Tư tưởng của Bác về thi đua còn nguyên giá trị

Hà Bình (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển hiện nay, những tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn là nền tảng, động lực lôi cuốn mọi tầng lớp Nhân dân, mọi cấp, ngành hưởng ứng tham gia”.

Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng khi nhìn lại 70 năm Bác Hồ ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”.

Thi đua không chung chung

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi thi đua là một trong những nghệ thuật tổ chức và chỉ đạo thực hiện đường lối, chính sách. Đồng thời luôn nhấn mạnh công việc hàng ngày là nền tảng của thi đua. Ông có thể nói rõ hơn về quan điểm, tư tưởng của Bác về thi đua ái quốc?

- Không phải đến năm 1948, mà ngay sau Cách mạng tháng Tám, Bác Hồ đã kêu gọi, động viên các tầng lớp Nhân dân tích cực tham vào sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Trên một ý nghĩa nào đó, phong trào thi đua đã xuất hiện ngay từ khi đó. Rất nhiều phong trào đã ra đời như “ra sức tăng gia sản xuất để diệt giặc đói, giặc đốt và diệt giặc ngoại xâm”, hay phong trào tham gia vào xây dựng đời sống mới… Nhưng đến 1/6/1948, Bác Hồ mới chính thức ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Trong lời kêu gọi đó, Bác cũng chỉ rõ mục đích của thi đua là mang lại hiệu quả thiết thực trong mọi công việc. Bác cũng chỉ ra cách thức thi đua, tổ chức thi đua thế nào cho có hiệu quả. Bác động viên mọi người cùng tham gia và sau này Bác đúc kết thành câu: “Người người thi đua, ngành ngành thi đua”.
Đến thăm Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Người nhắc nhở công nhân, cán bộ phát huy 

truyền thống cách mạng của Nhà máy, ra sức xây dựng miền Bắc, ủng hộ miền Nam.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, toàn thể đất nước trong hai cuộc kháng chiến, hay xây dựng CNXH ở miền Bắc, thống nhất đất nước và sau này là giai đoạn đổi mới, phong trào thi đua vẫn diễn ra sôi nổi, liên tục. Mục tiêu thi đua cũng hướng vào nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn lịch sử để thúc đẩy phong trào, mang lại sức mạnh, động lực mới cho sự nghiệp bảo vệ đất nước và công cuộc đổi mới.

Có thể nói, cho đến nay, tư tưởng của Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước vẫn còn nguyên giá trị và vẫn chỉ đạo phong trào thi đua trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Qua nhiều năm nghiên cứu các tư liệu về Bác, ông có thể chia sẻ thêm những câu chuyện cụ thể Bác Hồ đã quan tâm đến công tác thi đua khen thưởng?

- Sau khi phát động phong trào thi đua, Bác là người theo dõi chặt chẽ, quan tâm đến cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo thi đua, chứ không chỉ là lời kêu gọi chung chung. Bác đã mời ông Hoàng Đạo Thúy, lúc đó là Cục trưởng Cục thông tin, Bộ Quốc phòng sang làm Trưởng Ban thi đua đầu tiên. Từ đó, công tác tổ chức thi đua rất chặt chẽ. Và vào năm 1952 trong điều kiện kháng chiến ác liệt, nhưng chúng ta đã tổ chức được Đại hội thi đua yêu nước đầu tiên, tuyên gương các anh hùng, chiến sĩ thi đua tiêu biểu. Sau này cũng nền nếp đó, có thể không tổ chức được Đại hội, nhưng Ban thi đua vẫn đề xuất lên Bác để khen thưởng các tấm gương tiêu biểu. Qua đó cho thấy ngay từ đầu, thi đua đã gắn với khen thưởng. Như Bác đã nêu “thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”. Khen thưởng đúng lúc là một “đòn bẩy” thiết thực động viên phong trào thi đua.

Tôi nhớ đầu những năm 1960 ở miền Bắc có 3 phong trào sôi nổi nhất. Đó là phong trào học tập tấm gương làm ăn giỏi của HTX Đại Phong ở Quảng Bình (gió Đại Phong); học cách quản lý hiệu quả của Nhà máy cơ khí Duyên Hải ở Hải Phòng (sóng Duyên Hải); phong trào 3 nhất trong quân đội (học tập, rèn luyện, huấn luyện phải đạt thành tích “nhiều nhất, đồng đều nhất, giỏi nhất”). Còn trong giáo dục có phong trào thi đua “dạy tốt học tốt” của trường cấp hai Bắc Lý ở Hà Nam (tiếng trống Bắc Lý)…

Cùng với đó, Bác cũng khởi xướng phong trào thi đua có chiều sâu là “nêu gương người tốt việc tốt”. Năm 1968, Bác chỉ đạo Ban Tuyên giáo T.Ư có trách nhiệm tổ chức phong trào thi đua này. Do đó mới ra đời câu Bác hay nhắc: “Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Bác cũng đưa ra hình thức khen thưởng độc đáo là Huy hiệu Bác Hồ, thưởng cho những người có thành tích. Hàng ngày Bác đọc báo, rất chú ý đến bài viết phản ánh tấm gương cá nhân, tập thể điển hình và Bác khen thưởng. Điều đặc biệt là Bác đã hứa tặng thưởng là làm, không bao giờ thất hứa với tập thể và cá nhân nào. Vì thế mà phong trào thi đua có chiều sâu, thực sự phát hiện được những tấm gương tiêu biểu dưới sự khích lệ, động viên của Bác Hồ.

