Tuyên truyền hàng Việt: Tránh bệnh hình thức

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để niềm tin vào hàng Việt, thương hiệu Việt không bị lung lay đối với người tiêu dùng (NTD) các DN, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh công tác truyền thông theo hướng chuyên sâu, không mang tính hình thức.

 Người tiêu dùng chọn mua hàng tại Hội chợ hàng Việt trên địa bàn huyện Thanh Trì. Ảnh: Công Hùng
Tỷ lệ yêu thích hàng Việt giảm sút
Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao vừa công bố kết quả khảo sát, bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2018. Theo đó, mặc dù sản phẩm trong nước vẫn chiếm được cảm tình của NTD nhưng tỷ lệ NTD ưa thích đã sụt giảm 27 - 32% so với kết quả điều tra năm 2017. Tương ứng với sự sụt giảm của hàng Việt là tỷ lệ mua hàng ngoại tăng từ 3% lên 8 - 10%.

Lý giải nguyên nhân giảm sút tỷ lệ NTD yêu thích hàng Việt, tại Hội nghị giao ban 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội vừa tổ chức, các đại biểu có chung ý kiến: Một số đơn vị trong quá trình triển khai, thực hiện cuộc vận động vẫn mang nặng tính hình thức, kỳ cuộc. Công tác tuyên truyền về cuộc vận động đến các DN chưa cao nên DN chưa nhận thấy hiệu quả khi tham gia các chương trình vận động. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không bảo đảm VSATTP còn khó kiểm soát trên thị trường dẫn đến NTD giảm lòng tin vào hàng Việt.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: Từ đầu năm đến nay, tổng mức lưu chuyển hàng hóa của TP đều tăng cao, tuy nhiên trong tháng 4 - 5, tỷ lệ dùng hàng Việt giảm từ 8 - 20%. Nguyên nhân là do số lượng DN ứng dụng khoa học vào sản xuất để nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã, bao bì… chưa nhiều khiến hàng Việt giảm hấp dẫn. “61% dân số Hà Nội làm nghề nông nhưng đến nay, việc truy xuất nguồn gốc hàng nông sản trên địa bàn TP Hà Nội chỉ đạt 30%, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng hàng Việt nói chung, hàng nông sản nói riêng giảm” - bà Trần Thị Phương Lan nêu ví dụ.

Truyền thông theo chiều sâu

Muốn hình thành văn hóa tiêu dùng hàng Việt trong cộng đồng dân cư, UBND các cấp cần đẩy mạnh phối hợp với DN trong việc tuyên truyền thường xuyên, liên tục về hàng Việt Nam tới người dân. Đồng thời tôn vinh, bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao, qua đó giới thiệu hàng Việt đến với NTD.

Phó trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Kim Hoàng đề nghị trong thời gian tới, để Cuộc vận động lan tỏa sâu rộng hơn, các cơ quan, đơn vị cần tuyên truyền tại chính đơn vị mình; tập trung tuyên truyền sâu hơn tới giới trẻ, nông dân... MTTQ các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết giới thiệu các tiêu chí về sản phẩm hàng Việt chất lượng cao. Bên cạnh đó, MTTQ đẩy mạnh phối hợp với Sở Công Thương trong các hoạt động kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại, tổ chức các chương trình bán hàng Việt, đưa hàng về nông thôn, tạo sự gắn kết giữa DN và NTD. Đồng thời, các DN sản xuất phải đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, thương hiệu đến NTD.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn nêu rõ: Các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cần tập trung hơn nữa trong việc tôn vinh, giới thiệu hàng Việt Nam chất lượng cao và hàng Việt Nam được nhiều NTD ưa thích. Sở Công Thương Hà Nội có trách nhiệm phát hiện, giới thiệu hàng Việt Nam tới đông đảo NTD.
“Nhằm hỗ trợ DN, HTX quảng bá tiêu thụ sản phẩm Việt, MTTQ Hà Nội nhiều năm tổ chức Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng Thủ đô yêu thích”. Do đó, các quận, huyện phải đẩy mạnh tìm kiếm, giới thiệu những sản phẩm đặc sản, đặc trưng, chủ lực cần quảng bá để TP tuyên truyền rộng rãi đến đông đảo NTD Thủ đô và cả nước” - ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần