Tự vệ thương mại với ngành thép: Lợi ích nhỏ, hậu quả lâu dài

Phương Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thép - một trong những ngành công nghiệp nặng đã vực dậy nhiều nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới, nhưng đồng thời cũng gieo rắc không ít tai hại về môi trường bất cứ nơi đâu mà ngành này phát triển.

Bài học từ các nước trên thế giới

Vụ án lịch sử Nhà máy thép Ilva, nhà máy thép lớn nhất châu Âu được xây dựng từ năm 1965, sản xuất hàng chục triệu tấn thép mỗi năm, chiếm tới 40% sản lượng thép của Italia, xảy ra cách đây 15 năm, song hậu quả đến nay vẫn còn nặng nề. Do khu vực này có tỷ lệ thất nghiệp lên đến 23%, nên ban đầu Nhà máy Ilva được mọi người chào đón vì tạo ra nhiều công ăn việc làm. Tuy nhiên, theo Báo cáo công bố năm 2005 của Cơ quan Đăng ký chất thải ô nhiễm châu Âu (EPER), một mình nhà máy này đã chịu trách nhiệm cho 83% khí thải nhà kính và dioxin trên cả nước. Không chỉ là nguyên nhân khiến tỷ lệ người mắc các bệnh về tim mạch và hô hấp tăng cao, trong vòng bán kính hàng chục ki lô mét, hàng nghìn gia súc chăn thả buộc phải tiêu hủy, mà ngành du lịch của TP cũng gần như bị triệt tiêu. Kết thúc vụ án tại một phiên tòa sơ thẩm, Nhà máy Ilva bị đóng cửa vĩnh viễn.

Kiểm tra sản phẩm tại Công ty CP thép Việt Đức, Khu công nghiệp Vĩnh Phúc.  Ảnh:  Việt Linh

Một trường hợp ô nhiễm đáng chú ý khác là Nhà máy Gary Works tại TP Gary, bang Indiana (Mỹ) có công suất 7,5 triệu tấn thép/năm sử dụng kỹ thuật lò cao, tức dùng quặng sắt sản xuất gang, rồi từ gang sản xuất thép. Với những vi phạm pháp luật môi trường cực kỳ nghiêm trọng trong quá trình sản xuất từ năm 2002 - 2005 (xả thải vượt giới hạn cho phép; làm chất thải rắn và dầu thải tràn ra nguồn nước xung quanh; xả một lượng khá lớn dầu diesel…), Gary Works đã khiến 1.528 vùng chứa nước bị xếp vào loại ô nhiễm, chỉ có 82% chiều dài dòng nước ở Indiana hỗ trợ cho đời sống thủy sinh vật. Tính đến năm 2005, Indiana xếp thứ 3 ở Mỹ về lượng khí thải SO2 và NxOy, thứ tư về lượng khí thải CO2.

Giáp ranh với Việt Nam, ngày 21/11/2016, các trung tâm công nghiệp phía Bắc Trung Quốc đã khẩn trương áp dụng lệnh cấm hoạt động đối với nhiều nhà máy thép với nỗ lực giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Ngày 17/12/2016, sau khi ban hành mức cảnh báo ô nhiễm cao nhất, chính quyền TP Bắc Kinh yêu cầu 1.200 nhà máy xung quanh TP đóng cửa hoặc cắt giảm sản lượng.

Và câu chuyện đang diễn ra tại Việt Nam

PGS.TS Đinh Đức Trường - một chuyên gia kinh tế môi trường và truyền thông - giáo dục môi trường đã đưa ra lời cảnh báo: “Hiện nay, Việt Nam chưa thành nước công nghiệp nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường đã rất nghiêm trọng. Mỗi năm Việt Nam bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường tương đương với 5% GDP. Nếu với đà tăng ô nhiễm như hiện nay, Việt Nam sẽ sớm vượt qua Trung Quốc về ô nhiễm (Trung Quốc hiện là 10%)”.

Cuối tháng 12/2016, người dân 2 thôn Vân Dương 1 và 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) bao vây phản đối việc sản xuất của 2 Nhà máy thép CTCP Thép Dana Ý và Dana Úc. Theo phản ánh của người dân, trong quá trình sản xuất, 2 nhà máy đã xả khí và nước thải ra môi trường, đồng thời chứa gỉ sắt tại bãi liền kề khu dân cư. Sau khi tổ chức đối thoại với người dân, UBND TP Đà Nẵng đã quyết định tạm dừng sản xuất 2 nhà máy thép gây ô nhiễm này. Trước đó, người dân và chính quyền huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) cũng đã lên tiếng về tình trạng ô nhiễm của Công ty TNHH Thép đặc biệt Shengli Việt Nam gây ra. Thậm chí, cả cơ quan quản lý của địa phương và nhiều người dân thẳng thắn bày tỏ: Nếu không có Công ty Shengli ở đây thì cuộc sống người dân sẽ tốt hơn. Cũng vào thời điểm cuối năm 2016, người dân ở xã Hợp Thịnh (Tam Dương, Vĩnh Phúc) liên tục phản ánh về việc một số nhà máy trong cụm công nghiệp Hợp Thịnh được xây dựng từ năm 2003 - như Công ty Thép Việt Nga, Công ty Thép Huyền Linh, Công ty Thép Thành Đạt… sử dụng công nghệ luyện phôi thép từ việc tái chế các loại phế liệu. Tuy nhiên, việc xử lý chất thải nguy hại từ tạp chất cũng không đúng quy định khiến tình trạng ô nhiễm môi trường địa phương ngày một trầm trọng với đủ các loại tạp chất, khói bụi xả ra môi trường…

Từ những thực tế trên cho thấy, một hàng rào bảo hộ nguồn sản xuất thép trong nước là không cần thiết, bởi hậu quả khôn lường để lại đối với môi trường sống. Trong khi thế giới hiện nay đang chuyển dần sang nguồn tài nguyên tái tạo. Chính vì thế, bảo hộ ngành thép bằng các công cụ pháp lý, đặc biệt là biện pháp tự vệ thương mại, trong khi chưa giải quyết dứt điểm được vấn đề xử lý chất thải và ô nhiễm môi trường do ngành công nghiệp này tạo ra sẽ chỉ mang lại lợi ích trước mắt cho một nhóm DN. Nhưng hậu quả gây ra vô cùng lớn và lâu dài đối với đất nước, xã hội.

Ngày 7/9/2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có yêu cầu: Xử lý nghiêm, kể cả việc dừng hoạt động hoặc đóng cửa các nhà máy thép không đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng” là chủ trương đúng của Chính phủ.