Tuyến đê Tả Bùi - Hữu Đáy kêu cứu

Trực Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa ngăn lũ, vừa là tuyến giao thông huyết mạch của nhiều xã thuộc huyện Chương Mỹ, nhưng đến nay, hai tuyến đê Tả Bùi – Hữu Đáy đã xuống cấp. Chỉ những đoạn đã quá nghiêm trọng mới được khắc phục theo kiểu “xử lý cấp bách”, vì vậy việc đi lại của người dân vô cùng khổ sở.

Mặt đê Hữu Đáy đoạn chạy qua xã Phú Nam An đã hư hỏng nặng. Ảnh: Trực Nguyên
Không thể gọi là đường
Cùng là vệt xã nằm ở vùng Miền Đáy (gồm Thụy Hương, Lam Điền, Hoàng Diệu, Thượng Vực, Văn Võ, Phú Nam An, Hòa Chính…), nhưng mỗi khi có việc phải lên trung tâm huyện Chương Mỹ, người dân ở các xã Phú Nam An, Văn Võ lại phải chọn đường đê Hữu Đáy đang xuống cấp nghiêm trọng. Vốn được cứng hóa bằng bê tông, nhưng từ lâu mặt đê Hữu Đáy đã biến dạng hoàn toàn, xuất hiện không ít sống trâu, ổ voi. Nhiều chỗ gãy nứt cả đoạn dài hàng chục mét. Mưa gió lâu ngày khiến mặt đường bị xói lở làm lộ ra những hàm ếch, sơ ý một chút, tai nạn là điều khó tránh khỏi.

Phía Hữu Bùi tình trạng cũng không khá hơn, từ xã Thanh Bình đến xã Đồng Phú, mặt đường đê cũng nham nhở không kém. Sụt lún, nứt, hàm ếch, ổ trâu, ổ voi đang tồn tại trên suốt dải đê này. Nhưng người dân ở các xã nằm ven đê Hữu Bùi cũng khó có sự lựa chọn nào nếu muốn ra Quốc lộ 6 hoặc tỉnh lộ 419B, bởi Tả Bùi là tuyến giao thông duy nhất. Để có tư liệu thực tế cho bài báo, chạy trên các tuyến đê này, chúng tôi không ít lần phải xuống xe, kẻ căn đường, người dò từng bước để đi qua hai tuyến đê nói trên.

“Các anh chỉ đi một lần đã thấy khiếp, nhưng nhiều năm qua, hàng ngày chúng tôi vẫn phải đi lại trên tuyến đường ấy, chẳng có cách nào khác để ra được khỏi làng!”- ông Nguyễn Trường, thôn Tinh Mỹ, xã Trung Hòa chia sẻ. Ông Nguyễn Công Hà (tài xế taxi ở quận Hà Đông) kể: "Cách đây vài tuần, có bệnh nhân thuê tôi đưa họ từ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông về Phú Nam An. Nhìn qua bản đồ thấy gần nên tôi gật đầu, ngờ đâu trời tối, đường đê thì nát toang, lần mò mất gần 2 tiếng mới đến nơi. Tính ra, 200.000 đồng tiền cước không đủ xăng và sơn vá những trầy xước do va chạm mang lại. Lần sau có ai thuê xe về đó thì đắt mấy cũng xin cạch!".

Chưa có giải pháp hữu hiệu…

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Hòa Chính Trần Văn Trung cho biết: Đê Tả Đáy chạy qua địa bàn xã chỉ 3km, được cứng hóa từ 2006, đến nay đã xuống cấp trầm trọng. Mặt đường đã vỡ vụn nhiều năm nay, do đó xã phải vận động người dân tự đổ đất, đá mạt “cấp phối” tạm thời để đi lại. “Giao thông ở xã chúng tôi quá khó khăn, chính vì vậy ai muốn đi lại đều phải tìm đường để tránh; khách khứa đến thăm xã, ai cũng kêu. Vận chuyển vật tư, vật liệu phục vụ sản xuất, bao giờ cũng phải chịu cước phí cao hơn thì cánh lái xe mới chịu chuyên chở”- ông Trần Văn Trung nói. Trong khi đó, theo Chủ tịch UBND xã Văn Võ Đỗ Hữu Toan: "Do đi lại khó khăn, thương mại dịch vụ của xã rất kém phát triển. Cả xã chỉ có mấy quán tạp hóa, vài cái chợ cóc phục vụ kiểu “tự cung tự cấp”. Cứ đà này thì chưa biết đến bao giờ Văn Võ mới… có điều kiện phát triển".

Cùng chia sẻ, Chủ tịch UBND xã Quảng Bị Vũ Văn Mạnh cho biết: “Xã có 2,5km đê Tả Bùi chạy qua, đến nay toàn bộ đã xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên 700 hộ dân với gần 4.000 nhân khẩu hàng ngày vẫn phải lưu thông trên đoạn đường này bởi muốn ra trung tâm xã hoặc lên huyện không còn lối nào khác”.

Lãnh đạo các xã ở đây cũng như người dân mong mỏi, huyện và TP có giải pháp tổng thể để cải tạo mặt đường hai tuyến đê này, việc sửa chữa theo kiểu chống xuống cấp sẽ không giải quyết được triệt để vấn đề, bởi "cứ vá được chỗ này – sẽ hỏng chỗ kia”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần