Tuổi nghỉ hưu sẽ tăng đến 65?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/1, bên lề hội nghị triển khai công tác lao động, người có công và xã hội năm 2018, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh, tăng tuổi nghỉ hưu là điều chỉnh lâu dài và trong tương lai, tuổi làm việc sẽ kéo dài đến 65.

Không phải tất cả các ngành nghề đều tăng

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu 60 đối với nữ và 62 với nam, thực hiện từ năm 2021 xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, hơn 50 năm nay, Việt Nam chưa có điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, trong khi nhiều nước kéo dài tuổi làm việc đến 67. Tăng tuổi nghỉ hưu để thực hiện công ước CEDAW để không phân biệt đối xử về giới. Tổ chức Lao động quốc tế và Ngân hàng Thế giới khuyến nghị Việt Nam để đảm bảo cân bằng quỹ bảo hiểm xã hội dài hạn thì cần tăng tuổi nghỉ hưu.
Người lao động đang trả lời phỏng vấn DN tại sàn giao dịch việc làm Hà Nội. Ảnh: Thủy Trúc.
"Vẫn biết thanh niên thất nghiệp chiếm tỷ lệ cao và hàng năm vẫn có lực lượng tham gia thị trường lao động, nhưng chúng ta phải nhìn vào bối cảnh dân số Việt Nam hiện nay đang già hóa. Trước đây, mỗi năm có 1,5 - 1,7 triệu người tham gia vào thị trường lao động, nhưng hiện nay chỉ còn 800.000 - 900.000. Nhưng, hiện nay tốc độ già hóa dân số tăng cao, số người ra khỏi lực lượng lao động sấp xỉ bằng số người bước vào độ tuổi làm việc", Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phân tích.

Ông Diệp khẳng định, không phải tất cả các ngành nghề đều nâng tuổi nghỉ hưu lên thành 60 với nữ, 62 tuổi với nam. Trong dự kiến, cũng có những nhóm lao động, tuổi nghỉ hưu có thể cao hơn và có nhóm thấp hơn quy định, nhưng chênh lệch không quá 5 năm. Về lâu dài, tuổi nghỉ hưu sẽ tăng dần lên 65.

"Chúng ta quy định 60 và 62, nhưng vẫn có nhóm lao động nghỉ hưu ở tuổi 55 - 57, tùy thuộc vào lĩnh vực, nghề nghiệp họ làm. Chúng ta sẽ công bố những ngành nghề nặng nhọc, độc hại, đến độ tuổi nào đó, người lao động (NLĐ) không còn phù hợp làm trong lĩnh vực đó thì tuổi nghỉ hưu có thể sớm hơn", ông Diệp cho biết.

Những ngành nghề đòi hỏi lao động chất lượng cao, chuyên gia giỏi, lĩnh vực kiểm sát, tòa án... tuổi nghỉ hưu sẽ tăng. Hiện nay, trong Luật Tòa án, Luật Kiểm sát đã quy định nâng tuổi nghỉ hưu cho NLĐ. "Bộ LĐTB&XH sẽ phối hợp với các bộ, ngành đánh giá lao động chất lượng cao, những ngành đòi hỏi kỹ năng và nhiều kinh nghiệm cần nâng tuổi nghỉ hưu", ông Diệp thông tin.

Nhiều chính sách BHXH có lợi cho lao động

Với việc tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong tương lai những lao động làm công việc tay chân sẽ bị robot thay thế. Bởi vậy, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, trong chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ thiết kế thêm nhiều chính sách khác. Chẳng hạn, những người làm việc chân tay, đến một độ tuổi nào không đạt được năng suất như trước. có thể có chính sách hỗ trợ DN về BHXH, tiền lương để họ duy trì việc làm.
"Bảo hiểm thất nghiệp đang kết dư 60.000 tỷ động, nếu chúng ta hỗ trợ cho các lao động chân tay dễ bị sa thải sau độ tuổi 35, 40 khoảng 500.000 đồng/tháng thì chỉ cần 300 tỷ đồng là nửa triệu lao động không mất việc làm. Như vậy, những NLĐ đó vẫn có quyền hưởng các chế độ hưu trí", ông Diệp ví dụ.

Việc đóng BHXH sẽ tăng cường sự chia sẻ giữa người có thu nhập cao với người thu nhập thấp để đảm bảo tiền lương người về hưu vẫn đủ sống và không có khoảng cách quá lớn. Đây là tinh thần về đề án cải cách chính sách BHXH mà Bộ LĐTB&XH đang được giao để trình Hội nghị Trung ương 7 vào tháng 5/2018.

Trước những lo ngại về tăng tuổi làm việc, sẽ có số đông NLĐ xin về hưu sớm, ông Diệp cho biết, bất kỳ chính chính sách xã hội nào đều có lát cắt về thời gian theo các quy định pháp luật. Việc này Bộ LĐTB&XH có thể lường trước được, nhưng tất cả đều phải tôn trọng quyền của NLĐ lựa chọn ở lại hay rời khỏi hệ thống. Tinh thần của cải cách BHXH sắp tới sẽ tăng cường quyền lợi của những người bảo lưu. Bộ cũng đã tính đến phương án tiền lương tham gia vào quỹ hưu trí, mức đóng góp của DN sẽ là chia sẻ 14%, phần dóng góp của NLĐ 8% được hạch toán vào tải khoản cá nhân. Nếu NLĐ rời khỏi hệ thống, sẽ nhận phần của cá nhân đóng góp. Phần của DN đóng sẽ đưa vào quỹ chung để điều tiết, thu hẹp khoảng cách lương hưu. Sẽ có nhiều chính sách thiết kế để NLĐ tạo niềm tin và ở lại hệ thống.