Tuyển sinh đại học 2020: Muôn kiểu lọc đầu vào

Nguyễn Bùi Tam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến thời điểm này, hầu hết các trường đại học (ĐH) đã công bố phương án tuyển sinh. Có trường chỉ dùng 1 phương án, nhưng có trường lại kết hợp đến 5 phương án khác nhau để lựa chọn thí sinh.

Xét học bạ kiểu “đặt gạch”
Xét học bạ là phương án được nhiều trường ĐH sử dụng trong mùa tuyển sinh năm nay. Tuy nhiên, theo Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thu Thủy, các trường không công bố trúng tuyển trước khi tốt nghiệp THPT. Với “nhắn nhủ” này từ phía lãnh đạo Bộ GD&ĐT, các trường ĐH đã sáng tạo nhiều phương án để vừa bảo đảm thu hút lượng thí sinh cần thiết theo chỉ tiêu, vừa tránh được việc có thể bị Bộ “tuýt còi”.
Cụ thể, theo Phó Hiệu trưởng trường ĐH Việt Đức Hà Thúc Viên, mỗi trường sẽ có các phương án xét tuyển học bạ khác nhau (có nơi nhận hồ sơ trực tiếp, có nơi nhận trực tuyến) và đồng thời cũng đưa ra phương thức thông báo trúng tuyển linh hoạt.
 Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tại trường THPT Việt Đức. Ảnh: Công Hùng
Thông thường, khi thí sinh nộp hồ sơ, các trường sẽ thông báo thí sinh ở dạng “trúng tuyển có điều kiện”, có nghĩa đã gần như bảo đảm các điều kiện để trở thành tân sinh viên của nhà trường. Tuy vậy, những thí sinh này sẽ chỉ được nhà trường công bố trúng tuyển chính thức khi tốt nghiệp THPT.
Dù không thông báo “trúng tuyển có điều kiện”, nhưng trường ĐH Nguyễn Tất Thành hay trường ĐH Duy Tân đưa ra phương án theo dạng “đặt gạch” khi thí sinh nộp hồ sơ, học bạ. Chia sẻ về cách thức này, TS Trương Quang Trị - Phó trưởng Khoa Du lịch và Việt Nam học, trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết, thí sinh sẽ được xem xét điểm số ở 5 học kỳ (không tính học kỳ 2 lớp 12). Sau khi được xác định trúng tuyển, các thí sinh này sẽ phải chờ đợi đến lúc được cấp giấy chứng nhận tạm thời THPT thì có thể nhập học.
Dùng đến 5 phương án tuyển sinh
Do được tự chủ tuyển sinh, năm nay có trường thậm chí dùng đến 5 phương án khác nhau. Đơn cử, với trường ĐH Nguyễn Tất Thành, có 5 phương thức xét tuyển: Xét kết quả thi THPT; xét kết quả học bạ; tổ chức kỳ thi riêng; xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh; xét tuyển thẳng. Trong 5 phương thức này, việc xét tuyển học bạ chiếm 50% tổng thí sinh đầu vào của nhà trường.
Mục tiêu sẽ đón 5.800 tân sinh viên năm 2020, trường ĐH Kinh tế Quốc dân đưa ra 3 phương thức tuyển sinh: Xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT; xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và xét tuyển kết hợp.
Tương tự, ở trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhà trường đưa ra 3 phương thức: Xét tuyển thẳng; xét tuyển kết hợp và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Lưu ý về phương thức xét tuyển kết hợp, TS Trần Trung Kiên - Trưởng Phòng Tuyển sinh trường ĐH Bách Khoa Hà Nội nhấn mạnh, Hội đồng tuyển sinh chốt phương án thi bổ sung dưới hình thức một bài kiểm tra tư duy theo yêu cầu đặc thù của khối ngành kỹ thuật. Điểm bài thi được sử dụng kết hợp với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT (Toán - Lý hoặc Toán - Hóa) để xét tuyển.
Theo chia sẻ của ông Kiên, phương thức xét tuyển kết hợp chỉ áp dụng cho khối ngành kỹ thuật và kinh tế, dự kiến lấy từ 30 - 35% chỉ tiêu.
“Nên kết hợp nhiều phương án”
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, để có được chất lượng đầu vào tốt nhất nên kết hợp nhiều phương án tuyển sinh, trong đó có các điều kiện cần và điều kiện đủ.
Ông Triệu nêu quan điểm: “Nếu xét tuyển thuần theo điểm thi có thể thí sinh sẽ không có ngoại ngữ tốt. Còn nếu chỉ nhăm nhăm tập trung cho chất lượng ngoại ngữ, có thể thí sinh sẽ rơi vào tình huống các môn học cơ bản yếu, chính vì thế xét tuyển kết hợp sẽ khắc phục những khiếm khuyết này”.
Luận bàn về phương án chỉ xét học bạ, TS Bùi Đức Triệu cho rằng, sẽ là thiếu công bằng với các thí sinh. Bởi lẽ, có thể nơi khó, nơi dễ, có một số nơi “học bạ long lanh”, nhưng có một số nơi khác lại chặt chẽ hơn. “Để tránh tình huống phụ thuộc vào học bạ trong khi chúng ta chưa chắc chắn về nó, do vậy, sau khi xét học bạ, các trường có thể tính toán đến 2 điểm nữa, ví dụ học bạ thí sinh là học sinh giỏi, cần xem xét điểm môn Toán để bổ sung” - ông Triệu đặt giả thiết.
Liên quan tính phân hóa của đề thi tốt nghiệp THPT, có thể gây khó khăn cho công tác tuyển sinh nếu trường ĐH sử dụng kết quả này, ông Triệu quả quyết: “Không đáng lo!”. Theo phân tích của Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Bộ GD&ĐT đã có 4 năm chuẩn hóa ngân hàng đề thi THPT, do vậy, cho dù năm nay độ khó của đề sẽ giảm, sẽ có nhiều thí sinh “qua” với các điểm trung bình, còn từ điểm 7 trở lên sẽ có phân hóa thí sinh.
Trước những điều chỉnh linh hoạt về công tác tuyển sinh ở các trường ĐH, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho rằng, dù như thế nào, trong tuyển sinh, các trường phải tổ chức trong nhẹ nhàng, đáp ứng được các yêu cầu và thí sinh an tâm, dư luận đồng tình. “Các trường phải rà soát thật kỹ thông tin liên quan đến tuyển sinh trước khi công bố công khai. Bộ GD&ĐT sẽ thanh, kiểm tra nội dung này” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.

"Để có được chất lượng đầu vào tốt nhất nên kết hợp nhiều phương án tuyển sinh, trong đó có các điều kiện cần và điều kiện đủ." - Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, trường ĐH Kinh tế Quốc dân TS Bùi Đức Triệu