Từ vụ “Án mạng anh em” tại Đan Phượng: Giá như sớm hóa giải mâu thuẫn

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên tòa xét xử Nguyễn Văn Đông (SN 1966, trú tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng) về tội “Giết người” diễn ra ngày 12/12, tại TAND TP Hà Nội, kẻ thảm sát cả gia đình em trai ruột đã bị lĩnh án tử hình.

Tuy nhiên, phía sau đó còn là câu hỏi đặt ra về vai trò của công tác hòa giải cơ sở, phòng ngừa xã hội và những khoảng trống trợ giúp pháp lý cho người dân nông thôn.
Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, các thôn, xóm ở khu vực ngoại thành Hà Nội đang “thay da, đổi thịt”, trong đó cả những đổi thay tích cực và những tác động trái chiều. Các mâu thuẫn nảy sinh trong cộng đồng làng xã, nhất là những tranh chấp về đất đai liên tục phát sinh.
Vai trò của tổ hòa giải
Trong vụ án anh trai giết cả nhà em ở huyện Đan Phượng, rõ ràng mâu thuẫn liên quan giữa hung thủ Nguyễn Văn Đông và gia đình em trai không phải mới phát sinh mà đã tồn tại từ lâu. Hung thủ Nguyễn Văn Đông và người em trai có thể nhờ đến các tổ hòa giải hay nhờ chính quyền địa phương giải quyết, hóa giải mâu thuẫn giữa hai bên; đồng thời, có nộp đơn thư đến cấp cao hơn nếu cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm.
 Bị cáo Nguyễn Văn Đông tại phiên tòa.
“Mâu thuẫn giữa 2 anh em không phải bột phát mà đã có thời gian kiện cáo, mâu thuẫn kéo dài, Nhân dân trong khu vực đều biết. Mâu thuẫn như vậy, tổ hòa giải ở đâu, các đoàn thể, hội phụ nữ, thanh niên đang ở đâu mà chậm chỉ đạo, xử lý như vậy? Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị” - Trung tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an TP Hà Nội nói rõ.
Liên quan đến vụ án thương tâm này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu xem xét trách nhiệm liên quan, đặc biệt là việc nắm tình hình tại cơ sở về mâu thuẫn và hoạt động của tổ hòa giải của xã. Bởi, nếu những vụ việc mâu thuẫn được giải quyết ngay từ đầu sẽ hạn chế nguy cơ xảy ra các vụ việc đau lòng.
Để ngăn chặn những vụ việc đau lòng có thể xảy ra, mọi vụ việc va chạm, mâu thuẫn, tranh chấp ở cơ sở cần được phát hiện ngay từ khi mới phát sinh. Từ đó, những người trong tổ hòa giải ở thôn xóm, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và cả cộng đồng cùng vào cuộc, tham gia hòa giải thành hoặc tư vấn, trợ giúp những khoảng trống về pháp lý.
Hòa giải là hoạt động của toàn dân
Nhiều năm tham gia hòa giải ở cơ sở, ông Dương Văn Tân (cán bộ UBND phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) cho biết, trên địa bàn phường từng xảy ra vụ việc 2 anh em ruột mâu thuẫn vì đất đai. Đất của 2 bên đều có sổ đỏ, nhưng khi người anh xây nhà, việc xác định mốc giới không chuẩn, dẫn đến đào móng, xây tường bị lệch sang đất của người em gần 2m2. Sự việc được phát hiện khi nhà người anh đổ mái tầng 1, dẫn đến xô xát.
"Tôi đã mời 2 anh em ngồi lại với nhau, phân tích về Luật Đất đai, Dân sự; đặc biệt tình cảm anh em, do việc lỡ làng, phải cùng nhau tìm phương án giải quyết. Vụ việc này do thợ làm ẩu, không phải do cố ý lấn chiếm, nhà đã xây cao rồi khó phá dỡ nên với diện tích kia, người anh nên trả tiền cho người em theo giá thị trường. Cuối cùng, 2 anh em vui vẻ hòa giải, thống nhất theo phương án đó" - ông Dương Văn Tân chia sẻ.
Để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, ông Dương Văn Tân đề xuất, phải củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải ở cơ sở. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền nâng cao vai trò, mối quan hệ đoàn kết gắn bó, quan tâm chia sẻ trong mỗi gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư trong việc hòa giải mâu thuẫn phát sinh; bảo đảm hòa giải là hoạt động của toàn dân, không phải chỉ của tổ hòa giải.
Là người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Đông, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh cho biết, mâu thuẫn giữa ông Nguyễn Văn Đông với gia đình em trai do tranh chấp đất đai, kéo dài từ năm 2016.
Vụ việc này đã được đưa ra chính quyền giải quyết nhưng chưa đạt được kết quả và chưa có biện pháp xử lý dứt điểm, gây bức xúc cho người trong cuộc, nhất là đối tượng Đông. Khi cảm thấy mâu thuẫn không được giải quyết thỏa đáng, đối tượng mất niềm tin vào pháp luật, tự cho mình quyền giải quyết, hóa giải mâu thuẫn.
Đáng lẽ chính quyền địa phương, MTTQ, các cơ quan đoàn thể phải vào cuộc quyết liệt, tìm hiểu cội nguồn của mâu thuẫn. Nếu xét thấy việc giải quyết không đạt kết quả, không thuộc thẩm quyền của mình thì đề nghị các bên đưa ra tòa án để giải quyết theo trình tự dân sự...

"Vụ án anh giết cả nhà em ruột ở huyện Đan Phượng là điển hình về chuyện phòng ngừa xã hội yếu kém, trong đó có trách nhiệm của lực lượng công an, nhất là công an cơ sở. Chúng tôi đã yêu cầu công an huyện kiểm điểm, đội cảnh sát hình sự và cán bộ công an xã kiểm điểm. Vì mâu thuẫn giữa 2 anh em không phải bột phát mà đã có thời gian kiện cáo, mâu thuẫn kéo dài, Nhân dân trong khu vực đều biết." - Trung tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an TP Hà Nội


"Khi phát sinh mâu thuẫn, nếu người trong cuộc không kiềm chế, không tuân thủ pháp luật sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Do đó, phải xem xét trách nhiệm công tác hòa giải ở cơ sở, việc nắm bắt những mâu thuẫn trong Nhân dân của chính quyền địa phương quản lý. Đối với những mâu thuẫn như tranh chấp đất đai, chính quyền địa phương phải có biện pháp đấu tranh phòng ngừa, hòa giải." - Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần