“Túp lều lý tưởng” giữa dòng Diêm Điền

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mối nhân duyên giữa cô thôn nữ làng bên và chàng trai với cơ thể không lành lặn như sự sắp đặt từ số phận. Ngôi nhà hình trái tim nằm giữa dòng Diêm Điền (thôn Minh Quang, xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) của cặp vợ chồng tưởng chừng như “đôi đũa lệch” là công trình sau mấy chục năm do ông tay đắp đất làm đảo, dựng xây mà thành.

Đắp đảo, xây nhà
Quá trưa, trong cơn nắng hừng hực, oi nồng của tiết trời những ngày đầu mùa khô, ông Đa (tên thật là Phạm Đức Quang) vận bộ quần áo công nhân màu cam chống sào đi chăn trâu trên sông Diêm Điền. Thấy có khách đến chơi, ông nhanh chân đưa đò cập bờ để đón.
 Ông Đa dùng 1 tay chống sào đi chăn trâu trên sông Diêm Điền.
Chỉ với 1 cánh tay lành lặn, ông Đa lấy cây sào cắm xuống lòng sông, trụ vững, từng người cứ thế bước lên. Con đò 4 người, bao gồm cả ông Đa lướt trên mặt sông ra đến giữa dòng. Người phụ nữ đứng tuổi - bạn chăn trâu của ông Đa chỉ tay về hòn đảo nhỏ phía trước, tủm tỉm: “Túp lều lý tưởng của ông Đa bà Thủy kia kìa”.
Nghe hàng xóm nói, ông Đa vẫn lặng im. Cánh tay lành lặn duy nhất vẫn tiếp tục những động tác dứt khoát, con đò đều đều tiến về trước, đôi mắt ông lấp lánh niềm vui. Sau mỗi lượt sào, bùn kéo thành vệt nổi lên mặt nước thành đường dài.
Đò cập vào hông nhà, bên gốc cây bình bát lúc lỉu trái. Ông Đa bước lên bờ, ngồi xuống chõng tre, mồ hôi chảy thành giọt bên thái dương. Bà Phùng Thị Thủy đưa miếng dưa hấu đỏ tươi cho chồng giải cơn khát. Khi ông đang ăn ngon lành, bà vừa đưa tay lấy chiếc mũ trên đầu ông xuống, vừa phân bua: “Lấy mũ ra cho nhanh mát, mùa này nắng quá. Mấy đứa không biết ấy chứ, hồi xưa ổng đẹp trai lắm, giờ vất vả quá với lớn tuổi mới bớt đẹp đó”.
 Vợ chồng ông Đa bà Thủy - chủ nhân ngôi nhà có hình trái tim.
Ông Đa đang ăn dưa, nghe vợ nói vậy thì ngưng lại giây lát. Nghe vợ khen mình, ông cười tít mắt, gục gặc đầu tán thành.
Ngôi nhà của ông Đa bà Thủy nằm trên một ốc đảo giữa mênh mông trời nước, được bao phủ xung quanh bởi cây cối xanh rì này cũng có “sự tích” hẳn hoi. Đúng ra, nó là “kỳ tích” của người đàn ông khiếm khuyết về thân thể nhưng quá nhiều tình yêu làm nên.
“Hồi trước khu đất này chỉ là cái cồn nhỏ thôi. Ngày ngày ông Đa chống đò ra vào lùa vịt, lùa trâu đều đi ngang qua. Cách đây khoảng 25 năm, tự dưng có một ngày ổng kêu đổ đất đắp làm cái đảo ngay chỗ đó. Nói là làm, ổng miệt mài xúc đất rồi đưa ra sông đổ. Cồn đất cứ lớn dần, lớn dần... Tầm chục năm thì được cái đảo nhỏ chừng 400m2 này đây. Rồi trồng cây xung quanh giữ đất, dựng cái nhà, làm thêm chòi nuôi vịt. Trâu thì lùa vào đất liền. Thường vợ chồng tui ở đây luôn, 2 đứa con lúc nhỏ thì ở trong bờ với ông bà nội để tiện đi học. Giờ có gia đình, lo làm ăn nên cũng ít ra”, bà Thủy kể.
 Ngôi nhà và hàng rào lưới xung quanh có hình trái tim khi nhìn từ trên cao.
Phía ngoài đảo nhỏ chừng chục mét, ông Đa cắm mấy chục cọc tre xuống sông, giăng lưới để rào vài trăm con vịt. Vô tình, hàng rào của ông lại tạo thành hình trái tim.
“Mọi người cứ kêu tui làm tặng bả, nhưng khi làm có để ý đâu. Chừng mấy người vô tình chụp được thì thấy đúng giống trái tim thiệt. Nhưng nếu thực tình muốn tạo hình trái tim thì nó khác liền”, ông Đa cười ha hả.
Mỗi năm, vợ chồng ông Đa bà Thủy chỉ vào đất liền ở ngót nghét vài tháng mùa mưa bão. Còn lại, vợ chồng cứ túc trực trong căn nhà giữa sông.
Lâu thành quen, vợ chồng ông Đa bà Thủy dần không “khoái” đất liền mà chỉ thích ra sông ở. Ông Đa còn lấy gốc tre làm thành cái chõng để nằm nghỉ ngơi, hóng gió, vừa thoải mái, vừa mát mẻ.
