Tưng bừng khai hội Tản Viên Sơn Thánh

Trọng Tùng - Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 10/2, UBND huyện Ba Vì đã tổ chức Lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh, khai trương du lịch và phát động Tết trồng cây Xuân Đinh Dậu 2017.

Lãnh đạo Sở VH-TT và huyện Ba Vì đánh trống khai hội.
Nói đến Ba Vì là nói đến huyền thoại thần núi Tản Viên - vị thần tượng trưng cho ý chí kiên cường, bất khuất chống lại thiên tai, lụt lội từ bao đời nay. Không chỉ giúp Nhân dân khai điền trị thủy, Đức Thánh Tản còn giúp vua Hùng đánh đuổi quân xâm lược, xây dựng đất nước thái bình, thịnh trị. Chính vì công lao to lớn đó, Nhân dân suy tôn ngài là vị thần đứng đầu trong Tứ bất tử nước Việt. Với những giá trị to lớn, cụm di tích Đền Thượng - Đền Trung - Đền Hạ là điểm đến linh thiêng, hấp dẫn của du khách thập phương.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của TP Hà Nội, sự ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân, DN, huyện Ba Vì đã thực hiện tu bổ, tôn tạo cụm di tích lịch sử văn hóa Đền Thượng - Đền Trung - Đền Hạ với tổng mức đầu tư 136 tỷ đồng. Đến nay, về cơ bản cụm di tích đã hoàn thành các hạng mục chính, đưa vào sử dụng, phục vụ nhu cầu hành lễ của Nhân dân.
Chương trình nghệ thuật tái hiện truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh.

Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến cho biết, do những yếu tố khách quan, trong một thời gian khá dài, lễ hội Tản Viên Sơn Thánh đã bị thất truyền, các nghi lễ cổ truyền bị mai một. Vì vậy, những năm gần đây, Huyện đã tổ chức khai hội nhằm khôi phục và đưa lễ hội Tản Viên Sơn Thánh trở thành lễ hội lớn của dân tộc.

 
Cùng với các hệ thống di tích lịch sử văn hóa dày đặc, các lễ hội truyền thống đặc sắc, Ba Vì còn là nơi được thiên nhiên ưu đãi ban tặng bức tranh sơn thủy hữu tình với hệ sinh thái phong phú, được coi là lá phổi xanh phí Tây Thủ đô Hà Nội. Nơi đây có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp gắn liền với các danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Ao Vua, Khoang Xanh - Suối Tiên, Thiên Sơn - Suối Ngà, Hồ Suối Hai….
Đây cũng là nơi có nhiều trang trại đồng quê với sản phẩm nông nghiệp phong phú, nhiều làng nghề truyền thống như: Làng thuốc nam của người Dao Ba Vì, làng chè Ba Trại, làng miến dong Minh Hồng, làng nón lá Phú Châu, làng bún Cổ Đô, làng họa sĩ Cổ Đô…
Cuộc thi đấu vật thu hút đông đảo người dân tham gia cổ vũ.
Nhận thức rõ tiềm năng về phát triển du lịch cũng là cơ hội để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, huyện Ba Vì đặc biệt quan tâm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo đó, huyện thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự để tạo nên diện mạo du lịch Ba Vì an toàn, thân thiện. Hiện du lịch Ba Vì đang từng bước khẳng định vị trí, đóng góp tích cực và sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Năm 2016, du lịch Ba Vì đạt mức tăng trưởng ổn định với tổng doanh thu đạt 260 tỷ đồng, đón 2,6 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Cuộc thi đẩy gậy diễn ra sôi nổi tại lễ hội.
Thực hiện lời dạy của Bác “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”, hàng năm, huyện Ba Vì tổ chức phát động Tết trồng cây từ những ngày đầu Xuân tại khu di tích lịch sử Đền Hạ (xã Minh Quang). Chỉ tính riêng năm 2016, toàn huyện đã hưởng ứng trồng cây 49.000 cây phân tán, đạt gần 250% kế hoạch.
Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ và Nhân dân về trồng thêm nhiều cây xanh, chăm sóc, bảo vệ rừng, làm cho môi trường ngày thêm xanh, sạch, đẹp, cũng trong sáng 10/2, huyện Ba Vì đã phát động Tết trồng cây Xuân Đinh Dậu 2017. Theo đó, huyện phấn đấu trồng hơn 20.000 cây phân tán và tiếp tục chăm sóc, bảo vệ rừng hiện có để khai thác có hiệu quả các nguồn lợi từ kinh tế rừng.
Lãnh đạo huyện Ba Vì tặng Giấy khen cho các tập thể.
Nhân dịp này, UBND huyện Ba Vì cũng tặng Giấy khen cho 9 tập thể có đóng góp tích cực vào sự phát triển du lịch và phong trào Tết trồng cây của huyện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần