Tuyển sinh trường trung cấp nghề: Dễ xin việc song vẫn khó... tuyển sinh

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có không ít nghề ở trường trung cấp, học sinh đi thực tập đã được DN hỗ trợ kinh phí, ra trường sẽ tuyển dụng ngay. Tuy nhiên, hiện nay các trường trung cấp lại đang thiếu nguồn tuyển.

Ra trường có việc làm ngay
Trong khi công tác tuyển sinh của các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2019 chưa kết thúc thì một số trường trung cấp (TC) có thương hiệu trên địa bàn Hà Nội đã tuyển cơ bản gần đủ chỉ tiêu. Đơn cử như các trường TC nghề: Cơ khí I Hà Nội, Nấu ăn - Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội, Giao thông công chính Hà Nội. Hay trường TC Kinh tế tài chính Hà Nội, Kinh tế kỹ thuật Bắc Thăng Long,... thu hút được đông học sinh đăng ký. Sở dĩ những trường này được nhiều học sinh lựa chọn do đào tạo những nghề có việc làm ngay, lương tốt.
Ông Tạ Văn Xã - Hiệu trưởng trường TC nghề Cơ khí I Hà Nội cho biết, năm 2019, nhà trường có 970 chỉ tiêu hệ TC, đến cuối tháng 8 đã tuyển gần đủ. Hiện nay, nhà trường đang chờ nốt những thí sinh không đỗ ĐH đăng ký học nghề.
Học sinh trường Trung cấp nghề Nấu ăn – Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội đang biểu diễn tay nghề Kỹ thuật chế biến món ăn. Ảnh: Trần Oanh
“Nghề Cắt gọt kim loại và Hàn được thí sinh đăng ký nhiều. Các DN trên địa bàn huyện Đông Anh luôn có nhu cầu tuyển dụng nhân lực hai nghề này với số lượng lớn nhưng trường đào tạo không đủ cung ứng. Vì “khát” nhân lực nên mức lương khởi điểm của nghề Cắt gọt kim loại là 6 triệu đồng/tháng, nghề Hàn 7 triệu đồng/tháng. Trong thời gian đi thực tập, học sinh còn được DN trả lương” - ông Xã cho hay.
Tương tự, công tác tuyển sinh của trường Nấu ăn - Nghiệp vụ du lịch và thời trang Hà Nội cũng có cải thiện hơn mùa tuyển sinh trước nên cuối tháng Tám đã cơ bản tuyển đủ 700 chỉ tiêu TC. Trong đó, số học sinh đăng ký vào ngành Kỹ thuật chế biến món ăn chiếm nhiều nhất với 60% chỉ tiêu.
“Các em nhận thấy học nghề Kỹ thuật chế biến món ăn rất thiết thực. Bởi nhà trường có trụ sở ở TP Hà Nội, gần các khách sạn, nhà hàng, chuỗi quán ăn nên học sinh vừa học nghề vừa làm partime với mức lương 18.000 - 21.000 đồng/giờ. Khi học sinh đi thực tập ở khách sạn, có tay nghề tốt sẽ được DN tuyển dụng ngay” - ông Nguyễn Xuân Hùng - Hiệu trưởng trường Nấu ăn - Nghiệp vụ du lịch và thời trang Hà Nội nhấn mạnh.
Trường TC Kinh tế kỹ thuật Bắc Thăng Long cũng có 3 nghề trọng điểm được học sinh đăng ký nhiều (Kỹ thuật chế biến món ăn, Dịch vụ nhà hàng - khách sạn, Chăm sóc sắc đẹp). Theo Hiệu trưởng Phạm Quang Vinh, năm nay, công tác tuyển sinh hệ TC ổn định hơn nên trường đã tuyển gần đủ 1.000 chỉ tiêu TC. Trường TC Kỹ thuật tin học Hà Nội (ESTIH) có hai nghề được nhiều thí sinh lựa chọn là Tin học ứng dụng, Kỹ thuật lắp ráp & sửa chữa máy tính.
Quyết liệt phân luồng sau THCS
Sở dĩ những trường TC ở Hà Nội tuyển sinh thuận lợi là do Sở GD&ĐT và Sở LĐTB&XH tạo điều kiện cho được tuyển đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS vừa học văn hóa vừa học nghề (hỗ trợ kinh phí học nghề). Thứ nữa, từ trước đến nay, các trường TC đã khẳng định được niềm tin từ phía người học bởi chất lượng đào tạo nghề. Cùng với đó, TP Hà Nội và Sở chủ quản quan tâm cung cấp các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ đào tạo nghề. Và, trong xu thế các trường TC, CĐ đang dần tiến tới tự chủ vào năm 2021 càng phải khẳng định mình để thu hút người học.
Tuy nhiên, số trường TC tuyển sinh khả quan chiếm số lượng không nhiều, cho dù những nghề đào tạo đang được thị trường việc làm rất cần nhân lực như: Pha chế đồ uống, Kỹ thuật làm bánh, Nghiệp vụ nhà hàng, Quản trị khách sạn, Nghiệp vụ lưu trú, Công nghệ Hàn, Công nghệ ô tô...
Hiệu trưởng trường TC nghề Giao thông công chính Hà Nội Nguyễn Thành Long chỉ ra một nguyên nhân: Hiện nay quy định phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS không vào trường THPT công lập là 30% nhưng nhiều trường cấp 3 ngoài công lập đón số em này. Vì thế, số học sinh tốt nghiệp THCS đi học trường TC rất ít.
Ngoài ra, cả TP chỉ có hơn 8.000 học sinh học giáo dục thường xuyên chia cho 31 trường TC và CĐ trên địa bàn thì việc một trường tuyển được 700 chỉ tiêu là sự nỗ lực. Một nguyên nhân nữa khiến các em học sinh không mặn mà với trường TC, được Phó Hiệu trưởng trường TC Kỹ thuật tin học Hà Nội Nguyễn Thị Mai chỉ ra: Hiện nay, các trường CĐ cũng được tuyển học sinh tốt nghiệp THCS vào học theo mô hình 9+ (vừa học văn hóa, vừa học nghề) nên nhiều học sinh thích vào học hệ TC ở đó rồi liên thông lên CĐ sẽ thuận lợi hơn.
Một bất cập nữa, các trường TC có thời gian đào tạo nghề 2 năm, trong khi học sinh phải học văn hóa 3 năm để thi THPT quốc gia lấy bằng tốt nghiệp. Vì thế, sau khi tốt nghiệp TC, học sinh vẫn phải học thêm một năm học văn hóa, rất có thể dẫn đến khả năng tay nghề bị gián đoạn.
Để giải bài toán thu hút 30% học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề, lãnh đạo nhiều trường TC mong muốn công tác phân luồng được thực hiện quyết liệt, rõ hơn. TP Hà Nội nên mở rộng chính sách hỗ trợ kinh phí học nghề cho học sinh đang học trường THPT ngoài công lập. Có như vậy, việc tuyển sinh, đào tạo nghề của các trường TC sẽ được cải thiện hơn.