Túi tự huỷ sinh học, chưa phải là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường

Bài và ảnh Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, nhiều đơn vị doanh nghiệp đã sử dụng túi ni lông sinh học và túi ni lông tự phân hủy và các sản phẩm thay thế cho túi ni lông. Tuy nhiên, trong các sản phẩm túi, cốc, hộp gọi là sinh học tự huỷ có thân thiện với môi trường hơn, nhưng nó vẫn chứa thành phần của ni lông và thời gian phân huỷ không phải là nhanh.

Túi cốc sinh học tự phân huỷ vẫn chứa chất nhựa
Túi tự phân huỷ, hay túi đựng thực phẩm tự huỷ sinh học … đó chỉ là những cái tên gọi khác nhau của loại túi ni lông đang được nhiều người lựa chọn thay thế túi ni lông bình thường vì cho rằng nó thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, thực tế chất lượng các loại túi này không dễ dàng phân huỷ như mong đợi.
Qua tìm hiểu một số loại túi, cốc tự huỷ sinh học bày bán tại một số siêu thị cho thấy, những chiếc túi, cốc này thành phần của nó có đến 95% vẫn là chất nhựa dẻo.
 Khá nhiều túi đựng thức phẩm bán tại siêu thị.

 Mỗi ngày hàng nghìn khách hàng vào siêu thị thì có hàng nghìn chiếc túi chỉ để bọc túi của khách hàng. Dù những chiếc túi này là sinh học tự hủy nhưng vẫn gây áp lực lên môi trường sống. Hình ảnh tại siêu thị Co.ocmart Hà Đông.

Cụ thể, túi đựng thực phẩm tự huỷ sinh học có 80% chất HDPE. Theo phân tích thành phần của HDPE, đây là loại nhựa cao cấp có độ bền cực tốt, chống lại sự ăn mòn tự nhiên như nước, gió, mưa axit, kể cả những dung dịch như axit đậm đặc, kiềm, muối,… chịu được cả tia cực tím từ ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu vào; chống nhiệt nổi trội so với các vật liệu nhựa thông thường khác, bắt cháy ở nhiệt độ 327 độ C, gần gấp 2 lần so với các chất liệu khác. Chất HDPE được sử dụng rất phổ biến để chế tạo vỏ bọc cho cáp quang luồn cống và cáp quang trực tiếp, với thời gian sử dụng lên đến 20 – 30 năm không phải bảo trì, bảo dưỡng. Như vậy, với thành phần chất nhựa này không có phụ gia tự huỷ thì trong mọi điều kiện nhiệt độ, ánh sáng, thời tiết nó sẽ tồn tại hàng chục năm trên trái đất.
 
  Túi rự hủy sinh học vẫn có đến 95% là chất nhựa, chỉ có 1% chất tự hủy.
Cũng trong thành phần của túi này còn có chất LDPE 15%. Đây cũng là một loại nhựa quan trọng, nhựa này có thể dùng tái chế. LDPE hữu ích cho một loạt các sản phẩm cứng như chai nhựa, xô và bát, túi hàng tạp hóa và nhựa bọc, lớp lót của hộp sữa và túi nhựa bên trong hộp ngũ cốc,...
4% trong thành phần của túi là chất kháng khuẩn Nano Modiffying Masterbatch và chỉ có 1% là chất tự phân huỷ self Biodegradable Substance.
Cũng giống như túi sinh học tự huỷ, cốc giấy dùng 1 lần hiện nay cũng có những loại được tráng lớp màng nhựa PE nhằm giúp cho cốc không bị thấm nước. Cũng có loại dùng hoàn toàn bằng bột giấy và chất tự nhiên, đây là những sản phẩm thật sự thân thiện với môi trường.
Như vậy, phân tích các thành phần của chiếc túi tự huỷ sinh học so với những chiếc túi ni lông bình thường chỉ khác nhau là có 1% chất bào mòn tự huỷ. Theo phân tích khoa học, những chiếc túi tự huỷ sinh học này được có thêm 1% chất bào mòn tự huỷ nên nó sẽ phá huỷ chất nhựa trong túi, nhằm giúp cho chúng tan nhanh trong điều kiện tự nhiên. Tuy nhiên, các chất nhựa này không mất đi mà chúng trở thành những hạt nhựa bụi nhỏ bay vào không khí. Những chiếc túi ni lông tự huỷ sinh học này có chứa 95% chất nhựa cũng phải mất từ 6 tháng đến 2 năm, hoặc lâu hơn nữa mới phân huỷ, tùy theo điều kiện môi trường. Hơn nữa các chất nhựa cũng không mất đi mà chủ yếu trở thành những hạt nhựa bay vào không khí. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nghiên cứu tìm ra có 93% nước đóng chai hiện nay nghi ngờ có chứa hạt nhựa nhỏ kích cỡ micro. Những hạt nhựa này có hại như thế nào đến với sức khoẻ của người dân thì chưa có tổ chức nào đánh giá.
Cần nâng cao ý thức của người dân, DN
Theo tìm hiểu của phóng viên, trên địa bàn Hà Nội hiện nay có một số tổ chức đã tái chế lại các loại sản phẩm nhựa, nhằm hạn chế rác thải ra môi trường. Cũng có nhiều tổ chức sản xuất các sản phẩm hàng hoá từ áo, túi xách, cốc dùng 1 lần bằng bột giấy, sợ tre, … sản phẩm hoàn toàn bằng tự nhiên.
 Cốc giấy dùng 1 lần có thành phần nhựa PE.

