Tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội: Dự kiến công bố môn thi thứ tư vào 15/3

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm học 2019 - 2020 là năm đầu tiên Hà Nội áp dụng phương pháp thi tuyển để tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT công lập thay cho phương pháp thi tuyển kết hợp với xét tuyển. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang cho biết, dự kiến đến ngày 15/3 môn thi thứ tư sẽ được công bố.

Học sinh trường THCS Thanh Xuân trong giờ học toán. Ảnh: Hải Linh
Phụ huynh, học sinh lo lắng
Theo dự kiến, kỳ thi tuyển sinh vào 10 các trường THPT công lập ở Hà Nội sẽ diễn ra trong hai ngày 2 - 3/6 với 4 bài thi độc lập. Việc Hà Nội quyết định đến tháng 3/2019, tức chỉ cách kỳ thi khoảng hơn 2 tháng mới công bố quyết định môn thi thứ tư nhằm tránh tình trạng học lệch cho học sinh. Tuy nhiên, trong tâm thế phải bước vào kỳ thi với cách xét tuyển hoàn toàn mới, cộng thêm việc môn thi thứ tư vẫn còn “úp mở” khiến cả phụ huynh lẫn học sinh không khỏi lo lắng.
Với môn tiếng Anh, nhà trường đã triển khai đồng loạt bài kiểm tra 60 phút tiếng Anh theo hình thức trắc nghiệm kết hợp với tự luận trong đợt thi giữa kỳ và cuối kỳ. Các môn học khác như Vật lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Giáo dục công dân, các giáo viên bộ môn này đều tích cực cập nhật thông tin và xây dựng hình thức kiểm tra theo hướng cho học sinh làm quen với bài trắc nghiệm.

Hiệu trưởng trường THCS Đồng Mai (quận Hà Đông) Hoàng Hồng Nam

Có con đang học lớp 9 tại trường THCS Phương Mai (quận Đống Đa), chị Phạm Thu Hường chia sẻ: Chỉ với ba môn thi chinh là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cũng đã đủ khiến các con phải lao vào học tập, ôn luyện. Trong khi đó, vừa học lại vừa phải “đoán già, đoán non” môn thứ tư khiến áp lực thi cử càng nặng nề hơn. Chị Hường khẳng định, chắc chắn khi môn thi thứ tư được công bố chị sẽ cho con đi học thêm để tổng hợp và ôn luyện lại kiến thức. “Hai tháng rưỡi không phải là nhiều nhưng với lực học đều và khá của con, tôi tin tưởng cháu sẽ vượt qua kỳ thi này” - chị Hường hy vọng.

Không chờ đến ngày quyết định công bố môn thi thứ tư, anh Đỗ Minh Tuấn (phụ huynh học sinh lớp 9, trường THCS Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm) đã cho con đi học thêm ngoài cả ba môn Lý, Hóa, Sinh. Riêng ba môn Địa lý, Lịch sử và Giáo dục công dân, con gái cũng đặt mục tiêu từ đầu năm học theo hướng “học đến đâu chắc đến đấy”. “Cuối tuần, cháu lại dành một buổi để hệ thống lại kiến thức ba môn Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân. Như vậy sẽ không bị động chờ đợi môn thi thứ tư công bố”. Anh Tuấn cũng thẳng thắn chia sẻ, sau khi có thông tin chính thức môn thi thứ tư, bên cạnh ba môn chính, thời gian còn lại cháu sẽ dành cho hệ thống lại kiến thức môn học này.

Đề thi nằm trong kiến thức cơ bản

Thực tế, hình thức thi tuyển vào lớp 10 THPT đã được nhiều tỉnh, thành áp dụng từ các năm học trước. Việc công bố môn thi vào thời điểm tháng 3 cũng không có gì mới lạ với nhiều địa phương. Thậm chí, trong năm học 2018 - 2019, Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình còn bốc thăm ngẫu nhiên và công bố môn thi thứ ba (2 môn chính là Toán, Văn, không có Ngoại ngữ) cách ngày thi chỉ một tháng.

Tại Hà Nội, tất cả các trường THCS đều đã có kế hoạch học và ôn tập cho học sinh từ đầu năm học. Hiệu trưởng trường THCS Đồng Mai (quận Hà Đông) Hoàng Hồng Nam chia sẻ, quan trọng nhất hiện nay là ngoài kiến thức, học sinh cần rèn kỹ năng làm bài. Về việc này, phụ huynh cần tìm hiểu, tham khảo thông tin từ giáo viên và nhà trường để cùng đồng hành giúp đỡ học sinh trong quá trình học tập từ nay đến khi thi. Tại trường THCS Đồng Mai, học sinh liên tục được làm quen với hình thức thi trắc nghiệm qua các bài kiểm tra thường kỳ.

Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Hà Nội) Phạm Quốc Toản cho hay, các môn dự kiến thi đều đã có đề thi minh họa từ tháng 10/2018. Hơn nữa, đề thi môn thứ tư kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9, mức độ đề thi cũng có tới 90% yêu cầu ở mức nhận thức, thông hiểu, không quá khó nên chỉ cần học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản trong năm học đã có thể làm tốt bài thi. Do vậy, sau khi công bố môn thi thứ tư, phụ huynh và học sinh không nên quá lo lắng dẫn tới chạy đua học thêm vừa gây tốn kém lại gây mệt mỏi cho học sinh.