Từ vụ Youtuber Thơ Nguyễn: Đồng hành cùng con để tránh những hệ lụy đáng tiếc

Trần Thảo - Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mấy ngày qua, vụ YouTuber Thơ Nguyễn đăng tải những video clip có nội dung tiêu cực, mê tín dị đoan như “xin vía học giỏi từ Kumanthong” gây xôn xao dư luận, ảnh hưởng xấu đến sự tiếp thu của trẻ nhỏ. Các chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ hãy dành nhiều thời gian chơi cùng trẻ hơn hoặc chọn lọc nội dung khi cho trẻ xem các kênh YouTube, tránh để xảy ra những hệ lụy đáng tiếc.

 Kênh YouTube Thơ Nguyễn
Youtuber Thơ Nguyễn chỉ là một “hạt sạn” trong rổ
Xung quanh những ồn ào liên quan đến kênh YouTube Thơ Nguyễn, bác sĩ Đinh Thạc – Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho rằng, video có nội dung hướng dẫn trẻ xin vía học giỏi là nội dung hoàn toàn không phù hợp, mê tín dị đoan, ma quái, rất dễ khiến cho trẻ hiểu nhầm, có những suy nghĩ và hành động tiêu cực. Trẻ có thể hiểu nhầm đi học không cần phải rèn luyện, không cần cố gắng chỉ cần xin vía từ búp bê vẫn có thể học giỏi, dẫn đến trẻ thiếu tập trung, kết quả học tập bị ảnh hưởng, lệch lạc trong suy nghĩ.

“Kênh YouTube Thơ Nguyễn bị cộng đồng phản ứng gay gắt, tuy nhiên, Thơ Nguyễn chỉ là một “hạt sạn” trong rổ. Hiện nay, nhiều kênh YouTube lợi dụng các nhân vật hoạt hình, đồ chơi gần gũi với trẻ để thu hút sự tò mò, thích thú của trẻ. Đặc biệt, nhiều video chứa những hình thức và nội dung phản cảm, phản giáo dục, bạo lực, như Heo Peppa kinh dị, Elsa mang bầu…

Đồng quan điểm, chuyên gia bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) cho rằng, hiện nay, những clip nhảm nhí, phi giáo dục trên môi trường mạng không phải là mới. Những clip phản cảm dễ hình thành tư duy lệch lạc trong quá trình phát triển mà các em không biết được, thậm chí dẫn tới bắt chước như vụ bé 5 tuổi bắt chước treo cổ tự tử, bắt chước thử thách rất mất vệ sinh, bắt nạt bạn bè…

Cha mẹ cần là người tạo cho trẻ vaccine kháng thể

Theo bà Nguyễn Phương Linh, trẻ dưới 6 tuổi rất cần có cha mẹ hỗ trợ, đồng hành và định hướng. Thời gian trẻ nên xem các chương trình, kể cả ti vi, kênh Youtube chỉ 30 phút, không quá 1 tiếng mỗi ngày. “Giải pháp mang tính lâu bền là nói chuyện với con, cùng con phân tích tìm hiểu xem có những rủi ro gì trên môi trường mạng, từ đó giúp con có tư duy phản biện. Nếu con có những băn khoăn thì hãy chia sẻ với cha mẹ để cha mẹ tư vấn, khuyên răn con và xử lý tình huống phát sinh. Cha mẹ cần giúp trẻ tạo ra vaccinne kháng thể để bảo vệ cho cơ thể mình”- chuyên gia Nguyễn Phương Linh chia sẻ.

Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Viết Chung- Giảng viên bộ môn Tâm thần - Tâm lý lâm sàng, Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội), bác sĩ Khoa Quốc tế, Bệnh viện E cho hay, giai đoạn hình thành tính cách của trẻ nhỏ là từ lúc sinh ra cho đến 18 tuổi. Trong giai đoạn này tính cách của trẻ sẽ chưa được vững vàng, trẻ nhìn thấy gì thường sẽ học theo. Đặc biệt, đối với gia đình để trẻ tự dùng điện thoại, máy tính xem YouTube không quan tâm tới con, trẻ thường xuyên tiếp xúc với những hình ảnh (bạo lực, mê tín, nhảm nhí...) sẽ hình thành dần dần nên tính cách.

Bác sĩ Chung khuyến cáo, hiện nay, trên Youtube có rất nhiều nội dung độc hại mà trẻ không thể chọn lọc. Trong khi, các bậc phụ huynh không thể theo sát con 24/24 giờ để kiểm soát. Cha mẹ cần dành thời gian vun đắp xây dựng nhân cách, tâm hồn cho trẻ nhỏ như dạy về lòng biết ơn, nguyên tắc kỷ luật, tôn trọng người khác, đức tính thật thà… Khi trẻ được trang bị những nền tảng vững vàng thì gặp những hình ảnh, hiện tượng tiêu cực sẽ có cách đánh giá, phân tích và tự loại bỏ.