 Chục cốc chỉ có nguyên liệu giấy (màu xanh và hồng) đắt 2,5 lần cốc có chứa thành phần nhựa PE (màu trắng).

Tuy nhiên, những sản phẩm làm bằng từ chất liệu tự nhiên có giá khá cao gấp đến khoảng 2-3 lần. Ví dụ 1 chục chiếc cốc dùng 1 lần bằng chất liệu nguyên giấy có giá 20.000 đồng, nhưng cốc giấy có tráng màng PE chỉ có gần 9.000 đồng/chục.
Những chiếc áo sơ mi nam cùng kích cỡ nếu may bằng chất liệu sợi bông pha sợi ni lông chỉ có khoảng từ trên 100.000 đến trên 300.000 đồng/chiếc, tùy theo chất liệu sợi bông trong đó nhiều hay ít, nhưng những chiếc áo sử dụng chất liệu sợi tre không sử dụng ni lông sẽ có giá từ trên 500.000 đồng đến trên 1 triệu đồng/1 chiếc.
Chị Bình mua túi nhựa chia sẻ, tôi đi mua túi đựng thực phẩm để trong tủ lạnh cũng không quan tâm nhiều đến túi nào. Chỉ cần bán trong siêu thị mình có thể mua về sử dụng. Sản phẩm nào giá thấp thì mua.
Ngược lại với chị Bình, bạn Loan sinh viên tại Hà Đông chia sẻ: Em và gia đình em hàng ngày đang hạn chế dùng túi ni lông dùng 1 lần. Cho dù túi đó có tự hủy thì những hạt nhựa sẽ bay vào không khí ta lại hít phải khói bụi. Theo em cần phải đánh thuế cao những đơn vị sản xuất túi ni lông và khuyến khích những người sản xuất và sử dụng túi ni lông để bảo vệ môi trường.
 Khá nhiều sản phẩm có thể thay thế bao bì bằng tự nhiên, như trứng dùng giỏ tre bao gói. Nhưng vân còn đơn vị DN dùng hộp nhựa đựng.

 Sử dụng túi dùng nhiều lần sẽ hạn chế túi ni lông thải ra môi trường. Đẩy mạnh tuyên truyền và kèm thêm các chính sách về thuế bảo vệ môi trường thì sẽ giúp người dân thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông.

Mỗi ngày, Việt Nam đã thải ra môi trường hàng triệu túi ni lông. Mỗi chiếc túi có tuổi thọ kéo dài từ hàng trăm năm đến cả nghìn năm. Những chiếc túi xuống nguồn nước sẽ bị thôi ra các chất độc hại, hạt nhựa. Khi chúng ta sử dụng nước uống sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Như vậy, túi và cốc tự hủy sinh học dùng một lần có chứa thành phần nhựa không phải là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường. Có lẽ chúng ta nên đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích những cá nhân, tổ chức đưa các sản phẩm chất tự nhiên vào sản xuất vật dụng sinh hoạt hàng ngày như quần áo, túi, giày, dép, … Để thay thế đồ nhựa, túi nhựa đựng thực phẩm nên đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tích cực sử dụng túi dùng nhiều lần thay thế túi ni lông dùng 1 lần để đi mua hàng hóa.
Đối với những sản phẩm nhựa và chứa chất nhựa nên đánh thuế cao đối với các DN sản xuất và người tiêu dùng. Có như vậy thì cả đơn vị sản xuất và người dân mới hạn chế sản xuất, sử dụng túi ni lông nói riêng và và các sản phẩm có chất làm bằng nhựa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần