Tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2017 - 2018 tại Hà Nội: Cân nhắc kỹ trước khi đăng ký

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT của Hà Nội năm nay được dự báo sẽ “khốc liệt” không kém những năm trước.

Bởi vậy, việc lựa chọn trường phù hợp với năng lực để giành một suất vào trường công lập là điều vô cùng quan trọng đối với thí sinh (TS).
Giảm hơn 3.000 suất vào công lập
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, số lượng TS dự thi và chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm nay không biến động nhiều so với năm trước. Nếu kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2016 - 2017 có 81.500 học sinh (HS) dự thi, hơn 60.000 suất vào công lập; thì năm học 2017 - 2018 dự kiến có 82.934 HS xét tốt nghiệp, trong đó chỉ tiêu tuyển sinh vào THPT là 69.500 HS, với 56.840 suất vào công lập, 12.660 chỉ tiêu vào các trường ngoài công lập, 7.000 chỉ tiêu vào trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) và 6.443 chỉ tiêu vào các trường trung học chuyên nghiệp. Đặc biệt, năm nay các TTGDTX chỉ tuyển sinh HS theo học hệ bổ túc THPT. Sở GD&ĐT Hà Nội đã dừng chương trình thí điểm đào tạo chương trình THPT tại các trung tâm này nên không cấp chỉ tiêu trong kỳ tuyển sinh năm nay.

Giờ ôn luyện của cô và trò Trường THCS Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy. Ảnh: Công Hùng

Cũng như năm trước, mỗi TS sẽ được đăng ký 2 nguyện vọng vào trường THPT công lập trong cùng một khu vực tuyển sinh. TS có nhu cầu có thể đăng ký nguyện vọng vào các lớp chuyên của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chu Văn An, THPT Sơn Tây. Ngoài ra, HS có thể nộp đơn dự tuyển vào bất kỳ trường THPT ngoài công lập hoặc các TTGDTX trên toàn TP. Bên cạnh đó, các trường đào tạo nghề cũng tuyển sinh HS tốt nghiệp THCS có định hướng học nghề sớm.
Hệ công lập chỉ có chỗ cho khoảng hơn 56.000 HS, vì vậy việc cân nhắc để đưa ra quyết định đúng đối với HS không hề đơn giản. Ông Ngô Văn Chất - Trưởng  phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT) cho rằng, việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển thế nào là quyền của HS, nhưng việc xét tuyển của các trường phải dựa trên quy định chung của Sở, nên các em cần cân nhắc kỹ khi đăng ký: “TS nên tham khảo kỹ phần điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 các năm học trước, từ đó chọn trường phù hợp. Ngoài ra, khi chọn trường công lập, cần cân nhắc những trường phù hợp với khả năng học tập cũng như thuận tiện về địa điểm, điều kiện đi lại”. Ngoài ra, ông Chất còn lưu ý HS nên chọn những trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh và có địa chỉ cụ thể. Bởi năm nay sẽ có một số trường ngoài công lập không được giao chỉ tiêu tuyển sinh vì không bảo đảm yêu cầu về quy mô, chất lượng đào tạo. Chỉ tiêu cụ thể các trường được công bố trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh lớp 10 THPT của Hà Nội năm học 2017 - 2018” sắp được ban hành.
Không thi phải có đơn
Bên cạnh việc tuyển sinh bằng kết quả thi và quá trình học THCS, các trường THPT không được đưa ra tiêu chí khác để xét tuyển. Đặc biệt, Sở GD&ĐT nghiêm cấm các trường THCS không được ép hoặc vận động HS không tham gia dự thi vào lớp 10 THPT. Trường hợp không đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT phải có đơn tự nguyện của cha mẹ HS.
Ông Chất khẳng định, tất cả HS đỗ tốt nghiệp THCS đều được quyền tham gia dự thi vào lớp 10 THPT công lập. Thực tế những năm trước, có những trường THCS đã vận động HS hoặc cha mẹ HS có học lực trung bình hoặc trung bình yếu không dự thi vào lớp 10 vì sợ ảnh hưởng đến thành tích của trường. Sở đã phát hiện và yêu cầu nhà trường kiểm điểm và hoàn chỉnh hồ sơ cho HS dự thi. “Với quan điểm “không để lãng quên HS nào”, làm sao để các em có cơ hội học tập cao nhất. Do đó, trách nhiệm của trường phải phân loại HS, đối tượng HS, nhất là HS yếu kém để có hình thức bồi dưỡng. Không thể vì phải có tỷ lệ phần trăm HS đỗ vào lớp 10 cao để lấy thành tích cho lớp, cho trường mà vận động HS không đăng ký dự thi. Tới đây, chúng tôi sẽ thành lập các đoàn thanh, kiểm tra việc này, nếu trường nào vi phạm sẽ có hình thức xử lý nghiêm khắc” - ông Chất nhấn mạnh.
Phương thức thi và tuyển sinh vào lớp 10 THPT của Hà Nội chưa có gì thay đổi so với mọi năm. Hiện, Hà Nội mới chỉ áp dụng đưa môn Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc với HS đăng ký tuyển sinh hệ chuyên tại 4 trường chuyên (Hà Nội - Amsterdam, Nguyễn Huệ, Chu Văn An và Sơn Tây)” - Ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội