Từ vụ án AVG: Thu hồi tài sản là mục tiêu trong án tham nhũng

Nguyên Bảo - Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2019, nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được phát hiện, khởi tố, điều tra và trong đó nhiều quan chức tham nhũng đã phải đối mặt với các hình phạt nghiêm khắc của pháp luật.

Vụ án Mobifone mua 95% cổ phần AVG đang được TAND TP Hà Nội xét xử chính là bài học cảnh tỉnh đối với một số người giữ chức vụ, quyền hạn trong bộ máy Nhà nước không giữ được mình trước những cám dỗ của đồng tiền.
Điển hình trong thu hồi tài sản 
Dự luận xã hội đang đặc biệt quan tâm tới phiên tòa xét xử 14 bị cáo trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone (Mobifone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) diễn ra từ ngày 16/12 vừa qua. Bị cáo Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn (đều là cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT) cùng 12 bị cáo liên quan đang bị xem xét xử lý về các tội danh “Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” với số tiền gây thất thoát cho Nhà nước và tham nhũng đặc biệt lớn.
Tuy nhiên, quá trình đưa ra xét xử cho thấy, một trong hai vấn đề quan trọng nhất của vụ án đã cơ bản được giải quyết đó là công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Bởi lẽ, quá trình giải quyết vụ án cho thấy, tổng số tiền cơ quan tố tụng thu hồi được 8.845 tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền mà các bị cáo gây thất thoát được xác định 8.697 tỷ đồng.
 Các bị cáo trong vụ án Mobifone mua 95% cổ phần AVG tại phiên tòa. Ảnh: Nguyên Bảo
Trong số đó, bị cáo Trương Minh Tuấn đã cơ bản khắc phục hết số tiền 200.000 USD nhận hối lộ; Lê Nam Trà - cựu Chủ tịch Mobifone đã khắc phục hết số tiền 2,5 triệu USD nhận hối lộ và Cao Duy Hải - cựu Tổng Giám đốc Mobifone cũng đã nộp lại toàn bộ số tiền hơn 11,6 tỷ đồng nhận hối lộ. Riêng bị cáo Son tính đến thời điểm này đã được gia đình khắc phục 21 tỷ đồng.
Tại phần đối đáp với quan điểm bào chữa của các luật sư vào ngày 23/12, đại diện Viện Kiểm sát cho biết, việc khắc phục hậu quả đối với tội “Nhận hối lộ” trong vụ án này là một sự thành công lớn của CQĐT Bộ Công an, VKSND tối cao, chính các bị cáo cùng sự đóng góp không nhỏ của các luật sư.
Theo đại diện VKS, xuất phát từ việc chủ động khai báo của các bị cáo và mong muốn sớm được nộp lại số tiền đã nhận từ Phạm Nhật Vũ, trong quá trình điều tra, CQĐT cũng như VKS đã thực hiện hết các biện pháp tố tụng để thu hồi triệt để số tiền nhận hối lộ của các bị cáo. Từ đó, bị cáo Trà, Hải và Tuấn đã khắc phục toàn bộ số tiền chiếm đoạt. Có thể nói rằng, tính đến thời điểm này thì đây là vụ án thu hồi được tài sản tham những nhiều nhất từ trước đến nay.
Bài học về trách nhiệm
Sở dĩ vụ án được dư luận quan tâm bởi lẽ đây là lần đầu tiên một vụ đưa, nhận hối lộ lên tới hàng triệu USD bị đưa ra ánh sáng và có hai cựu Bộ trưởng cùng đứng trước vành móng ngựa. Sau hơn một tuần đưa ra xét xử đã cho thấy nhiều bài học về trách nhiệm cá nhân, nhất là đối với cán bộ có chức có quyền, đã lạm dụng quyền lực trong thực thi công vụ.
Theo dự kiến, ngày 28/12 tòa án mới ra phán quyết cuối cùng với từng bị cáo nhưng một điều có thể thấy rõ là nếu tất cả những người có trách nhiệm từ cán bộ tham mưu, tư vấn đến người có thẩm quyền quyết định liên quan đến Dự án Mobifone mua 95% cổ phần AVG làm đúng chức trách nhiệm vụ được giao thì sai phạm khó có thể xảy ra. Một cá nhân dù là lãnh đạo cũng khó có thể làm sai như trong vụ án này nếu cấp dưới có bản lĩnh và làm đúng quyền hạn, nghĩa vụ phải làm. Ở vụ án này, dù phiên tòa chưa kết thúc nhưng bài học đã được rút ra cho tất cả mọi người.