Cặp đôi “đũa lệch”
Mới đó mà đã 33 năm bà Thủy làm vợ ông Đa. Cả 2 đều đã bước sang tuổi 56 tuổi. Bà Thủy không phải là người ở xã Tịnh Hòa. Quê của bà ở Tịnh Khê - xã lân cận nơi ông Đa sống. Dịp tình cờ, bà Thủy gặp ông Đa tại một đám cưới. Bà không biết ông, nhưng người bạn đi cùng bà lại biết.
 Ông Đa chăn trâu cùng người dân ở khu vực sông Diêm Điền.
“Ổng ăn diện lắm, quần áo đầu tóc bảnh bao. Mình nhà nghèo, thấy ổng chải chuốt vậy thì nghĩ chắc cũng ăn chơi, quen người này người kia. Trong đám cưới thấy ổng cứ ngồi im không gắp đồ ăn, tui mới nói “Tự nhiên đi anh”. Ông không đáp mà chỉ liếc liếc qua rồi cười”, bà Thủy hồi tưởng.
Ai dè, sau cuộc gặp gỡ tình cờ đó, ông Đa lại “đeo đuổi” bà Thủy sát sao, ngày ngày lại băng sông qua gặp chút xíu rồi về. “Hồi đó có bạn trai rồi mà ổng cứ theo hoài luôn, mình đi xem phim ngoài bãi, đứng nói chuyện với bạn trai ổng cũng cà rà quanh đó”, bà Thủy hóm hỉnh kể.
Mãi đến 4, 5 tháng sau, khi tin đồn ông Đa theo bà Thủy lan rộng, người bạn bà Thủy biết chuyện đã can ngăn vì ông Đa không được lành lặn như những người khác.
“Hồi lớp 6 ổng bị trúng đạn M79 nên mất 1 bàn tay, tai cũng bị ảnh hưởng. Có điều ổng mặc áo dài tay, rồi cứ đút vào túi quần nên mình đâu có biết”, bà Thủy nói.
Từ ngày biết chuyện, bà Thủy càng “né” ông Đa. Nhưng ông cứ kiên trì không bỏ cuộc, mặc kệ chuyện bà Thủy đã có bạn trai.
“Hồi gặp bả ở đám cưới là trúng tiếng sét ái tình luôn đó, nên cứ theo chứ không nghĩ gì khác”, ông Đa lại cười.
Như duyên trời định sẵn, chuyện của bà Thủy với bạn trai cũng không thành. Bà Thủy lại dần bị chân tình của ông Đa làm cho cảm động và thuận ý để người lớn gia đình đôi bên gặp mặt.
“Ba ổng từ xã Tịnh Hòa đi qua xã Tịnh Khê kiếm nhà tui, chẳng biết ông trời sắp đặt thế nào, người đầu tiên ổng hỏi đã đưa về đến tận nhà tui. Người chỉ đường không ai khác, chính là ba tui”, bà ngẫm nghĩ.
Sau khi ăn hỏi, những lời bàn tán xôn xao về cô Thủy xinh gái nhất làng sắp cưới anh Đa “cụt” khiến gia đình bà Thủy dao động. Bản thân bà cũng mơ hồ, lo lắng cho tương lai rồi nhiều lần nhùng nhây hoãn cưới. Mãi đến 3 năm sau đó, khi ông Thái - cha bà Thủy qua đời, thấy ông Đa lo trọn vẹn đám tang cho cha mình bằng một cánh tay còn lại của mình, bà Thủy xóa hết mọi băn khoăn, gật đầu làm đám cưới.
Những ngày đầu về ở với nhau, lời ong tiếng ve về cặp đôi “đũa lệch” vẫn còn. Nhưng dần dà, người ta lại so bì, ghen tỵ với bà Thủy vì ông Đa làm giỏi quá, chăm vợ con khéo quá.
“Chỉ 1 tay lành lặn thôi nhưng ổng làm được hết. Ngoài nuôi trâu, nuôi vịt, mình ổng còn chống sào chở lúa về. Nhà trồng hơn một mẫu lúa chứ đâu ít. Quen với con nước, ổng còn làm thủy lợi cho địa phương, canh điều chỉnh con đập Hòa Khê, ngăn nước mặn xâm nhập và cánh đồng của xã. Nhiều khi nghĩ người bình thường, lành lặn chưa chắc làm được như ổng nữa”, bà Thủy tự hào.
Ông Đa có chút “máu” nghệ sĩ, thích ca hát, không giàu có gì nhưng thỉnh thoảng lại ghé chợ mua hoa tặng bà Thủy. “Có với nhau 2 mặt con. Vợ chồng chẳng tránh được lúc giận hờn, cãi cọ. Nhưng ổng “ghê” lắm, toàn chọc tui cười để hết giận”, bà Thủy hóm hỉnh.
 Cặp đôi ''đũa lệch'' đã có 33 năm là vợ chồng.
“Bà Thủy không bao giờ bắt nạt được tui đâu. Có điều cãi nhau thì tui xuống nước trước. Nhường vợ chứ nhường ai đâu mà ngại”. Dứt lời, ông Đa nhìn bà Thủy, bắt gặp bà Thủy đang nhìn lại mình, cả 2 cùng bật cười. Tiếng cười giòn tan như lan ra trên mặt nước lao xao.  Ngoài kia, gió từ sông thổi vào, lồng lộng.