Qua những câu chuyện nhỏ như thế để thấy, Bác chú trọng thi đua, nhưng không phải chỉ kêu gọi chung chung, “phát mà không động”, mà thi đua thực chất, đi vào chiều sâu và tạo ra động lực cả về vật chất và tinh thần xã hội. Thông qua thi đua để giáo dục con người, rèn rũa con người mới.

Đừng thi đua chỉ vì danh hiệu

Có thể nói, trong 70 năm qua, rất nhiều phong trào thi đua đã được phát động, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Ông đánh giá thế nào về các phong trào thi đua của chúng ta trong những năm qua, có bám sát tư tưởng và quan điểm của Bác Hồ về thi đua không?

- Đúng là những năm gần đây, quy mô thi đua rộng lớn hơn, đi sâu vào nhiều tầng lớp xã hội và có những thành tựu đáng ghi nhận. Tôi khẳng định, thi đua cũng tiếp tục tạo động lực mới để các tầng lớp Nhân dân đóng góp vào công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Chúng ta vẫn tiếp tục tư tưởng của Bác Hồ, tổ chức các phong trào thi đua và tổ chức các Đại hội thi đua thông suốt từ cơ sở đến T.Ư… Nhìn tổng thể có thể khẳng định, vai trò, vị trí quan trọng của công tác thi đua đã góp sức vào công cuộc đổi mới vừa qua.

Nhưng bên cạnh đó cũng bộc lộ những mặt hạn chế phải khắc phục và cũng học lại Bác Hồ để tổ chức thi đua thực chất hơn. Theo cá nhân tôi, hiện nay có mấy biểu hiện: Chiều rộng thì tốt, nhưng chiều sâu vẫn còn những hạn chế; bệnh hình thức còn nhiều, phát động rầm rộ, nhưng theo dõi chỉ đạo, ý thức của mỗi người lại hạn chế. Tôi luôn suy nghĩ, thi đua phải là hành động tự giác của mỗi người, nếu chỉ vì danh hiệu, vì động cơ không trong sáng, sẽ làm méo mó thi đua.

Hiện còn có một “căn bệnh” nữa là bệnh thành tích. Hội nghị T.Ư 4 đã chỉ ra biểu hiện chạy thành tích, chạy danh hiệu, chạy khen thưởng. Phấn đấu là tốt, nhưng chỉ vì nghĩ đến thành tích hoặc mong muốn có danh hiệu để đánh bóng tên tuổi mà dẫn đến không trung thực, cần khắc phục triệt để ngay. Phải thấy rõ rằng, thi đua để mang lại sự phát triển mọi mặt, chứ không phải thi đua vì danh hiệu, dù danh hiệu và khen thưởng là cần thiết.

Thực tế, phong trào thi đua ở một số nơi còn hình thức, chưa gắn kết thi đua với những công việc thường xuyên; bình xét thi đua thì cào bằng, thành tích… Theo ông, cần khắc phục tình trạng này thế nào?

- Chủ tịch Hồ Chí Minh rất ghét bệnh hình thức. Người hay phê bình kiểu phát động phong trào thi đua trống giong cờ mở, khẩu hiệu rất kêu, nhưng phong trào cách mạng không có. Ngay trong lời kêu gọi năm 1948, Bác đã nhắc, chú ý thi đua phải mang lại kết quả thiết thực. Sau đó, các phong trào thi đua đều bám sát điều đó. Còn bệnh hình thức, bệnh thành tích là sau này dần dần mới xuất hiện và nhất là trong điều kiện hiện nay đã trầm trọng. Ngay từ cấp lãnh đạo, chỉ đạo phải chú ý uốn nắn mọi người về nhận thức, tránh buông lỏng dễ dẫn đến sai lệch; phải tăng cường nêu gương. Bác Hồ bao giờ cũng bằng lời nói và hành động, luôn chú ý những cái thiết thực. Như thưởng Huy hiệu Bác Hồ hay “nêu gương người tốt việc tốt”, Bác luôn chú ý khen thưởng thế nào cho đúng. Khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ động viên, giáo dục và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục. Nhưng khen thưởng không đúng sẽ có tác dụng ngược lại. Tôi nghĩ rằng, dù phong trào thi đua phát triển sâu rộng đến đâu, vẫn phải nắm vững tư tưởng của Bác, khắc phục bệnh hình thức, đi vào thực chất và phát huy cao độ tinh thần tự giác.

Xin cảm ơn ông!