Tương lai mịt mù cho Syria

Minh Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ tấn công hóa học tại thị trấn Khan Sheikhoun, tỉnh Idlib, Syria đã khiến tình hình nội chiến trở nên căng thẳng khi các bên liên tục đổ lỗi cho nhau.

Đây không phải là lần đầu tiên vũ khí hóa học tấn công khiến hàng ngàn dân Syria thiệt mạng, tạo ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất tại quốc gia Trung Đông. Nhưng vụ việc xảy ra ở thị trấn Khan Sheikhoun là vụ tấn công hóa học nguy hiểm nhất kể từ khi khí sarin giết chết hàng trăm thường dân ở Ghouta gần Damascus vào tháng 8/2013. 
Đây là vụ tấn công hóa học nguy hiểm nhất kể từ tháng 8/2013.

Các bức ảnh từ các hãng truyền thông nước ngoài cho thấy, nhiều người phải thở bằng mặt nạ oxy, trong khi những người khác gặp vấn đề về hô hấp. Chính phủ Mỹ cho rằng, chất hóa học được dùng trong vụ tấn công là chất sarin, thường được các lực lượng thân chính phủ Syria sử dụng. 
Cuộc tấn công này đã châm ngòi cho những buộc tội chính trị. Giới chức các nước phương Tây cũng lên tiếng cáo buộc Damascus đứng sau vụ tấn công và yêu cầu Liên Hợp quốc (LHQ) ra Nghị quyết về vụ việc. Tuy nhiên, quân đội Syria và lực lượng đồng minh, trong đó có Nga đã bác bỏ hoàn toàn việc sử dụng chất độc hóa học và đổ lỗi cho phe đối lập.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên án hành động tấn công bằng chất độc, nhưng đồng thời chỉ trích "sự yếu đuối" của người tiền nhiệm Barack Obama trong cách giải quyết với vấn đề Syria, và cho rằng vụ việc là "hậu quả của sự yếu kém của chính quyền tiền nhiệm”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thúc giục Nga và Iran sử dụng ảnh hưởng của mình với Syria và đảm bảo hành vi khủng khiếp này không tái diễn nữa.
 Nhiều trẻ em thiệt mạng trong vụ tấn công.
Hiện chưa đủ bằng chứng để xác định phía nào đã tiến hành vụ tấn công, bởi tình hình chiến sự tại Idlib khá phức tạp. Phần lớn tỉnh Idlib nằm dưới quyền kiểm soát của một liên minh nổi dậy bao gồm nhóm Fateh al-Sham từng là thành viên mạng lưới al-Qaeda.
Tỉnh Tây Bắc Syria này còn chịu sự tấn công từ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và cả lực lượng liên quân chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu. Dù lực lượng phải chịu trách nhiệm trong vụ việc vẫn chưa được sáng tỏ, nhưng điều này đã làm dấy lên nghi ngại về tiến trình hòa bình ở Syria. Trong bối cảnh các cuộc hòa đàm vẫn còn đang bế tắc, các lời đổ lỗi và cáo buộc trách nhiệm lẫn nhau khiến các bên càng thêm rạn nứt và khó tìm được tiếng nói chung để tìm kiếm một biện pháp cho cuộc nội chiến kéo dài 6 năm.
Bên cạnh đó, lời chỉ trích của Tổng thống Trump đối với sự yếu đuối của chính quyền Obama về vấn đề Syria cũng dự báo một cục diện phức tạp hơn cho cuộc nội chiến ở quốc gia Trung Đông. Lời chỉ trích rằng, chính quyền cựu Tổng thống Obama đã không quyết đoán trong việc thực hiện việc tiêu hủy, giám sát tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria, không chỉ là lời phê phán chính quyền tiền nhiệm trong vấn đề Syria. Ẩn ý đằng sau phát ngôn của ông Trump còn là sự lên án và cáo buộc trách nhiệm trực tiếp với Tổng thống al-Assad, đồng thời dự báo những hành động mới có thể cứng rắn hơn tại Syria.