Có thể nói, công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách vừa khó khăn, phức tạp và lâu dài. Tuy nhiên, những kết quả bước đầu đạt được qua việc phát hiện, xử lý, xét xử các vụ án tham nhũng đã củng cố thêm niềm tin và là động lực để Đảng, Nhà nước, Nhân dân cùng đồng lòng đấu tranh, phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng.
Khắc phục hậu quả có tính chất sống còn 
Trao đổi về vấn đề cốt lõi là thu hồi tài sản trong xử lý án tham nhũng, các chuyên gia pháp lý cho rằng, việc nộp lại tài sản, khắc phục hậu quả có tính chất sống còn. Trong vụ án Mobifone mua 95% cổ phần AVG, việc khắc phục hậu quả sẽ giúp bị cáo Nguyễn Bắc Son có cơ hội thoát án tử hình.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho hay, việc bị cáo Nguyễn Bắc Son nộp lại số tiền 21 tỷ đồng thì được gọi là khắc phục hậu quả hay thu hồi lại tài sản bất hợp pháp? Đây là vấn đề mà nhiều người nhầm lẫn và chưa có giải thích cụ thể. Bản chất của việc này đều là việc thu giữ lại tiền bất hợp pháp, xử lý phần hậu quả, cụ thể là số tiền 3 triệu USD. Số tiền này là của ông Phạm Nhật Vũ hối lộ, hay nói cách khác số tiền này ông Vũ sử dụng vào mục đích trái pháp luật nên cần phải thu giữ, tịch thu sung công quỹ.
Ông Son là người được "hưởng lợi" từ số tiền này nên phải có trách nhiệm nộp lại cho Nhà nước. Nếu số tiền vẫn còn (chưa tiêu dùng gì), thậm chí là người khác giữ hộ (chưa thất thoát), thì khi ông Son nộp lại, hoặc bị Nhà nước kê biên chỉ coi là tình tiết Nhà nước "thu giữ tang vật" vụ án. Trường hợp này không được hưởng tình tiết giảm nhẹ là "khắc phục hậu quả", mà chỉ được hưởng tình tiết hậu quả không xảy ra hoặc được ngăn chặn kịp thời. Đây là trường hợp bị cáo miễn cưỡng nộp lại, không liên quan gì tài sản cá nhân bị cáo nên tình tiết giảm nhẹ có mức độ. Trường hợp này tội phạm đã hoàn thành dù không còn hậu quả thì vẫn có thể bị tử hình.
Nếu số tiền này đã được tiêu dùng hết vào mục đích cá nhân, không xác định được mua gì, ở đâu. Sau này ông Son phải dùng nguồn tiền, tài sản gia đình để nộp lại. Trường hợp này được coi là "khắc phục hậu quả" và được hưởng tình tiết giảm nhẹ là khắc phục một phần hoặc toàn bộ hậu quả xảy ra. Đây là sự tự nguyện, nỗ lực và thể hiện ý chí, nhận thức pháp luật và mong muốn khắc phục hậu quả để được hưởng khoan hồng.
Nếu khắc phục hậu quả từ 3/4 số tiền hưởng lợi trở lên thì khi thi hành án đương nhiên được miễn hình phạt tử hình. Thế nên cùng là việc nộp lại số tiền nếu là "khắc phục hậu quả" sẽ được hưởng nhiều sự khoan hồng (miễn tử hình) hơn là "bị thu giữ tang vật vụ án". Đến đây, có thể hiểu ra và khó trách con gái ông Son, bởi đây cũng là bài rất xuất sắc và có sự tính toán kỹ lưỡng.
Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, giai đoạn xét xử không phải là quy định bắt buộc để miễn hình phạt tử hình khi bị cáo khắc phục được từ 3/4 số tiền trở lên, mà chỉ là giai đoạn thi hành án, nhằm mục đích khuyến khích các bị cáo nộp lại tiền. Trong khi đó, bản án tuyên phải có tính răn đe, để giáo dục, phòng ngừa tội phạm nên HĐXX vẫn có thể tuyên hình phạt tử hình.
Đến giai đoạn thi hành hình phạt mà bị cáo nộp lại thì được miễn hình phạt tử hình. Đây cũng là quy định để các bị cáo yên tâm, có trách nhiệm hơn trong việc khắc phục hậu quả, chỉ cần khắc phục được là họ được miễn hình phạt. Quy định này tạo ra cơ sở pháp lý rõ ràng để tạo ra sự khoan hồng của pháp luật, mục đích cuối cùng đó là thu hồi lại được tài sản từ các bị cáo.

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng cho thấy, năm 2019 đã có 30 người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng và có 3 người đứng đầu bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân đã thụ lý điều tra 423 vụ án với 1.073 bị can phạm tội về tham nhũng. Trong đó, khởi tố mới 220 vụ với 515 bị can.