Tuyển sinh vào lớp 10 ngoài công lập năm học 2018 – 2019: Chỉ xét học bạ

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có một số điểm mới cần lưu ý trong mùa tuyển sinh sắp tới đã được lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội phổ biến trong Hội nghị hướng dẫn tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2018 – 2019, diễn ra sáng 20/4.

Nhiều điểm mới

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, hệ thống tuyển sinh đầu cấp đã hoàn thiện và yêu cầu tất cả các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn sớm cập nhật vào trang web của Sở. Đồng thời, đề nghị các trường sớm hoàn thiện việc cấp mã số cho HS, chậm nhất là 20/5 đối với cấp THCS; 25/5 với bậc mầm non, tiểu học.
 Học sinh trường THCS Thanh Xuân trong giờ học môn Toán.  Ảnh:  Thanh Hải
Một số điểm mới trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 cũng được lãnh đạo Sở lưu ý. Theo đó, phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT về cơ bản vẫn giữ ổn định như năm 2017. Tuy nhiên, đối với các trường ngoài công lập (NCL), trường công lập tự chủ tài chính sẽ lựa chọn 1 trong 2 phương án: Tuyển sinh bằng kết quả của kỳ thi chung; Xét tuyển bằng kết quả của HS ở cấp THCS (HS không cần tham dự kỳ thi tuyển vào lớp 10).

Bà Phạm Thu Hà – Phó Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT cho biết, đối với các trường NCL, trường công lập tự chủ tài chính lấy điểm xét tuyển từ cao xuống thấp và công bố công khai. Các trường không được tổ chức thi tuyển hoặc tuyển sinh theo hình thức khác và phải báo cáo các phương án xét tuyển về Sở vào 15/5/2018, Sở sẽ công bố công khai trên trang web của ngành phương án của từng trường trước 31/5.

"Năm học 2018 – 2019, ngoài thi 2 môn Văn, Toán, HS sẽ thi thêm 1 trong 2 tổ hợp môn. Do vậy, các trường THCS chú trọng đào tạo kiến thức toàn diện cho HS, tránh học tủ học lệch." - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Văn Đại

Bên cạnh đó, một số điểm mới cũng được lãnh đạo Sở yêu cầu các trường lưu tâm như: Chế độ ưu tiên năm nay cao nhất là 1,5 điểm (trước đây thấp nhất là 1 điểm, cao nhất là 3 điểm); Không còn cộng điểm khuyến khích cho HS đạt giải các cuộc thi như những năm trước, chỉ cộng điểm cho HS thi nghề, loại khá 1,5 điểm, trung bình cộng 0,5 điểm. Một điểm mới nữa là việc bỏ cấp giấy chứng nhận trúng tuyển lớp 10, sẽ chỉ kiểm tra và duyệt danh sách trúng tuyển bằng sổ điểm điện tử và mã HS.

Nhưng vẫn băn khoăn

Là đơn vị tự chủ tài chính, đại diện trường THPT Lâm nghiệp băn khoăn: “Đối tượng tuyển sinh trong cả nước, nhưng theo quy chế mới, liệu năm nay có bị giới hạn? Bên cạnh đó, nếu HS trúng tuyển cả trường công lập bình thường và công lập tự chủ tài chính, nhưng học ở trường công lập mà không vào trường chúng tôi, chúng tôi tuyển bổ sung thế nào?”. Đây cũng là câu hỏi của Hiệu trưởng trường THPT Trần Thánh Tông Đoàn Văn Thiết.

Giải đáp băn khoăn này, ông Phạm Quốc Toản – Phó Trưởng phòng phụ trách Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục cho biết, các trường công lập tự chủ tài chính và NCL không giới hạn khu vực tuyển sinh. HS trúng tuyển nhưng không đăng ký học do trúng tuyển nhiều trường, sẽ gây ra "ảo" là dễ hiểu. Thế nên, sau đợt 1 nếu tuyển thiếu, các trường sẽ được tuyển bổ sung. Với câu hỏi, các trường chọn phương án tuyển sinh là xét kết quả THCS, sau đó thiếu có được lấy HS đã tham gia thi tuyển hay không, ông Toản khẳng định: Hoàn toàn được tuyển, vì chỉ lấy phần điểm học tập ở THCS. Vì vậy, HS có thi hay không thi đều được tiếp nhận.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Văn Đại nhấn mạnh: “Những năm trước thi vào lớp 10 THPT chỉ hơn 80.000 HS, năm nay tăng đột biến, hơn 104.000 (tăng 22.000 HS). “Các trường NCL, tự chủ tài chính phải có kế hoạch để xét tuyển, tuyệt đối không được tổ chức kỳ thi riêng, bởi đã có kỳ thi chung, có kết quả học bạ, đủ điều kiện để xét tuyển".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần