Tuyên án vụ “Đại án” tham nhũng tại Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 7/1, sau quá trình nghị án kéo dài, HĐXX TAND TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết đối với 18 bị cáo trong vụ “đại án” tham nhũng tại Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội gây thiệt hại gần 2.500 tỷ đồng.

Theo đó, đối với hành vi “Vi phạm quy định về cho vay đối với các tổ chức tín dụng”, HĐXX khẳng định, bị cáo Phạm Thị Bích Lương - Giám đốc Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội, bản án sơ thẩm nêu đã chỉ đạo lập hồ sơ cho vay nhưng không thẩm định dự án, không thẩm định vay vốn mà dựa trên hồ sơ của doanh nghiệp cung cấp. Chỉ đạo việc giải ngân, nâng quyền phán quyết cho Công ty LD Lifepro Việt Nam trái với nghị quyết của HĐQT Agribank… Tài sản thế chấp không phù hợp nhưng vẫn chấp nhận là tài sản thế chấp để thực hiện giải ngân. Nghị quyết 77 của HĐQT chỉ cho giải ngân 35 triệu USD mua thương hiệu nhưng Lương vẫn chỉ đạo giải ngân 50 triệu USD để mua thương hiệu… Hành vi của bị cáo là trái quy định của pháp luật, khiến Agribank thiệt hại gần 2.500 tỷ đồng. Hành vi này đã cấu thành tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Tuyên án vụ “Đại án” tham nhũng tại Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội - Ảnh 1
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 7/1
Với bị cáo Chử Thị Kim Hiền - nguyên Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội, đã không tổ chức kiểm tra trước và sau cho vay nên không phát hiện được ngân hàng bị lừa đảo. Hiền trực tiếp giải ngân cho DN 19 lần. Ngoài ra, bị cáo còn tham gia lập hồ sơ đề nghị nâng quyền phán quyết; tham gia đệ trình lên Agribank Việt Nam nâng quyền phán quyết; tham gia thẩm định, giải ngân và cố tình bỏ qua các quy định về cho vay. Các hành vi của Hiền đều làm theo chỉ đạo của Lương đã gây thiệt hại cho  Agribank hơn 2.000 tỷ đồng.

Các bị cáo Trương Thị Út, Đỗ Tiến Long, Đặng Quang Chung, Nguyễn Thị Nguyệt Thanh, Nguyễn Hữu Thanh, theo bản án sơ thẩm, hành vi của các bị cáo đủ cơ sở khẳng định phạm tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Đa số các bị cáo đều làm theo chỉ đạo của bị cáo Lương. Hành vi của các bị cáo gây thiệt hại nghiêm trọng cho Agribank. Một số bị cáo cho rằng mình không phạm tội vi phạm trong cho vay mà chỉ thiếu trách nhiệm, tuy nhiên, HĐXX xác định không có cơ sở.

Đối với quan điểm của các luật sư cho rằng cần trả hồ sơ, HĐXX cho rằng, căn cứ kết quả tranh tụng tại tòa đủ cơ sở khẳng định hành vi của các bị cáo không cần thiết phải trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Về hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” có 4 bị cáo gồm: Phạm Thị Bích Lương, Chử Thị Kim Hiền, Lê Minh Hiếu - lãnh đạo hai Công ty CP Liferpo Việt Nam và Vietmade và Phạm Thanh Tân - nguyên Tổng Giám đốc Agribank. Trong hành vi này, các bị cáo đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân hàng; hành vi của các bị cáo có yếu tố vụ lợi vì Hiếu đã lại quả sau hợp đồng liên kết cho các bị cáo là 3 tỷ đồng.

Đối với bị cáo Tân, theo bản án, đã ký cho chi nhánh vay tổng cộng 75 triệu USD, thực hiện ký việc cho vay ngoài kế hoạch bằng vốn của trụ sở chính trái với Nghị quyết của HĐQT và một số văn bản quy phạm liên quan. Bị cáo Tân cũng đã được Lương đưa 5 lần tổng cộng 300.000 USD. Hành vi của bị cáo trong hành vi này có dấu hiệu của tội “Đưa hối lộ và nhận hối lộ”. Trong khuôn khổ xét xử, do bị truy tố theo tội “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn” nên tòa xem xét đối với các bị cáo về tội danh này. Tuy nhiên, HĐXX sẽ kiến nghị xem xét các bị cáo tội danh “Đưa hối lộ và nhận hối lộ”.

Đối với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, bị cáo Tân đã thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện chức trách Tổng Giám đốc khi thiếu kiểm tra tờ trình của chi nhánh về nâng quyền phán quyết; thiếu trách nhiệm trong việc ký đề nghị nâng quyền phán quyết đồng thời thiếu trách nhiệm trong việc giám sát Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội thực hiện nghị quyết của HĐQT. Hậu quả, Ngân hàng Agribank không có khả năng thu hồi số tiền gần 2.000 tỷ đồng. Đối với các bị cáo khác bị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, HĐXX xác định, đủ cơ sở xác định, quy kết tội danh này đối với các bị cáo là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Đối với các bị cáo thuộc nhóm cán bộ Hải quan Hà Tây (cũ), theo bản án, bị cáo Nguyễn Thị Thúy Hằng và Đỗ Thị Liên Hương đã ân hạn sai quy định 3 tờ khai hải quan đối với Công ty CP Enzo Việt nên gây thất thoát thuế cho nhà nước. Với bị cáo Lương Thị Yên - nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hà Tây, với trách nhiệm lãnh đạo trực nhiệm vụ đã thiếu kiểm tra, phát hiện công chức Hằng và Hương trong việc ân hạn thuế. Bị cáo Yên đã không làm hết trách nhiệm của mình theo quy định của ngành hải quan. Hậu quả, Công ty CP Enzo Việt được ân hạn thuế hơn 13 tỷ đồng không đúng quy định.

Bị cáo Phạm Tuấn Khanh - nguyên cán bộ công chức Hải quan chịu liên đới trách nhiệm về hậu quả số tiền ân hạn thuế không đúng quy định hơn 62 tỷ đồng. Theo HĐXX, các bị cáo nhóm hải quan bị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là có căn cứ, đúng pháp luật.

Theo HĐXX, hành vi của các bị cáo cần phải có hình phạt nghiêm khắc mới đủ sức răn đe. Tuy nhiên, HĐXX cũng cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với các bị cáo trong vụ án này. Từ những nhận định trên, HĐXX tuyên phạt: Bị cáo Phạm Thị Bích Lương và Chử Thị Kim Hiền đều 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, 15 năm tù  về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, tổng hợp hợp hình phạt là 30 năm tù.

6 bị cáo bị tuyên phạt về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” gồm: Đỗ Tiến Long - cán bộ phòng tín dụng 16 năm tù. Nguyễn Thị Nguyệt Thanh - nguyên Trưởng phòng Thanh toán quốc tế 13 năm tù. Nguyễn Hữu Thanh - nguyên Phó Trưởng phòng Thanh toán quốc tế 13 năm tù. Đặng Quang Chung - nguyên Phó Trưởng phòng phục trách phòng tín dụng 15 năm tù. Hoàng Thị Thu Hiền - nguyên Trưởng phòng tín dụng 2 năm tù. Trương Thị Út - nguyên Trưởng ban Tín dụng doanh nghiệp 7 năm tù.

Đối với nhóm cựu lãnh đạo của Agribank Việt Nam gồm: Bị cáo Phạm Thanh Tân - nguyên Tổng Giám đốc Agribank bị tuyên phạt 13 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và 9 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng hợp hình phạt là 22 năm tù. Các bị cáo Hoàng Anh Tuấn - nguyên Ủy viên HĐQT bị tuyên phạt 6 năm tù, Kiều Trọng Tuyến - nguyên Phó Tổng Giám đốc Agribank Việt Nam bị tuyên phạt 4 năm tù, Đỗ Quang Vinh - Trưởng ban tín dụng doanh nghiệp bị tuyên phạt 4 năm tù, Phan Quý Dương - nguyên Chuyên viên ban Tín dụng doanh nghiệp bị tuyên phạt 5 năm cùng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đối với nhóm cán bộ Chi cục Hải quan Hà Tây gồm: Bị cáo Lương Thị Yên bị tuyên phạt 30 tháng tù, Hoàng Tuấn Khanh bị tuyên phạt 30 tháng tù, Đỗ Thị Liên Hương bị tuyên phạt 30 tháng tù, Nguyễn Thị Thúy Hằng bị tuyên phạt 30 tháng tù cùng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Riêng bị cáo Lê Minh Hiếu - Giám đốc Công ty CP Vietmade và Công ty CP Lifepro bị tuyên phạt 15 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Các bị cáo cũng phải liên đới bồi thường thiệt hại cho Agribank số tiền gần 2.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, HĐXX kiến nghị cơ quan tố tụng cần làm rõ tội danh “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” đối với hai bị cáo Phạm Thị Bích Lương và Phạm Thanh Tân.