Tung nhiều chính sách khuyến mại phân khúc khách sạn du lịch vẫn ế ẩm

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khoảng 80% số lượng khách sạn, cơ sở lưu trú đã mở cửa đón khách trở lại, kèm theo đó là chương trình giảm giá sâu. Nhưng tình trạng ế ẩm, vắng khách, kinh doanh thua lỗ vẫn tiếp tục đeo đuổi.

Giảm giá sâu
Giám đốc Công ty Thương mại Du lịch Nam Đăng Lê Xuân Vinh cho biết, thời điểm hiện tại các khách sạn trong hệ thống kinh doanh lưu trú của đơn vị này đã mở cửa hoạt động trở lại để đón khách và thực hiện chính sách giám giá sâu, nhưng lượng khách vẫn rất ít, chủ yếu là khách nội địa.
“Sau khi mở cửa hoạt động trở lại từ thời điểm nới lỏng giãn cách xã hội giá phòng mà đơn vị này niêm yết đã giảm tới gần 2/3 so với trước đây. Nhưng lượng khách ít, doanh thu không đủ chi phí thuê mặt bằng và các chi phí khác, nếu tình trạng này kéo dài đến hết tháng 6, khả năng cao chúng tôi sẽ phải buộc đóng cửa và trả lại mặt bằng” - ông Vinh cho hay.
Số liệu khảo sát của một số đơn vị tư vấn BĐS, sau khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng, đã có khoảng 78% số lượng các khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch mở cử đón khách trở lại, 22% còn lại cho biết sẽ tiếp tục đóng cửa chờ đến khi khách du lịch quốc tế quay trở lại.
Mặc dù giảm giá sâu nhưng khách sạn và cơ sở lưu trú vấn ế khách. (Ảnh: internet).
Những khách sạn cao cấp và hạng sang tại các TP lớn do phụ thuộc chủ yếu vào nguồn khách quốc tế và khách công vụ nên công suất sụt giảm xuống chỉ còn một chữ số, trong đó một số cơ sở chỉ đạt mức 5%. Các khu nghỉ dưỡng cao cấp vẫn trong tình trạng vắng bóng khách vì hoạt động cấp visa, thị thực cho người nước ngoài chưa được vận hành trở lại.
Kết quả khảo sát của Savills Hotels cho thấy, gần một nửa các cơ sở lưu trú đã đưa ra những chương trình ưu đãi và giảm giá sau khi mở cửa trở lại. Các cơ sở lưu trú thuộc phân khúc cao cấp thường đưa ra những chương trình ưu đãi như cung cấp các gói dịch vụ hấp dẫn, miễn phí các dịch vụ như ăn uống, vận chuyển... nhằm thu hút khách du lịch trong nước.
Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương Mauro Gasparotti cho biết, việc mở cửa trở lại các khách sạn và khu nghỉ dưỡng để đón khách được xem là một bước đi dũng cảm của các chủ đầu tư Việt Nam, đặc biệt là khi so sánh với các quốc gia lân cận như Thái Lan, nơi hầu hết các khách sạn vẫn đang tạm ngưng hoạt động để chờ sự khôi phục của thị trường khách quốc tế.
“Phần lớn các cơ sở lưu trú ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đều mở cửa hoạt động trở lại nhằm giữ chân các nhân sự chủ chốt và tránh mất thị phần trong trường hợp thị trường có sự phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Thị trường khách nội địa, mặc dù chiếm 83% tổng lượng khách du lịch trong năm 2019, được xem là nhóm khách nhạy cảm hơn về ngân sách du lịch so với phân khúc khách quốc tế và khách công vụ” - ông Mauro Gasparotti nói.
Ưu tiên về cơ chế hỗ trợ
Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, phân khúc căn hộ - nhà ở thấp tầng và BĐS du lịch - nghỉ dưỡng là hai phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid-19. Không chỉ bị ảnh hưởng ở thời điểm trong dịch mà thời điểm hiện tại cũng đang gặp nhiều khó khăn.
“Đây là thời điểm người dân đang ổn định lại công việc chưa có tâm lý đi mua nhà hay đi chơi mua sắm, vì vậy nguồn cầu cả hai phân khúc này sẽ bị giảm sút nghiêm trọng, việc mất đi nguồn cầu sẽ khiến doanh thu của doanh nghiệp bị giảm sút và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh” - ông Đính nhìn nhận.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đính, đối với các doanh nghiệp BĐS, phân khúc căn hộ và BĐS du lịch cần có sự quan tâm nhiều hơn so với các sản phẩm khác. “Ngoài chính sách hỗ trợ về thuế, tiền thuê đất, giảm lãi suất ngân hàng trong thời hạn 5 tháng dành cho các doanh nghiệp nói chung, Chính phủ nên cân nhắc có sự hỗ trợ dài hạn hơn đối với các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm này” - ông Nguyễn Văn Đính cho biết thêm.