Tuyển sinh ĐH - CĐSP năm 2021: Kiến nghị đề thi phân loại cao hơn

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/3, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng sư phạm (CĐSP) năm 2021. Tại đây nhiều ý kiến đề nghị điều chỉnh nguyện vọng (NV) trực tuyến chỉ nên 2 lần, đề thi phân loại nhiều hơn, hướng tới có các trung tâm khảo thí tổ chức thi đánh giá năng lực.

Chỉ nên điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến 2 lần

Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thu Thủy thông tin về những điểm mới trong công tác tuyển sinh ĐH, CĐSP năm 2021. Cụ thể: Thí sinh đăng ký NV bằng phiếu hoặc trực tuyến; thí sinh được điều chỉnh NV tối đa 3 lần; thí sinh sử dụng phiếu kết quả thi THPT để xác nhận nhập học... Đa số các ý kiến đồng tình với những đổi mới của Bộ GD&ĐT trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐSP năm 2021, bởi tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh.
 Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2021. Ảnh: Nghiêm Huê
Tuy nhiên, để đảm bảo cho công tác tuyển sinh của các trường ĐH, nhiều ý kiến đề xuất, Bộ GD&ĐT giảm số lần điều chỉnh NV trực tuyến. “Chúng tôi đề xuất chỉ nên điều chỉnh NV trực tuyến 2 lần để các trường ĐH sớm thực hiện công tác xét tuyển. 3 lần là quá dài, các trường rất mất thời gian để thí sinh chốt NV” – GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội nêu ý kiến.

Khi Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh được điều chỉnh NV trực tuyến 3 lần, TS Nguyễn Đào Tùng – Phó Giám đốc Học viện Tài chính lại có băn khoăn: Nếu thí sinh đăng ký trực tiếp được điều chỉnh NV 3 lần, các sở GD&ĐT sẽ phải bố trí nhiều người hỗ trợ, sẽ rất vất vả. Thực tế tại Học viện Tài chính cho thấy, thí sinh đăng ký nhiều lần khiến gia đình mâu thuẫn. Vì học sinh đăng ký rồi, sau đó điều chỉnh lại nhưng không thông báo cho bố mẹ biết. Và, thí sinh chỉ nhớ được trường đầu tiên và trường thứ hai đăng ký ngành gì, còn trường thứ ba trở đi là quên.
Phản hồi về những băn khoăn của các trường, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn – Chủ trì hội nghị cho biết: Thí sinh có 1 lần đăng ký trực tiếp bằng phiếu hay trực tuyến, khi điều chỉnh NV đều có quyền như nhau. “Thời gian điều chỉnh 5 hay 7 ngày, Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn chi tiết. Trong thời gian đó, các em có thể điều chỉnh NV 1; nếu em nào thấy vẫn còn sai sót thì điều chỉnh lại lần 2, lần 3. Chúng tôi sẽ suy nghĩ và chỉ đạo Cục CNTT gửi xác nhận đăng ký của thí sinh qua email”.
Xu hướng trung tâm khảo thí hợp tác tổ chức thi

Các đại biểu tham dự hội nghị đều khẳng định, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn có giá trị cho các trường ĐH, CĐ xét tuyển sinh. Thực tế, năm 2020 các trường ĐH vẫn dành hơn 50% chỉ tiêu để xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT. Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội GS.TS Nguyễn Hữu Tú đề xuất kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có 3 khâu cố gắng làm tốt hơn, đó là ra đề thi, coi thi và chấm thi. “Năm ngoái, do tình hình dịch bệnh, đề thi được ra rất cơ bản. Năm nay, đề thi cần phân loại cao hơn để tránh sức ép xã hội cho thí sinh và các trường thuận lợi xét tuyển” – GS Nguyễn Hữu Tú đề nghị.

Về phía các ĐH, trường ĐH khác cũng ủng hộ tính ổn định của Kỳ thi tốt nghiệp THPT và có những điều chỉnh theo hướng cập nhật xu thế. Đơn cử như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh có trung tâm khảo thí tổ chức thi riêng bên cạnh xét tuyển sinh dựa vào kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT, hiện nay nhiều trường ĐH đã tin cậy đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi này. Các ý kiến khác cũng mong muốn trong tương lai gần có những trung tâm khảo thí độc lập, xây dựng các bộ đề thi hoặc ma trận đề thi có chất lượng tương đương nhau. Các trung tâm sẽ cùng phối hợp tổ chức kỳ thi với nhiều đợt để các trường ĐH lấy kết quả xét tuyển sinh. Để làm được việc này không thể thiếu vai trò của Bộ GD&ĐT.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu thống nhất về việc giảm lệ phí tuyển sinh từ 30.000 đồng xuống còn 25.000 đồng. Đồng thời đề xuất Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh đăng ký xác nhận nhập học trực tuyến, rút ngắn thời gian lọc ảo; điều chỉnh thông tin mã ngành của các trường ĐH và Bộ GD&ĐT khớp nhau; xem xét xác định chỉ tiêu cho một số ngành quan trọng, xã hội đang rất cần nguồn nhân lực.

"Bộ GD&ĐT khuyến khích các trung tâm khảo thí độc lập hợp tác với nhau để xây dựng ngân hàng đề thi, thống nhất phương thức chuẩn mực; thậm chí có thể hợp tác với nhau trong việc chung đề chung đợt chung kết quả xét tuyển. Qua đó, vừa đảm bảo quyền tự chủ của các trường ĐH mà vẫn mang lại hiệu quả; không lãng phí nguồn lực lại tạo thuận lợi cho thí sinh thi tại một nơi nhưng sử dụng kết quả đó để đăng ký NV vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau." - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần