Tuyến đường Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy: Hư hỏng, chắp vá, mất an toàn giao thông

Hải Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều đơn vị thi công đào lên, lấp xuống, khiến tuyến đường Hồ Tùng Mậu - Cầu Giấy, đặc biệt là đoạn từ nút giao Phạm Văn Đồng - Cầu Giấy hư hỏng trầm trọng. Trong khi chờ đợi dự án nâng cấp, rất cần cơ quan chức năng có biện pháp duy tu, sửa chữa tạm thời để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT).

Mặt đường trước cửa nhà số 302 Cầu Giấy hư hỏng, hằn lún nặng nề. Ảnh: Hải Phương
Nhiều vị trí xuống cấp
Thời gian qua, báo Kinh tế & Đô thị nhận được nhiều phản ánh của người dân về tình trạng xuống cấp, hư hỏng trên tuyến đường Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy, gây ảnh hưởng đến trật tự, ATGT. Ghi nhận thực tế cho thấy, phản ánh này là đúng. Khoảng 3km đường từ ngã tư Nhổn - Cầu Giấy xuất hiện đoạn bong tróc, trồi sụt, cao thấp không đều. Một số vị trí nứt vỡ, hằn lún sâu, thậm chí có đoạn còn bị cào bóc hết cả lớp mặt đường nhựa.

Đại diện Công ty CP Công trình giao thông 2 Hà Nội - đơn vị được giao quản lý, duy tu tuyến đường cho biết, các vị trí hư hỏng nặng nhất có thể kể đến như trước cửa các số nhà 5, 386 Hồ Tùng Mậu; số 29, 199 Cầu Diễn... sau khi đấu nối cống thoát nước bị lún sâu. Đoạn tuyến trước số 302 Cầu Giấy, sau khi cải tạo, lát đá, bó vỉa lại vỉa hè, mép đường giáp bó vỉa bị bong bật tạo thành rãnh sâu chưa được khắc phục. Nhiều vị trí khác trên đường Hồ Tùng Mậu - Cầu Giấy mặt đường lún võng, nắp hố ga trồi lên, hoặc có chỗ nửa mặt đường chênh cao, gồ ghề khiến việc lưu thông rất khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ cao mất ATGT.

Liên quan đến thông tin do thi công tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, gây hư hại mặt đường, Phó Trưởng ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, đơn vị đã hoàn trả mặt đường từ lâu, việc hư hại có thể do nhiều công trình khác cũng thi công trên tuyến cùng thời điểm hoặc sau dự án. Tháng 12/2019, Ban đã phối hợp với các đơn vị chức năng để tiến hành kiểm đếm khối lượng và thống nhất bàn giao 100% phạm vi hoàn trả thuộc địa bàn thi công của dự án từ Ngã tư Nhổn - Cầu Giấy cho đơn vị quản lý đường. Hiện còn tồn tại một số vị trí chân đế bằng thép của cột cổng hàng rào và một số đoạn đã hoàn trả mặt bằng nhưng có sự chênh lệch, cao thấp sẽ được Ban chỉ đạo các nhà thầu khắc phục để bảo đảm êm thuận tháng 9 tới.

Cần sửa chữa tạm thời

Đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, tuyến đường Hồ Tùng Mậu - Cầu Giấy nằm trong phạm vi dự án “Tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án tuyến ĐSĐT số 3 Hà Nội”, được phê duyệt năm 2014, điều chỉnh năm 2018.

Mục tiêu của dự án là phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng đa phương thức, thân thiện môi trường; khuyến khích hành khách chuyển từ sử dụng các phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Dự án gồm 3 hợp phần:

Thứ nhất là xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị phục vụ tiếp cận 12 nhà ga của tuyến ĐSĐT số 3 Hà Nội, xây dựng các cầu cho người đi bộ và đường hè xung quanh khu vực nhà ga. Trong đó có cải tạo mặt đường, vỉa hè đoạn đường Xuân Thủy - Cầu Giấy (từ Ga S6 - S8).

Thứ hai là các giải pháp giao thông công cộng, thí điểm sử dụng loại xe buýt có lượng phát thải thấp và công nghệ mới, sử dụng hệ thống giao thông thông minh (ITS), cải thiện các trạm dừng xe buýt...

Thứ ba là nghiên cứu các chính sách và quy định với nội dung chính: Khuyến khích sử dụng giao thông công cộng; hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân; hạn chế phát thải. Tổng mức đầu tư của dự án lên đến 58,95 triệu USD bằng nguồn vốn ODA do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ; dự kiến hoàn thành vào năm 2022. “Dự án đang triển khai thiết kế bản vẽ thi công và đang thực hiện điều chỉnh theo văn bản số 298/UBND - ĐT ngày 25/1/2021 của UBND TP để phù hợp với thời điểm hiện tại và loại bỏ các nội dung trùng lặp, tránh lãng phí” - vị này thông tin.

Như vậy, trước mắt, tuyến đường Hồ Tùng Mậu - Cầu Giấy sẽ còn tiếp tục chờ điều chỉnh và triển khai dự án toàn diện. Tuy nhiên, thực trạng mặt đường xuống cấp, hư hỏng đang gây ảnh hưởng rất lớn đến trật tự, ATGT trên tuyến. Anh Vũ Công Khoa (Liên Trung, Đan Phượng) - người hàng ngày lưu thông qua tuyến đường này chia sẻ: “Cơ quan chức năng của TP cần có biện pháp tạm thời, sửa chữa mặt đường trên tuyến cho êm thuận, bảo đảm an toàn cho người dân lưu thông, đồng thời giảm UTGT. Cứ để thế này đến lúc triển khai dự án lớn thì khổ cho người dân”.
Dọc tuyến đường từ ngã tư Nhổn về ngã tư Cầu Giấy còn có nhiều đơn vị thi công của các dự án khác cùng tham gia thi công như hệ thống cấp thoát nước, viễn thông, điện lực của TP, nên có thể có sự nhầm lẫn khi cho rằng tuyến đường xuống cấp do thi công ĐSĐT mà không được hoàn trả.

Phó Trưởng ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần