Tư vấn du học vẫn thiếu độ xác thực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, nhu cầu du học tự túc tăng, các loại hình tư vấn du học (TVDH) được dịp nở rộ với chương trình khuyến mãi, quảng bá rầm rộ khiến phụ huynh, học sinh (HS) như lạc vào “mê hồn trận”…

Nở rộ tư vấn và vi phạm

Các công ty, trung tâm TVDH thi nhau mọc lên, song tập trung đông ở các TP lớn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Theo thống kê chưa đầy đủ, TP Hồ Chí Minh có khoảng 1.000 công ty TVDH, trong đó số được cấp phép là gần 100 cơ sở. Còn ở Hà Nội, số trung tâm TVDH tính đến cuối năm 2015 là gần 300 cơ sở, tăng hơn gấp 2 lần so với số liệu thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội cuối năm ngoái. Các cơ sở TVDH tập trung tại 20/30 quận, huyện, trong đó quận Cầu Giấy nhiều nhất với 60 cơ sở, tiếp đến là quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm 33 cơ sở, Đống Đa 31 cơ sở... Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, tổng số HS đã tư vấn và đang theo học các chương trình ngắn hạn, dài hạn tại các trung tâm TVDH là gần 3.000 em. Từ số liệu thống kê của cơ quan quản lý, không khó để thấy, so với thực tế, dịch vụ TVDH tấp nập hơn nhiều.
Một buổi tư vấn hướng nghiệp tại quận Hai Bà Trưng. 	Ảnh: Chiến Công
Một buổi tư vấn hướng nghiệp tại quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Chiến Công
Bà Tanaka Mizuki – Bí thư thứ 2 Ban Văn hóa - Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cũng cho biết, mấy năm gần đây, số lượng lưu HS Việt Nam sang Nhật học tập tăng cao, chỉ trong 3 năm, tăng hơn 13.000 HS. Theo bà Tanaka, số lượng lưu HS tăng đột biến là do có sự nhầm lẫn giữa mục đích (lao động) và tư cách (lưu học). Đặc biệt, có vấn đề của một bộ phận các công ty TVDH làm những thủ tục không tuân thủ pháp luật; làm văn bằng giả không đúng thực tế; cung cấp thông tin không chính xác. Ví như có công ty TVDH quảng bá trên trang web của công ty: Du học Nhật Bản – vừa học vừa làm thêm nhận lương tối thiểu 33 triệu/tháng… “Với những chiêu quảng cáo này, lưu HS vô tình rơi vào tình trạng khó khăn về kinh tế vì thực tế không như quảng cáo. Họ phải vất vả lo trả nợ tiền vay, chi phí sinh hoạt cao và học phí, dẫn đến phải bỏ học đi làm thêm (tỷ lệ HS Việt Nam làm thêm chiếm 86,9%). Mà mất nhiều thời gian đi làm thêm khiến HS vi phạm pháp luật. Tỷ lệ lưu HS bị bắt giữ vì phạm tội hình sự, nếu năm 2010 có 65 HS Việt Nam thì năm 2014 tăng gấp 10 lần (616 em)” - bà Tanaka Mizuki dẫn chứng.

Nhiều nguy cơ rủi ro

Không chỉ là việc nở rộ các công ty TVDH, mà chính những “trải nghiệm” của du học sinh sau khi tin lời các quảng cáo du học cho thấy, mảnh đất này chứa đầy nguy cơ rủi ro.

Một du học sinh nhà ở huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết, khi sang Nhật Bản, mọi thứ không giống những gì công ty TVDH quảng bá, thực tế khó khăn hơn nhiều, làm việc vất vả, lương thấp. Nếu không có người quen ở đó, “chân ướt, chân ráo” tìm việc dễ gặp những kẻ lừa đảo. Nhiều HS khi trốn học ra ngoài tìm việc đã bị lừa hết tiền. “Nếu xác định sang để tập trung cho việc học là tốt, còn sang để vừa học vừa làm, có lương cao như một số công ty quảng cáo thì không nên. Chính bản thân em và một số bạn vì nghĩ làm thêm nhiều tiền nên đã cố sang, nhưng giờ thực sự thất vọng. Gia đình em phải vay mượn số tiền lớn (300 triệu đồng) để lo mọi thủ tục (tiền học tiếng, tiền vé, tiền đóng học năm đầu). Để có tiền trang trải, trả nợ, em phải bỏ học để đi làm, nhưng vừa rồi một số bạn bỏ học, bị bắt và trục xuất về nước, em không bị bắt, nhưng lo sợ cũng sẽ bị công an “sờ gáy” nên tạm thời về nước chờ dịp sang tiếp, visa của em đến hết tháng 7/2016 mới hết hạn” – du HS này chia sẻ.

 Ngoài ra, cũng không ít phụ huynh vì không rành thông tin chọn trường cho con du học nên “trăm sự” nhờ… các trung tâm TVDH. Một phụ huynh nhà ở quận Long Biên cho biết, ký hợp đồng làm giấy tờ cho con du học Canada với số tiền 200USD, thời gian hoàn thành thủ tục sau 3 tháng. Tuy nhiên, sau thời gian này, phía công ty lại yêu cầu đóng thêm khoản tiền tương đương nữa mới có thể hoàn tất thủ tục... “Chờ mãi mà thủ tục xin visa vẫn không thể hoàn thiện. Gia đình phải xoay sở đủ cách mới đòi lại được một nửa số tiền đã đóng” – phụ huynh này bức xúc.

 Bất cập là thế, nhưng như bà Bùi Thị Minh Nga – Trưởng phòng giáo dục có yếu tố nước ngoài, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: “Ngăn chặn những sai phạm không dễ, bởi công tác kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức TVDH đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều lực lượng. Đặc biệt, cần có bên cơ quan công an phối hợp, phát hiện trung tâm vi phạm. Sở không có chức năng phạt, do vậy khó xử lý triệt để”. Vòng quản lý như vậy, nên công ty TVDH càng được thể tung hoành.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần