Quận Thanh Xuân: Hành động để xóa bỏ bạo lực gia đình

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ quan niệm "phải đánh mới nên người" xem như một biện pháp trừng phạt răn đe để con không mắc lỗi lần sau, nhưng kiểu dạy đó đã đẩy con trẻ vào những "cực hình" thay vì phải được chăm sóc, dạy bảo ân cần.

 Diễn đàn “Hãy lên tiếng và hành động để xóa bỏ bạo lực gia đình”

Ngày 29/10, Hội LHPN quận Thanh Xuân và Hội đồng Phối hợp Phổ biến giáo dục quận Thanh Xuân đã tổ chức diễn đàn “Hãy lên tiếng và hành động để xóa bỏ bạo lực gia đình”.

Tại diễn đàn, Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Xuân Trịnh Thị Hồng Thủy cho hay, bạo lực gia đình tồn tại dưới nhiều hình thức, đối tượng bị bạo lực phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Nguyên nhân chủ yếu là nạn bia rượu, dính líu đến tệ nạn xã hội, bất bình đẳng giới, thiếu kỹ năng ứng xử, cách giải quyết không phù hợp khi gia đình có bất đồng, mâu thuẫn xảy ra.

Ngoài ra, tình trạng thiếu việc làm, kết hôn sớm, ép hôn, ngoại tình... cũng là nguyên nhân dẫn đến bạo hành gia đình. Mặt khác, chính sự thiếu hiểu biết và lạm dụng quyền làm bố mẹ của người lớn đã gây tổn hại đến con trẻ. Từ quan niệm "phải đánh mới nên người" xem như một biện pháp trừng phạt răn đe để con không mắc lỗi lần sau, nhưng kiểu dạy đó đã đẩy con trẻ vào những "cực hình" thay vì phải được chăm sóc, dạy bảo ân cần.

 

“Công tác phòng chống bạo lực gia đình phải được các cơ sở hội vào cuộc một cách quyết liệt hơn nữa. Đồng thời, phải kết hợp đồng bộ với nhiều giải pháp, song phải lấy phòng ngừa là chính. Có như vậy mới hạn chế và ngăn chặn được những hậu quả do bạo lực gia đình gây ra. Cùng đó, tập trung tuyên truyền vận động mọi người cùng chung tay ngăn chặn bạo lực gia đình, làm tốt công tác hòa giải đi đôi với phòng chống các tệ nạn xã hội” - Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Xuân đề nghị.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã cùng trao đổi về các vấn đề liên quan tới công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình, một số giải pháp được đề cập tại diễn đàn bao gồm: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp thay đổi nhận thức, hành vi trong ứng xử về gia đình; trang bị kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình cho phụ nữ và trẻ em.

Ngoài ra, cần xây dựng các mô hình cụ thể để can thiệp, ngăn chặn kịp thời và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân của bạo lực gia đình; xây dựng các thiết chế gia đình bền vững, các quy ước, hương ước nhằm hạn chế các mâu thuẫn có thể bùng nổ thành xung đột trong từng gia đình, tạo dựng hình ảnh gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc và phát triển bền vững.