Tư tưởng lớn trong di sản thơ văn Hồ Chí Minh

TS văn học Nguyễn Sĩ Đại
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với một gia tài thơ văn được sáng tác trong suốt thời kỳ hoạt động cách mạng, giành chính quyền, có thể khẳng định Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là Người sáng lập ra nền văn học cách mạng trên cả hai mặt lý luận và thực tiễn sáng tác.

 Hồ Chủ tịch cho cá ăn sau giờ làm việc năm 1957. Ảnh: Tư liệu

Văn hóa nghệ thuật cũng là mặt trận
Văn học cách mạng gồm những bài ca cách mạng trong Xô Viết - Nghệ Tĩnh, thơ ca trong tù của những người cộng sản và nổi bật là tiếng thơ Tố Hữu cũng chỉ xuất hiện năm 1938. Trong khi đó, những hoạt động chính trị ở nước ngoài của Nguyễn Ái Quốc trong những năm đầu của thế kỷ XX đã dội về trong nước những ảnh hưởng to lớn. Về báo chí, luận văn chính trị, nổi tiếng nhất là “Yêu sách của Nhân dân An Nam” gửi Hội nghị hòa bình ở Versaille (Pháp, tháng 6/1919) và “Bản án chế độ thực dân Pháp” viết từ năm 1921 - 1925. Cũng trong khoảng thời gian này, Người viết vở kịch “Con rồng tre” và nhiều truyện ký khác như: “Động vật học”, “Paris”, “Vi hành”, “Lời than vãn của bà Trưng Trắc”, “Con người biết mùi hun khói”... Có thể nói, với những sáng tác đó của Nguyễn Ái Quốc, một nền văn học mới đã được hình thành. Như vậy, về mặt thời điểm, những sáng tác của Nguyễn Ái Quốc có thể coi là mở đầu cho văn học cách mạng.
Về quan điểm nghệ thuật, Nguyễn Ái Quốc cho rằng, cái đẹp, mục tiêu tối thượng của văn học là dùng để cứu nước. Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; “Nhà nước của dân, do dân, vì dân” đã thể hiện rõ ràng ngay trong truyện “Lời than vãn của bà Trưng Trắc”. Truyện kể về hoàng đế nhà Nguyễn, trong cơn mơ gặp bà Trưng Trắc, bị bà dạy mắng cần noi gương người xưa mà đánh đuổi ngoại xâm và dạy về đạo làm vua: “Vua muốn xứng với lòng trời và làm tròn nhiệm vụ chí tôn của mình thì phải chịu khổ trước dân và chia sướng sau dân. Vua phải tuân lệnh trời, mà tiếng dân chính là truyền lại ý trời. Bằng không thì ấy là trời đoạn tuyệt, tổ tiên từ bỏ, Nhân dân ruồng rẫy”.
Năm 1922, Nguyễn Ái Quốc sáng lập báo Người cùng khổ (Le Paria) trực thuộc Hội Liên hiệp Thuộc địa. Người vừa là người sáng lập, vừa là chủ bút, phóng viên... Báo được in ba thứ tiếng: Pháp, Ả Rập và Trung Quốc. Số đầu tiên ra ngày 1/4/1922, Người cùng khổ đã đăng lời nói đầu tuyên bố rằng báo này "là vũ khí để chiến đấu, sứ mạng của nó đã rõ ràng: Giải phóng con người".
Những tư tưởng lớn lao chứa trong từng tác phẩm
Trong kháng chiến chống Pháp, qua bức thư gửi các họa sĩ, cũng là những người cầm bút nói chung, nhân triển lãm hội họa năm 1951, Bác Hồ thẳng thắn chỉ rõ quan điểm của mình, để tránh những nhận thức mơ hồ: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy… Chắc có người nghĩ: Cụ Hồ đưa nghệ thuật vào chính trị. Đúng lắm. Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị” (báo Cứu Quốc, số 1986, ngày 5/1/1952)
Trong một bức thư gửi trí thức Nam Bộ, trong đó có các nhà văn, nhà báo, (thư đề ngày 25/5/1947) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”. Trước đó, trong bài thơ “Cảm tưởng đọc Thiên gia thi”, Bác viết: “Nay ở trong thơ nên có thép/Nhà thơ cũng phải biết xung phong!”
Nhà thơ, nhà nghiên cứu Quách Mạt Nhược người Trung Quốc, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng hòa bình thế giới viết về Nhật ký trong tù: “Toàn bộ 100 bài thơ, 2.700 chữ, chỉ có mỗi chữ “thép” này. Nhưng, nếu chúng ta đọc kỹ thì hầu như bài nào cũng có thép, câu nào cũng có thép”. Chất thép tức là phẩm chất chiến sĩ, vì nước, vì dân mà chiến đấu, hy sinh. Chất thép tức là tinh thần cách mạng tiến công. Chất thép tức là bản lĩnh, nhân cách con người. Chất thép là tình yêu thương bao la...
Những luận điểm của Bác về văn học nghệ thuật như vậy đã không chỉ là hạt nhân đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng mà còn là hiện thực sinh động của đời sống văn nghệ của nước ta trong gần một thế kỷ qua. Nó làm cho văn học có một bước tiến mới: Chủ động hơn, tự giác hơn và có sứ mệnh cao hơn so với lịch sử, khi văn học chỉ bày tỏ chí mình (ngôn chí), chỉ nói về một đạo lý nào đó (văn dĩ tải đạo) hoặc một trò chơi phù phiếm, một hiện tượng bí ẩn... Văn học từ nay mang một sứ mệnh chung với sứ mệnh của cách mạng: Giải phóng dân tộc, giải phóng con người! Như vậy, Hồ Chí Minh là người đã cấp thêm những ý nghĩa mới, nâng thêm tầm vóc của văn học Việt Nam.
Tôi vẫn đinh ninh rằng, Hồ Chí Minh là nhà thơ lớn nhất Việt Nam thế kỷ XX. Không phải vì Bác là lãnh tụ mà đó là sự thật. Có một sự thật rằng, trong các trường học, cứ khen thơ Bác hay là đủ rồi, thầy và trò không nghiên cứu nữa, không còn cảm xúc, cảm thụ nữa. Lại có người dựa vào câu thơ của Bác “Ngâm thơ ta vốn không ham” rồi cho Bác không phải là nhà thơ, không muốn là nhà thơ; Bác dùng thơ chỉ để vận động cách mạng. Có người còn chê thơ Bác là đi vay mượn của người khác. Ví như bài “Thanh minh”. Bài của Đỗ Mục: “Thanh minh thời tiết vũ phân phân/Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn/Tá vấn tửu gia hà xứ hữu?/Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn. Còn bài thơ của Hồ Chí Minh: “Thanh minh thời tiết vũ phân phân/Lung lý tù nhân dục đoạn hồn/Tá vấn tự do hà xứ hữu/Vệ binh dao chỉ biện công môn”. Đây là lối thơ tập cổ, các đại bút thường hay dùng. Nhưng rõ ràng, phần kết bài “Thanh minh” của Bác tạo ra một đột khởi, một bất ngờ lớn, một diễu cợt đau đớn: Tự do ở đâu, tự do ở công đường, công đường lại chẳng bao giờ có tự do, chẳng bao giờ đem lại tự do!.
Những bài thơ như Học đánh cờ, Nghe tiếng giã gạo... chứa đựng những tư tưởng lớn lao; những bài “Rằm tháng Giêng”, “Mới ra tù tập leo núi”, “Ngắm trăng”, “Cảnh khuya” là những bức tranh thơ tuyệt diệu. Nói về văn thơ của Bác càng cho ta thấy tầm cao của Người để thế hệ sau cần phải học tập, phát huy hơn nữa những di sản thơ văn của Bác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần