Từ tháng 9/2019: Nhân viên karaoke phải có biển tên, 5 chính sách tiền lương mới

Văn Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 1/9, vũ trường được kéo dài thời gian hoạt động đến 2h sáng; trường hợp cho thuê trụ sở làm việc, ô tô công khi không có quyết định phê duyệt sẽ bị xử phạt từ 15 - 20 triệu đồng...

Nhiều quy định mới có hiệu lực từ tháng 9/2019.
Vũ trường được hoạt động đến 2h sáng
Theo Nghị định 54/2019, từ ngày 1/9, vũ trường được kéo dài thời gian hoạt động đến 2h sáng thay vì 24h như hiện hành; từ 8h trở đi mới được mở cửa trở lại.
Tại nghị định này, lần đầu tiên Chính phủ quy định vũ trường không được cung cấp dịch vụ cho người chưa đủ 18 tuổi. Phòng phải có diện tích sử dụng từ 80 m2 trở lên, không kể công trình phụ; không được đặt chốt cửa bên trong hoặc đặt thiết bị báo động (trừ các thiết bị báo cháy nổ).
Địa điểm kinh doanh vũ trường phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa từ 200 m trở lên; bảo đảm đủ điều kiện cách âm và âm thanh thoát ra ngoài phòng hát hoặc phòng vũ trường phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn.
Đáng chú ý, khoản 2, Điều 6 quy định, doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải chấp hành pháp luật lao động với người lào động theo quy định của pháp luật. Cung cấp trang phục, biển tên cho người lao động.
Tự ý cho thuê xe ô tô công, phạt đến 20 triệu đồng
Các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí kể từ ngày 1/9/2019 sẽ được áp dụng theo Nghị định 63/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Nghị định này nêu rõ, trường hợp cho thuê trụ sở làm việc, ô tô công khi không có quyết định phê duyệt sẽ bị xử phạt từ 15 - 20 triệu đồng.
Trường hợp tự ý bán thanh lý xe ô tô khi dự án kết thúc, chưa có quyết định phê duyệt cũng bị phạt tới 20 triệu đồng.
Với hành vi sử dụng điện, xăng, dầu, điện thoại, văn phòng phẩm, tổ chức hội nghị… bằng kinh phí Nhà nước vượt tiêu chuẩn, định mức sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng.
9 loại bệnh truyền nhiễm nhóm B phải cách ly
Tại Thông tư 17/2019/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 1/9/2019, Bộ Y tế đề cập đến Danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B phải tổ chức cách ly y tế, gồm: Bạch hầu; Ho gà; Sở; Rubella; Than; Viêm màng não do não mô cầu; Tay chân miệng; Thủy đậu; Quai bị.
Cũng theo Thông tư, đối tượng giám sát dịch bệnh, dịch bệnh là những người bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm và bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm; Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; Ổ chứa, trung gian truyền bệnh truyền nhiễm và các yếu tố nguy cơ.
10 hoạt động thể thao mạo hiểm
Cũng từ 1/9, Thông tư 04/2019/TT-BVHTTDL do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành về Danh mục hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn có hiệu lực.
Theo đó có 9 bộ môn thể thao bắt buộc phải có người hướng dẫn khi tập luyện, thi đấu, gồm: Leo núi nhân tạo; Trượt băng; Đua ngựa; Đấu kiếm thể thao; Bắn súng; Bắn cung; Thể dục dụng cụ; Thể dục nhào lộn và Đua thuyền.
Cũng tại Thông tư này, Bộ công bố Danh mục 10 hoạt động thể thao mạo hiểm, trong đó có: Dù lượn; Diều bay; Leo núi tự nhiên; Lặn biển thể thao giải trí; Mô tô nước trên biển…
Thù lao giáo viên dạy nghề sơ cấp không quá 2 triệu đồng/người/buổi
Thông tư 40/2019/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành quy định, mức thù lao cho giáo viên, người dạy nghề tham gia đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng như sau:
Giáo viên cơ hữu đang làm việc tại cơ sở đào tạo của Nhà nước được áp dụng mức tiền lương và các khoản phụ cấp theo lương của giảng viên, giáo viên hiện đang hưởng;
Người dạy nghề không thuộc trường hợp trên thì mức thù lao sẽ do Thủ trưởng cơ quan đề xuất, tối đa không quá 2 triệu đồng/người/buổi.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/9/2019.
Nguồn kinh phí để tăng lương năm 2019 tại các địa phương
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 46/2019/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 6/9, hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở.
Theo đó, nguồn kinh phí để tăng lương năm 2019 tại các địa phương gồm:
Nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2019 tăng thêm so với năm 2018 theo quyết định giao dự toán của Bộ Tài chính;
Nguồn 50% tăng thu ngân sách địa phương, không kể tiền sử dụng đất và tiền thu được từ xổ số kiến thiết thực hiện so với dự toán năm 2018 được giao;
50% phần ngân sách Nhà nước giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập…
Tăng 7,19% trợ cấp hàng tháng của quân nhân xuất ngũ
Có hiệu lực từ ngày 8/9, Thông tư 106/2019/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định, từ ngày 1/7/2019, tăng 7,19% trên mức trợ cấp hàng tháng của tháng 6 đối với các đối tượng quân nhân đã phục viên, xuất ngũ; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân đã phục viên, xuất ngũ…
Tùy thuộc vào năm công tác, mức trợ cấp dao động từ 1,891 triệu đồng/tháng đến 2,235 triệu đồng/tháng.
Hướng dẫn xếp lương với công chức ngành văn thư
Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 10/2019/TT-BNV hướng dẫn việc xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành văn thư. Văn thư chính có hệ số lương từ 4.40 đến 6.78; Văn thư có hệ số lương từ 2.34 đến 4.98; Văn thư trung cấp có hệ số lương từ 1.86 đến 4.06.
Nếu công chức được tuyển dụng vào vị trí có yêu cầu ngạch công chức tương ứng là ngạch văn thư trung cấp nhưng có trình độ cao đẳng trở lên thì bổ nhiệm vào ngạch văn thư trung cấp và áp dụng bảng lương của công chức loại B.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/9/2019.
Giảng viên giáo dục nghề nghiệp hệ số lương cao nhất đến 8,0
Ngày 26/9/2019, Thông tư 12/2019/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ có hiệu lực.
Nội dung chính của Thông tư này là quy định về hệ số lương của viên chức giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể:
Giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp: Hệ số lương từ 6,20 đến 8,00; Giảng viên giáo dục nghề nghiệp chính: Hệ số lương từ 4,40 đến 6,78; Giảng viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết: Hệ số lương 2,34 đến 4,98; Giảng viên giáo dục nghề nghiệp thực hành: Hệ số lương 2,10 đến 4,89.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần