốc và Liên minh châu Âu (EU), để thúc đẩy kế hoạch hòa bình giữa Israel - Palestine, nhưng cũng đã chỉ dừng lại ở tuyên bố chung bày tỏ quan ngại. Trong khi đó, Trung Quốc thúc giục Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc hành động để giảm leo thang căng thẳng - một động thái đã bị đồng minh của Israel là Mỹ ngăn chặn.

Hầu hết giới chuyên gia nhất trí rằng, bên có khả năng cao nhất để thúc đẩy một lệnh ngừng bắn và các cuộc đàm phán hiện nay là Mỹ. Tuy nhiên, ngoài việc đưa ra những lo ngại thông thường, Tổng thống Joe Biden thậm chí đã bảo vệ phản ứng của Israel trước các cuộc tấn công bằng tên lửa của người Palestine. Dễ hiểu khi vị tân Tổng thống Mỹ đang chủ yếu tập trung vào các vấn đề trong nước giữa bối cảnh khủng hoảng đại dịch, tránh phân tâm vào cuộc xung đột Israel - Palestine vốn là một vấn đề gây chia rẽ lớn trong nền chính trị Mỹ. Hơn nữa, Hamas vẫn đang bị liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố ở Mỹ, trong khi ông Biden chính là tác giả của Đạo luật chống khủng bố Palestine (PATA) khi còn là Thượng nghị sĩ.

Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Biden, Thủ tướng Netanyahu ngày 19/5 tuyên bố chưa thể đưa ra lộ trình thời gian cho tranh chấp, khi quân đội Israel sẽ tiếp tục bắn phá Gaza cho đến khi “đạt được mục tiêu”. Thảm kịch mất mát và đau khổ mà người dân Palestine và Israel dự sẽ còn tiếp tục trong những ngày tới.q

"Tự thể hiện mình là thế lực có thể đối đầu với Israel chính là “con bài” của Hamas nhằm giành được sự ủng hộ rộng rãi của cử tri Palestine. Bằng cách này, họ sẽ được coi như những vị cứu tinh tiềm năng của người Palestine đang sinh sống tại Jerusalem luôn thấp thỏm lo âu trước những lời đe dọa trục xuất của Israel." - Chủ tịch Viện Nghiên cứu Địa Trung Hải - Cận Đông Jean-Paul Chagnollaud

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần