Tuyển tình nguyện viên 40-59 tuổi tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine Covivac

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để triển khai thử nghiệm lâm sàng vaccine Covivac đúng dự kiến, nhóm nghiên cứu vaccine Covivac phòng Covid-19 tiếp tục tuyển tình nguyện viên từ 40 - 59 tuổi.

Tuyển tình nguyện viên 40-59 tuổi tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine Covivac
Để triển khai thử nghiệm lâm sàng vaccine Covivac đúng dự kiến, nhóm nghiên cứu vaccine Covivac phòng Covid-19 tiếp tục tuyển tình nguyện viên từ 40 - 59 tuổi.
Theo thông tin từ nhóm nghiên cứu vaccine Covivac phòng Covid-19, chỉ trong 48 giờ đã có hàng nghìn người tình nguyện đăng ký tham gia thử lâm sàng vaccine Covivac. Đây là nguồn cổ vũ và động viên lớn với nhóm nghiên cứu.
Tính đến nay, nghiên cứu đã tuyển đủ số lượng người tình nguyện dưới 40 tuổi và đang tiếp tục tuyển nhóm tình nguyện viên từ 40-59 tuổi. Nhóm nghiên cứu vaccine Covivac phòng Covid -19 mong nhận được sự tham gia đóng góp của các tình nguyện viên có độ tuổi 40-59 tuổi để nghiên cứu được triển khai đúng dự kiến, khoa học và chính xác.
 
Quyền lợi của tình nguyện viên khi tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine:
Tình nguyện viên được tiêm vaccine phòng Covid-19 đã được nghiên cứu kĩ lưỡng cho thấy an toàn hiệu quả trên tiền lâm sàng. Đây là vaccine có công nghệ sản xuất tương tự như một số vaccine Covid-19 đã lưu hành trên thế giới, công nghệ này cũng đã được dùng để sản xuất vaccine cúm tại Việt Nam.
Tình nguyện viên được mua bảo hiểm tiêu chuẩn tham gia nghiên cứu.
Tình nguyện viên được khám, theo dõi và chăm sóc bởi đội ngũ y bác sĩ hàng đầu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Tình nguyện viên được hỗ trợ tiền đi lại (khoảng 3.300.000) khi tham gia nghiên cứu.
Đơn vị tuyệt đối bảo mật thông tin cá nhân.
Tuy nhiên, không cần cách ly đối với người tiêm vaccine, chỉ cần lưu lại nơi tiêm 24 giờ để theo dõi sức khoẻ.
Cách thức đăng ký tham gia:
Tình nguyện viên có thể đăng ký trực tiếp tại Trung tâm Dược lý lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội, Số 1 Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Qua điện thoại: 024.38523798 – 3188 hoặc các tư vấn viên hỗ trợ
Qua email: duoclylamsang@gmail.com
Qua trang web: http://duoclylamsang.vn
Trước đó, đơn vị thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine Covid-19 thứ 2 của Việt Nam có tên Covivac do Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) trực thuộc Bộ Y tế sản xuất đã tiếp nhận nhiều hồ sơ đăng ký của các tình nguyện viên.
Tính đến đầu giờ chiều 5/3, đã có hơn 400 người đăng ký tham gia tiêm thử nghiệm lâm sàng vaccine Covivac. Hầu hết người tình nguyện đều đăng ký qua hotline hoặc email, chỉ có chưa tới 10 người đến đăng ký trực tiếp.
Dự kiến, nửa cuối tháng 3/2021, sẽ triển khai tiêm thử nghiệm những mũi đầu tiên vaccine Covivac trên người. Do đó, ngay từ bây giờ, các tình nguyện viên có thể đăng ký tham gia tiêm thử nghiệm trực tiếp tại Trung tâm Dược lý lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội.
Viện trưởng IVAC Dương Hữu Thái cho biết, theo kế hoạch, giai đoạn 1 sẽ thực hiện tại Trường Đại học Y Hà Nội với khoảng 120-150 người tham gia. Những người tham gia thử nghiệm tiêm vaccine có độ tuổi từ 18-59 tuổi (cả nam và nữ), được tiêm 2 mũi/0,5ml (tiêm vaccine hoặc tiêm giả dược) cách nhau 28 ngày.
Sau 43 ngày tiêm mũi thứ hai (thuộc giai đoạn 1), nếu kết quả an toàn miễn dịch tốt, chọn được mức liều tối ưu, nhóm nghiên cứu sẽ chuyển sang nghiên cứu giai đoạn 2. Giai đoạn này dự kiến bắt đầu vào tháng 7/2021, được thực hiện tại Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình). Ở giai đoạn 2, việc thử nghiệm sẽ mở rộng số lượng người tham gia lên 300 người, đồng thời mở rộng độ tuổi từ 18-75 tuổi (trong đó, tuổi từ 60-75 chiếm khoảng 1/3). Dự kiến, quá trình nghiên cứu lâm sàng Covivac sẽ hoàn thành vào tháng 10/2021.
Theo tính toán, mỗi liều vaccine Covivac có giá không quá 60.000 đồng. Việc nghiên cứu kháng thể vaccine Covivac cho thấy khả năng chống được biến chủng virus SARS-CoV-2 từ Anh và Nam Phi. Cơ quan chức năng cũng đang nghiên cứu kháng thể với các chủng khác của virus này.
Covivac là vaccine phòng Covid-19 thứ hai của Việt Nam được tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người, sau Nano Covax của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen.