Tước quyền tự quyết room vốn ngoại: Ngân hàng khó gọi vốn ngoại?

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiềm lực về vốn và kinh nghiệm của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) có thể giúp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngân hàng trong nước. Phương án này đang được nhiều ngân hàng hướng tới nhưng lại gặp phải nhiều vướng mắc.

Khách hàng giao dịch tại Hội sở Ngân hàng Quốc tế. Ảnh: Trần Việt
Hút vốn ngoại, linh hoạt tính đường dài
Nhìn vào bức tranh thực tế có thể thấy, hiện Ngân hàng ACB đã cạn room ngoại (tỷ lệ sở hữu cổ phần cho NĐTNN) khoảng 30%; Ngân hàng VIB chốt room ngoại chỉ 20,5% vì đã có cổ đông chiến lược nước ngoài là CommonwealthBank of Australia nắm giữ 20%; Ngân hàng Techcombank lấp kín room ngoại khi bán cổ phần cho Warburg Pincus; Ngân hàng MB nâng room từ 20,9% lên gần 23% trong tháng 3/2020. Năm 2020 cũng ghi nhận thương vụ bán 15% cổ phần của Ngân hàng OCB cho đối tác Nhật là Ngân hàng Aozora, đưa mức vốn điều lệ hiện hữu tăng từ 7.898 tỷ đồng lên 8.767 tỷ đồng. Hiện không ít ngân hàng Việt Nam đã bán vốn cho NĐTNN, song cũng nhiều ngân hàng còn nguyên room, một phần do vừa chia tay với cổ đông ngoại. Cụ thể, HDBank vừa quyết định giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ mức 30% xuống còn 21,5% nhằm phục vụ kế hoạch lựa chọn và thỏa thuận với đối tác chiến lược. Trước đó, hồi đầu tháng 5/2020, cổ đông VPBank cũng đã thông qua phương án giảm tỷ lệ sở hữu của NĐTNN tại ngân hàng từ 22,77% xuống còn 15%.

Theo thống kê của NHNN, hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại hiện nay chỉ loanh quanh 9 -10%. Vẫn còn một nửa số ngân hàng chưa đạt chuẩn Basel II. Sức ép của dịch Covid-19 lên các ngân hàng ngày càng mạnh mẽ hơn, đặc biệt là việc tăng vốn để đảm bảo các tiêu chí an toàn hoạt động trong sự lo ngại nợ xấu còn tăng mạnh. Trong bối cảnh đó, nhiều ngân hàng tính kế "dọn đường" đón dòng vốn ngoại.

Khó khăn khi mất quyền tự quyết room vốn ngoại

Tuy vậy, dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Chứng khoán mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa đưa ra lấy ý kiến đã có nhiều điểm gây tranh cãi. Trong đó, không còn quy định cho phép công ty đại chúng được quyết định tỷ lệ sở hữu nước ngoài của DN. Nhiều ý kiến lo ngại, nếu đề xuất này được áp dụng thì những lĩnh vực đặc thù như ngân hàng sẽ gặp khó trong việc tìm cổ đông chiến lược.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI, trong năm 2019, có 5 ngân hàng niêm yết đã tăng vốn điều lệ thành công. Đặc biệt, nhờ quyền tự quyết về room ngoại, các ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV đều chào bán cho NĐT ngoại ở mức giá tốt, thậm chí cao hơn giá thị trường, qua đó giúp ngân sách thu về nguồn thặng dư vốn cổ phần lớn, tăng giá trị DN. Nay nếu không được tự chủ về room ngoại, việc đàm phán với đối tác ngoại rất khó khăn, nhất là các ngân hàng TMCP nhỏ và vừa đang rất cần sự hỗ trợ của đối tác chiến lược nước ngoài về công nghệ, quản trị, chiến lược phát triển...

Theo lãnh đạo một ngân hàng, việc bãi bỏ quyền tự định đoạt room vốn ngoại của DN có thể giúp NĐTNN tự do mua bán ngắn hạn, lướt sóng cổ phiếu ngân hàng, giúp thanh khoản tốt hơn. Song vị này lo ngại NĐT nước ngoài nhỏ lẻ chỉ lướt sóng. Trong khi đó, nếu room này được giữ lại để bán cho đối tác chiến lược, cả ngân hàng và tất cả cổ đông đều được lợi. Vì các tổ chức tài chính quốc tế lớn tham gia đầu tư dài hạn sẽ giúp ngân hàng minh bạch hơn trong quản trị điều hành, phát triển hơn về mặt công nghệ, khách hàng, sản phẩm...

Theo UBCKNN, việc giao quyền quyết định room ngoại cho công ty có thể dẫn đến việc thường xuyên thay đổi tỷ lệ này, ảnh hưởng tính minh bạch của thị trường. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán SJCS Huỳnh Anh Tuấn cho rằng, nhìn ở mặt tích cực, việc mở bung room ngoại sẽ giúp đa dạng NĐT và tạo thanh khoản cho thị trường. Riêng lĩnh vực ngân hàng, theo ông Tuấn, hiện một số quốc gia cũng có chính sách bảo hộ nhất định. NĐT ngoại vào lĩnh vực ngân hàng cũng được chọn lọc kỹ càng.

Chưa kể, thực tế diễn ra ở một số ngành cho thấy, đã có trường hợp NĐT ngoại thông qua công ty con ở nhiều quốc gia khác nhau, nắm giữ quyền chi phối cao hơn mức cho phép tại DN trong nước, gây bất lợi cho cả ngành hàng. Với tính chất nhạy cảm như ngành ngân hàng, nếu kịch bản này xảy ra, an ninh tài chính của cả nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.

Nhà nước không nên can thiệp quá sâu, mà nên để DN tự quyết định. Đặc biệt, với các DN đặc thù như ngân hàng, sở hữu của cổ đông nước ngoài có nhiều yếu tố phức tạp, nên càng cần để các ngân hàng tự quyết định. 

TS Nguyễn Đình Cung