Tuy Lai - làm giàu từ nuôi dê núi

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mặc dù nghề nuôi dê mới "bén duyên" đất Tuy Lai (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) hơn chục năm, nhưng dê núi đã mang lại cuộc sống sung túc cho nhiều hộ dân ở đây.

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là núi Nách Hang Trâu - nơi có đàn dê của gia đình anh Mai Văn Nhã, thôn Quýt Ba, xã Tuy Lai. Tiếp chuyện chúng tôi, anh Nhã cho biết, đã gắn bó với nghề nuôi dê núi được 6 năm kể từ khi nhận thầu núi này của xã. Vừa đảm nhận trông nom rừng, gia đình anh còn nuôi thêm dê, gà, bò. Ban đầu chỉ nuôi vài con, nay đàn dê ngày một nhiều, lúc cao điểm gia đình anh có đến 200 con dê.

 

Rời khu núi Nách Hang Trâu, chúng tôi tới trang trại của anh Nguyễn Văn Bản, thôn Giữa Quýt nằm chênh vênh trên đỉnh núi. Từ năm 1995, gia đình anh Bản đã bắt đầu nuôi dê núi. Ban đầu gia đình anh Bản đầu tư gần chục triệu đồng mua 10 con dê giống, nay đàn dê lên đến ngót 400 con. Hiện gia đình anh nhận thầu thêm 100ha rừng để chăn thả dê. Không chỉ cung cấp dê thịt, gia đình anh còn bán dê giống và sẵn sàng giúp đỡ các hộ trong thôn về kỹ thuật, cách chăm sóc đàn dê. Theo tính toán, nếu chăn nuôi thuận lợi, không bị dịch bệnh, mỗi năm gia đình anh cũng thu được 300 - 400 triệu đồng tiền lãi.

 

Ông Phùng Thế Nhâm, Phó Chủ tịch UBND xã Tuy Lai cho biết, đầu những năm 1990, thực hiện Chương trình 327 (về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt đất), con dê đã được đưa về Tuy Lai. Là xã có diện tích đất rộng, có cả sông, hồ, núi và cả rừng (diện tích 815ha), địa hình núi đá, có nguồn thức ăn dồi dào... đây là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đàn dê.  Từ một vài hộ ban đầu (mỗi hộ 5 - 7 con), đến nay Tuy Lai đã có 15 hộ nuôi dê trên núi với số lượng khoảng 2.000 con. Nhờ nuôi dê, nhiều hộ dân Tuy Lai đã thoát nghèo, có của ăn, của để… 

 

Mặc dù nuôi dê núi đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng nếu chăn nuôi chỉ dựa vào kinh nghiệm theo lối quảng canh như hiện nay thì khó trở thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và ổn định được. Vì vậy, theo ông Nhâm, để tạo dựng được nghề nuôi dê núi ổn định, người dân trong xã rất cần sự giúp đỡ của  các các cơ quan chuyên môn, tạo sự liên kết "bốn nhà" trong sản xuất và tiêu thụ.

 

           

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần