Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Từ vụ Bãi Tư Chính tới "bài toán" Biển Đông của ASEAN

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020, Việt Nam có trách nhiệm lớn trong việc củng cố lập trường mạnh mẽ hơn của ASEAN đối với Trung Quốc.

Trao đổi với báo Kinh tế&Đô thị, ông Carl Thayer, Giáo sư danh dự - Học viện Quốc phòng Australia khẳng định vai trò của Việt Nam trong ASEAN sẽ ngày càng quan trọng, trong bối cảnh vấn đề Biển Đông tăng nhiệt trước những hành động hung hăng của Trung Quốc.

 Giáo sư Carl Thayer

Quan điểm chính quyền Tổng thống Donald Trump trong vấn đề Biển Đông được thể hiện qua các động thái của Mỹ cũng như các tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52 (AMM52) vừa qua ra sao?

Rõ ràng, chính quyền Trump coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược và đối thủ chính của Washington. Chính quyền Trump đang theo đuổi chiến lược khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Ngay sau vụ Trung Quốc điều tàu tới Bãi Tư Chính, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phát tuyên bố mạnh mẽ rằng Trung Quốc đang đe dọa an ninh năng lượng khu vực và có các hành vi “bắt nạt”.

Tại AMM 52, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã kêu gọi Trung Quốc ngừng việc “áp bức” các nước trên Biển Đông. Có thể thấy, Mỹ đang nỗ lực tạo ra một mạng lưới các đồng minh và đối tác chiến lược để chống lại các chính sách kinh tế mang tính “săn mồi”, sự đe dọa và áp bức của Trung Quốc đối với các quốc gia trong khu vực và cả nỗ lực quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh.

Tuyên bố chung của Hội nghị AMM52 vừa qua được có gì đặc biệt, trong bối cảnh tình hình Biển Đông nóng lên?

Tuyên bố chung của ASEAN tại Hội nghị AMM52 năm nay có phần thay đổi so với Hội nghị trước đó, khi được diễn đạt mạnh mẽ hơn. Các Ngoại trưởng ASEAN khẳng định đã bàn thảo về vấn đề Biển Đông, với quan ngại được các Ngoại trưởng bày tỏ trước hành vi cải tạo đất và các sự cố nghiêm trọng trong khu vực biển này. Rõ ràng có ít nhất một ngoại trưởng cùng chia sẻ quan ngại với Việt Nam và đề cập vấn đề “sự cố nghiêm trọng” do Trung Quốc gây ra.

Những quan ngại này sẽ tiếp tục được nêu ra xuyên suốt quá trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc thời gian tới.

ASEAN cần làm gì để giải quyết vấn đề Biển Đông và vai trò sắp tới của Việt Nam sẽ như thế nào?

Trong năm nay, Trung Quốc đã liên tiếp có hành vi thách thức các thành viên ASEAN trên khu vực Biển Đông.

Đầu tiên, Trung Quốc xâm nhập trái phép vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam để tiến hành các cuộc khảo sát. Đồng thời, các tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã tấn công các tàu cảnh sát biển Việt Nam bằng vòi rồng công suất cao và thực hiện các cuộc diễn tập nguy hiểm. Trong đó, một tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã quấy rối các tàu dịch vụ và một giàn khai thác dầu do Tập đoàn Rosneft của Nga phối hợp vận hành cùng Việt Nam.

Thứ hai, một tàu cảnh sát biển Trung Quốc cũng đã quấy rối các tàu dịch vụ của Malaysia ở khu vực ngoài khơi Sarawak.

Thứ ba, các tàu đánh cá và dân quân hàng hải của Trung Quốc đã ngăn ngư dân Philippines đánh bắt cá trong các khu vực truyền thống và vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Những quan ngại của các thành viên ASEAN sẽ tiếp tục được phản ánh trong các cuộc đàm phán về COC ở Biển Đông. Tuy nhiên, COC sẽ là một tài liệu vô giá trị trừ khi có điều khoản buộc Trung Quốc ngừng thực hiện các hành động phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia duyên hải Biển Đông.

Trong bối cảnh đó, trách nhiệm của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2020 sẽ ngày càng lớn, với nhiệm vụ củng cố sự thống nhất trong ASEAN để có lập trường mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc. Muốn đối phó với Trung Quốc, ASEAN cần tranh thủ sự hỗ trợ của các cường quốc và các quốc gia có đường bờ biển.

Việt Nam có thể viện đến lựa chọn pháp lý để chống lại các hành vi vi phạm chủ quyền của Trung Quốc, như Philippines đã làm?

Việt Nam có thể theo mô hình Philippines và đệ đơn lên Tòa Trọng tài yêu cầu giải quyết tranh chấp - theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Toà Trọng tài có thể xét xử vụ việc ngay cả khi Trung Quốc từ chối tham gia. Việt Nam có thể yêu cầu Toà Trọng tài xác định các quyền lợi của mình trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và xem xét liệu Trung Quốc có vi phạm các quyền này hay không. Khả năng chiến thắng Việt Nam là có.

Tuy nhiên cũng còn những hạn chế. Ví dụ UNCLOS không có quy định ràng buộc các nước phải thực thi. Trung Quốc có thể trơ tráo và từ chối tuân thủ một khi phán quyết được đưa ra. Mặt khác Bắc kinh có thể có biện pháp trừng phạt Việt Nam trong khi Toà Trọng tài đang xem xét vụ kiện.

Về mặt tích cực, uy tín của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng. Quan trọng hơn, một liên minh rộng lớn của cộng đồng quốc tế do Mỹ lãnh đạo có khả năng hỗ trợ Việt Nam. Liên minh này có thể bao gồm: Australia, Canada, Pháp, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Vương quốc Anh.

Xin cảm ơn ông!