Từ ngày mai (5/1), phân lô bán nền trái phép bị phạt 1 tỷ đồng

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 5/1, việc tự ý chuyển đất trồng lúa sang đất ở; phân lô, bán nền trái phép; lấn, chiếm đất; chậm làm sổ đỏ cho cư dân… là những vi phạm sẽ bị phạt năng lên đến 1 tỷ đồng.

Cụ thể, theo quy định của Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai có hiệu lực từ ngày 5/1/2020, các hành vi như: Tự ý chuyển đất trồng lúa sang đất ở; Phân lô, bán nền chưa đủ điều kiện; Lấn, chiếm đất; Bỏ hoang đất…sẽ bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng.
 Phân lô bán nền sai quy định bị xử phạt từ 20 triệu đến 1 tỷ đồng.
Cụ thể, trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê không đủ một trong các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 41 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP hoặc đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 41 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP nhưng chưa được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 194 của Luật đất đai thì hình thức và mức xử phạt từ 20 – 500 triệu đồng tùy theo diện tích.
Chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền ở các dự án kinh doanh nhà ở để bán hoặc kết hợp cho thuê nếu không đủ từ 2 điều kiện quy định ở khoản 1 Điều 41 của Nghị định 43 trở lên thì bị phạt từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng tùy diện tích.
Cũng theo quy định, các chủ đầu tư phải có biện pháp khắc phục, trình UBND cấp tỉnh cho phép phân lô, bán nền, phải đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo quy hoạch 1/500 được duyệt, hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai, xây dựng nhà theo đúng thiết kế, phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm...
Một điểm đáng lưu ý khác, các đơn vị kinh doanh bất động sản, nếu không nộp đủ hồ sơ, cung cấp đầy đủ giấy tờ cho người mua làm thủ tục cấp sổ đỏ cũng sẽ bị xử phạt, tùy theo mức độ:
Phạt 10 đến 100 triệu đồng nếu vi phạm 50 ngày đến 6 tháng, 300 triệu đồng từ 6-9 tháng, tối đa 500 triệu đồng từ 9-12 tháng, trên 12 tháng bị phạt tối đa 1 tỷ đồng.
Hành vi lấn, chiếm đất cũng sẽ bị xử phạt với mức tối đa là 1 tỷ đồng đối với các tổ chức và 500 triệu đồng với cá nhân trong trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị.
Ngoài ra, tùy theo mức độ vi phạm lấn, chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn sẽ bị xử phạt từ 10 đến 500 triệu đồng tùy vào diện tích lấn chiếm từ 0,05ha đến trên 1ha.
Bên cạnh các hình thức xử phạt hành chính khi vi phạm trong lĩnh vực đất đai, Nghị định 91 còn quy định xử phạt hành vi không sử dụng đất trồng cây hàng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục mà không thuộc trường hợp bất khả kháng bị xử phạt.
Mức phạt trên đây áp dụng đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (tối đa là 20 triệu đồng).
Biện pháp khắc phục với hành vi này, buộc sử dụng đất theo mục đích được Nhà nuớc giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất; trường hợp đã bị xử phạt mà không đưa đất vào sử dụng thì sẽ bị Nhà nước thu hồi.
Trao đổi với PV Báo Kinh tế và Đô thị, về mức phạt đối với hành vi phân lô bán nền trái phép, một chuyên gia bất động sản tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, mức chế tài trên thực tế là khó thực thi vì liên quan đến rất nhiều thủ tục khác, trong khi lợi nhuận thu về của 1 dự án phân lô bán nên thường lê tới hàng chục, hàng trăm tỷ.
"Phải công nhận rằng, dù nghị định đưa ra điều khoản khá nghiêm ngặt hơn so với quy định cũ, song biện pháp khắc phục hậu quả của nghị định vẫn chưa phải là “án nặng” khi chỉ yêu cầu chủ đầu tư tiến hành làm thủ tục trình chính quyền sở tại cấp phép cho việc làm trái quy định đó hoặc thực hiện tiếp tục đầu tư dự án như đã đăng ký và nộp lại số tiền đã thu lợi bất chính", chuyên gia này nói.
Thời gian gần đây, tình trạng phân lô, bán nền trái phép đang diễn ra khá rầm rồ tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó ngoài một số chủ đầu tư thực sự thì có cả những doanh nghiệp "tay không bắt giặc", tự vẽ dự án để lừa khách hàng, điển hình là vụ án lừa đảo tại Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba, Công ty Angel Lina…Cho đến khi cơ quan chức năng phanh phui vụ việc thì hàng nghìn khách hàng đã lâm vào cảnh "tiền mất tật mang".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần