Từ việc bỏ quy định xe máy bật đèn cả ngày: Đề xuất sai sẽ dẫn tới nhờn luật

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng Bộ GTVT đã chính thức hủy bỏ đề xuất xe máy phải bật đèn cả ngày để nhận diện. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là bài học điển hình cho câu nói: Làm luật thì đừng bảo thủ.

Đề xuất hợp lý nhưng vẫn phải rút lại?
Quyết định rút đề xuất xe máy phải bật đèn cả ngày để nhận diện xuất hiện trong bản Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi lấy ý kiến góp ý lần thứ 2. Cụ thể, tại Điều 27 của bản dự thảo, Bộ GTVT quy định: “Phương tiện tham gia giao thông vào ban đêm (từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau) hoặc khi trời tối hoặc khi có sương mù, thời tiết xấu bị hạn chế tầm nhìn phải bật đèn”.
Song song với việc hủy bỏ yêu cầu xe máy phải bật đèn cả ngày, bản dự thảo lấy ý kiến lần thứ 2 đề xuất các loại đèn cần bật trong thời gian này là đèn chiếu xa hoặc đèn chiếu gần, đèn sương mù (đối với xe có trang bị đèn sương mù theo thiết kế của nhà sản xuất), đèn chiếu hậu và đèn tín hiệu nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất.
  Bộ GTVT chính thức rút lại đề xuất buộc xe máy phải bật đèn cả ngày. Ảnh: Công Hùng 
Đối với các phương tiện, dự thảo yêu cầu phải tắt đèn chiếu xa và bật đèn chiếu gần trong trường hợp lưu thông qua khu vực dân cư có bố trí hệ thống chiếu sáng đang hoạt động hoặc chuẩn bị vượt xe phía trước, để không chói mắt người điều khiển xe theo chiều ngược lại.
Lý giải cho quyết định rút lại đề xuất bắt buộc xe máy phải bật đèn cả ngày, đại diện Bộ GTVT cho rằng, sau khi có nhiều ý kiến trái chiều của dư luận, Bộ đã tiếp thu và chỉnh lý cho phù hợp. Bộ GTVT vẫn tái khẳng định, đề xuất xe máy bật đèn nhận diện cả ngày nhằm phù hợp với Công ước Vienna về giao thông đường bộ cũng như nâng cao an toàn khi các phương tiện bật đèn sẽ dễ dàng nhận diện cho người điều khiển giao thông khác.
Đừng bảo thủ khi làm luật!
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, GS.TS Từ Sỹ Sùa – chuyên gia giao thông bày tỏ sự đồng tình với quyết định rút lại đề xuất buộc xe máy phải bật đèn cả ngày. “Sự điều chỉnh này là cần thiết và hợp lý. Bộ GTVT đã biết tiếp thu ý kiến của dư luận đúng lúc, đúng chỗ. Chúng ta đừng có níu kéo hay lấy kinh nghiệm quốc tế đưa vào Việt Nam. Mỗi quy định đưa ra cần phải bám sát vào thực tế cuộc sống mới được người dân chấp thuận và chấp hành” – GS.TS Từ Sỹ Sùa nói và đưa ra cảnh báo, một khi quy định đưa ra không phù hợp hoặc xa rời thực tế cuộc sống chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng người dân không đồng thuận. Từ đó sẽ có nhiều hình thức trốn tránh không thực hiện, dần dần sẽ tạo ra thói quen nhờn luật.
Từ câu chuyện Bộ GTVT phải rút lại đề xuất xe máy bật đèn cả ngày, GS.TS Từ Sỹ Sùa thẳng thắn góp ý: “Tôi nói rất chân thành là làm luật thì đừng bảo thủ. Niềm tin của Nhân dân khi một người phát ngôn chuẩn, sức lan tỏa sẽ rất lớn nhưng nếu phát ngôn sai, lan tỏa xấu cũng không nhỏ. Nếu trong trường hợp bị phản đối mà cố bảo thủ sẽ có những hậu quả không thể lường trước”.
Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, các đơn vị làm luật lâu nay đã bỏ qua một nguyên tắc vô cùng quan trọng khi soạn thảo các văn bản luật là tính phù hợp với đặc thù văn hóa, tập quán và cả tâm lý người dân nơi chịu sự điều chỉnh trực tiếp của văn bản luật đó.
“Mỗi quy định trước khi đưa ra đều phải nghiên cứu kỹ tính phù hợp đối với tập quán, tâm lý và cả thói quen của người dân. Ngoài ra còn có đặc điểm thời tiết, khí hậu nữa. Bây giờ nếu tất cả các xe máy đều bật đèn ban ngày sẽ nóng không chịu nổi. Thậm chí còn gây tác hại cho người khác, gây ô nhiễm môi trường” – ông Bùi Danh Liên nói.
Chiều 8/7, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ Việt Nam Lương Duyên Thống cho biết, tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, người dân và theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Ban biên soạn thảo dự thảo Luật GTĐB sửa đổi được điều chỉnh theo hướng sẽ cấp GPLX hạng A1 cho người từ 16 tuổi trở lên đến dưới 18 tuổi thay vì hạng A0 như đề xuất ban đầu.