Tuyển sinh đại học: Linh hoạt để tránh phụ thuộc vào kỳ thi THPT quốc gia

Nguyễn Bùi Tam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, nhiều chuyên gia giáo dục nhận định có thể không tổ chức được kỳ thi THPT quốc gia. Nếu tình huống này xảy ra, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tuyển sinh đại học.

Học sinh lớp 12 học trực tuyến trong những ngày nghỉ học do dịch Covid-19. Ảnh: Ngọc Dương
Nơi xét học bạ
Khi đặt vấn đề dịch bệnh có thể làm ảnh hưởng đến kỳ thi THPT quốc gia, phần lớn lãnh đạo các trường đại học đều mong muốn Bộ GD&ĐT xem xét, nếu vẫn tổ chức được kỳ thi là tốt nhất. Tuy vậy, trong tình huống khách quan, không thể tổ chức thi, các trường đã tính đến các phương án khác nhau, trong đó có việc xét học bạ.
Cụ thể, theo PSG.TS Trần Hoàng Hải - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, các trường đều tự chủ trong đào tạo, trong đó có tuyển sinh. Với tình huống không thể tổ chức kỳ thi THPT, nhà trường sẽ xem xét đến kết quả học tập trong học bạ và sẽ tập trung ở 5 kỳ học (không tính kỳ 2 lớp 12 do ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh). Tuy nhiên, cũng theo ông Hải, việc xét học bạ là bất đắc dĩ, bởi lẽ kết quả ở kỳ thi THPT vẫn bảo đảm tính công bằng hơn cả và nếu chỉ xét học bạ, có thể ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào ở mỗi nhà trường.
Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng, với tính linh hoạt trong tuyển sinh, giả thiết kỳ thi THPT không diễn ra, nhà trường sẽ chuyển sang xét học bạ và xét tuyển thẳng học sinh các trường chuyên. Hay, với trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi – Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho rằng, học bạ là yếu tố quan trọng trong quá trình tuyển sinh khi không tổ chức thi THPT. Ngoài ra, nhà trường sẽ xem xét các yếu tố khác, như đặt thêm một số tiêu chí để sơ tuyển, sau đó tổ chức kỳ thi riêng cho thí sinh đủ điều kiện.
Nơi tổ chức kỳ thi riêng
Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội được coi là nơi “nổ phát súng đầu tiên” cho việc công bố một kỳ thi riêng để tuyển sinh đại học. Theo đó, trao đổi với phóng viên, thầy Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho hay, việc trường tổ chức kỳ thi riêng với 2 mục đích chính. Trước hết, theo Luật Giáo dục (có hiệu lực từ 1/7), các trường sẽ phải chủ động trong công tác tuyển sinh, đào tạo. Như vậy, việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng được coi là bước đệm của Đại học Bách Khoa trong những năm tới. Ngoài ra, để tránh phụ thuộc quá nhiều vào kỳ thi THPT quốc gia, trường đã chủ động phương án tuyển sinh theo tiêu chí riêng. “Chúng tôi biết sẽ có nhiều tâm tư, nguyện vọng, trong đó sẽ có nhiều em băn khoăn không biết sẽ thi THPT quốc gia như thế nào, các trường đại học sẽ xét tuyển ra sao. Và để giúp học sinh chủ động hơn trong việc chọn trường, chọn lớp và tập trung ôn tập, chúng tôi xây dựng kỳ thi riêng và thông báo sớm, rộng rãi” - thầy Sơn nói thêm.
Vẫn mong mỏi một kỳ thi trên toàn quốc để đánh giá năng lực học sinh, thầy Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, nhà trường sẽ chờ hướng dẫn, chỉ đạo từ Bộ GD&ĐT để xem xét, điều chỉnh tuyển sinh. Nói về việc xét học bạ, thầy Văn cho rằng, với riêng ngành y, việc xét học bạ là không thể xảy ra, cần những đòi hỏi khắt khe, đầy đủ hơn.

Vẫn có thể thi THPT quốc gia

Chiều 10/4, tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, nếu tình hình dịch bệnh như dự kiến, cuộc thi THPT quốc gia vẫn diễn ra như bình thường. Cụ thể, theo tính toán của Bộ GD&ĐT, học sinh có thể đi học chậm nhất vào ngày 15/6 và kết thúc năm học vào ngày 15/7. Trong khoảng thời gian này, học sinh sẽ được giáo viên ôn tập lại sau thời gian học trực tuyến, kiểm tra định kỳ, kiểm tra cuối năm và học sinh trên toàn quốc vẫn đủ thời gian để hoàn thành chương trình năm học 2019 - 2020. Riêng học sinh khối 12, sẽ có 3 tuần để ôn tập trước khi thi THPT quốc gia, dự kiến diễn ra vào các ngày 8 đến 11/8.

Nên tập trung kiến thức học kỳ 1 nếu vẫn thi

Trong tình huống học sinh đi học trở lại như dự kiến, có thể đủ thời gian để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, các kiến thức ở học kỳ 2 lại phụ thuộc vào các lớp học trực tuyến trên truyền hình. Như vậy, nên chăng, việc thi THPT quốc gia cần trọng tâm vào phần kiến thức đã giảng dạy ở học kỳ 1, như vậy, sẽ đánh giá chất lượng đào tạo chính xác hơn. 

Hiệu trưởng trường THCS-THPT Marie Curie Nguyễn Xuân Khang