Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội 2018: Đưa hàng Việt vào chuỗi bán lẻ quốc tế

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian qua Trung tâm Xúc tiến Đầu tư -Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) liên tục tổ chức “Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội 2018” và “Tuần hàng nông sản Việt Nam 2018” tại Nhật Bản và Pháp. Hoạt động này đã tạo điều kiện cho DN Hà Nội giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm Việt tới người tiêu dùng, đây cũng là cơ hội để các DN kết nối giao thương xuất khẩu hàng hóa vào hệ thống bán lẻ quốc tế.

 Người tiêu dùng mua hàng tại Tuần hàng Việt Nam 2018 tổ chức ở siêu thị AEON. Ảnh: Lê Nam
Hàng Việt chiếm cảm tình người tiêu dùng

Mặc dù là lần đầu tiên HPA tổ chức “Tuần hàng nông sản Việt Nam 2018” tại thị trường Pháp nhưng đã thu hút 31 DN Hà Nội và các tỉnh tham gia trưng bầy, giới thiệu nông sản Việt tới người tiêu dùng Pháp. Riêng “Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội 2018” dù là lần thứ 2 tổ chức tại các Trung tâm thương mại, hệ thống bán lẻ thuộc Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) cũng đã thu hút 26 DN Hà Nội và các tỉnh tham gia. Cả 2 sự kiện trên, các DN Việt đã vận chuyển sang Pháp, Nhật Bản một lượng lớn trái cây tươi, thực phẩm chế biến, gia vị, hóa mỹ phẩm thiên nhiên và hàng thủ công mỹ nghệ.

Nói về chất lượng hàng nông sản Việt Nam giới thiệu tại “Tuần hàng nông sản Việt Nam 2018”, Chủ tịch Tập đoàn Semmaris (DN đầu tư khai thác chợ đầu mối nông sản lớn nhất trên thế giới tại Pháp), Layani chia sẻ: Nông sản Việt Nam, đặc biệt là trái cây tươi như vải, thanh long, dừa… đạt chất lượng cao, phù hợp với văn hóa ẩm thực của người dân Pháp và châu Âu.
Trong khi đó, thông tin từ HPA, các mặt hàng bánh kẹo, hóa mỹ phẩm, nông sản, thủ công mỹ nghệ đã được người tiêu dùng (NTD), DN bán lẻ Nhật Bản, Pháp đón nhận một cách hồ hởi. Giám đốc Công ty TNHH Mây tre đan Hòa Bình Dương Thị Chỉnh cho biết: Trong thời gian tham dự “Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội 2018” tổ chức tại Nhật Bản, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của DN đã được NTD Nhật Bản đón nhận, qua đó tiêu thụ được một lượng lớn sản phẩm.

Theo Giám đốc HPA Nguyễn Gia Phương, các sản phẩm Việt Nam trưng bày, giới thiệu tại “Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội 2018” được đông đảo NTD Nhật Bản, DN đầu mối nhập hàng của Tập đoàn AEON đánh giá cao. Nhờ đó đã thu hút hơn 40.000 lượt DN , khách hàng, NTD Nhật Bản tham quan, mua sắm, doanh số đạt khoảng 3 triệu Yên/điểm bán hàng.

Cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu

Không chỉ tăng mạnh trong tiêu thụ hàng hóa, “Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội 2018” và “Tuần hàng nông sản Việt Nam 2018” còn tạo cơ hội cho DN Việt Nam kết nối giao thương ký hợp đồng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Pháp, Nhật Bản. Giám đốc Công ty CP và Sản xuất thương mại An Việt Đào Ngọc Nam cho biết: Công ty đã gặp gỡ 20 DN Pháp qua đó ký kết được đơn hàng xuất khẩu 100kg tỏi đen sang thị trường này. Mặc dù là lần đầu tiên giới thiệu sản phẩm nông sản tới thị trường Pháp nhưng Công ty CP Nafoods Tây Bắc giao dịch với 150 lượt DN, qua đó Nafoods đã nhận được đơn đặt hàng xuất khẩu 1 tấn chanh leo vào thị trường Pháp, dự kiến thời gian tới 5 DN Pháp tiếp tục đặt mua nông sản.

Trong thời gian diễn ra “Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội 2018” tổ chức tại Nhật Bản, nhiều DN đã ký kết hợp đồng đưa hàng Việt vào hệ thống bán lẻ Nhật Bản. Cụ thể, Công ty TNHH Mây tre đan Hòa Bình đã ký hợp đồng xuất khẩu 10.000 giỏ mây, DN Nhật Bản đã ký kết tiêu thụ 1.000 túi thổ cẩm của Công ty TNHH Thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Đặc biệt: Tập đoàn Aeon đã đưa 6 mặt hàng (chè, cà phê, bia, mỳ gạo, mỳ tôm, bánh tráng với hơn 30 chủng loại) vào hệ thống siêu thị Aeon tiêu thụ.
Người tiêu dùng Nhật Bản ngày càng quan tâm đến các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam. Do đó, Tập đoàn Aeon sẽ có kế hoạch nhập thêm nhiều hàng hóa của Việt Nam trong những năm tới để bán trên toàn hệ thống siêu thị Aeon, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Nhật Bản.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam Yasuo Nishitoghe 
Thực tế hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ DN đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ quốc tế cho thấy mặc dù DN quốc tế đều công nhận hầu hết hàng nông thủy sản Việt Nam có chất lượng tốt, tuy nhiên, khi xuất khẩu DN Việt lại thờ ơ với mẫu mã, bao bì và thị hiếu của người tiêu dùng từng nước, đây là điểm yếu các DN Việt Nam cần khắc phục khi xuất khẩu hàng hóa.

Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh chia sẻ, khó khăn lớn nhất là thiếu đội ngũ DN đủ mạnh để đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe về chất lượng, năng lực sản xuất. Thực tế cho thấy, trong hàng chục DN tham gia "Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội" nhưng chỉ chọn được 6 sản phẩm, mặt hàng đáp ứng được điều kiện đưa vào hệ thống phân phối Nhật Bản.
Nguyên nhân là do DN chưa hiểu rõ thủ tục và quy định để đưa hàng vào hệ thống bán lẻ quốc tế, không những thế, các DN đều thiếu và yếu về chuyên môn, kỹ năng và khả năng tài chính không đáp ứng được yêu cầu từ các nhà phân phối nước ngoài. Do vậy, nhiều DN tỏ ra bi quan, chán nản và từ bỏ ý định đưa sản phẩm ra nước ngoài.

Nhìn nhận về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý cần tập trung nâng cao năng lực cho DN, giúp nâng cao khả năng xuất khẩu vào các hệ thống phân phối hiện đại trên thế giới. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các hãng phân phối nước ngoài, DN, hiệp hội xuất khẩu Việt Nam với cơ quan quản lý nhà nước, nhất là các sở công thương, các tổ chức xúc tiến thương mại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần