Tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số: Đổi mới để tránh chồng chéo

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm cách xa trung tâm TP, việc tiếp cận chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước của đồng bào vùng dân tộc thiểu số Thủ đô gặp khá nhiều khó khăn. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm hiệu quả trở thành nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Xã Ba Vì (huyện Ba Vì) là nơi tập trung phần lớn đồng bào dân tộc Dao hiện sinh sống trên địa bàn Hà Nội. So với thời điểm chưa hợp nhất về Thủ đô, cơ sở hạ tầng của địa phương vùng giáp ranh Vườn Quốc gia Ba Vì này đã có nhiều đổi thay tích cực. Dù vậy, đời sống kinh tế của đồng bào nơi đây còn rất nhiều khó khăn. Hiện, thu nhập bình quân đầu người xã Ba Vì mới đạt khoảng 15 triệu đồng/năm. Trong khi đó, tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao nhất toàn TP với khoảng 28%.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lý Sinh Vượng, cái nghèo, cái khó của nhiều năm về trước đã khiến nhiều đồng bào vùng dân tộc nơi đây bất chấp quy định pháp luật, vượt biên trái phép, lao động chui tại các nước lân cận. Những năm gần đây, được sự quan tâm của TP thông qua các dự án hỗ trợ phát triển nguồn sinh kế, đặc biệt là hiệu quả từ những chương trình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được Ban Dân tộc TP Hà Nội tổ chức thường xuyên, số lượng đồng bào đi làm ăn trái phép đã giảm đáng kể. Nhận thức về việc chấp hành các quy định pháp luật của đồng bào cũng được nâng lên một bước.

Không chỉ tại xã Ba Vì, nhận thức đối với việc chấp hành các quy định pháp luật của đồng bào vùng dân tộc trên địa bàn Thủ đô nói chung hiện đã được nâng cao nhờ những buổi tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2018 đến nay, trên 1.200 đồng bào được tiếp cận với đa dạng kiến thức pháp luật thông qua 10 lớp tập huấn do Ban Dân tộc TP Hà Nội tổ chức. Đến nay, với nhiều đồng bào vùng dân tộc, những quy định của Nhà nước liên quan tới Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai, Luật An toàn giao thông… đã không còn quá lạ lẫm.

Có ý nghĩa quan trọng, nhưng làm thế nào để việc tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào vùng dân tộc đạt hiệu quả cao là trăn trở lớn đối với những người làm công tác dân tộc. Chánh Thanh tra Ban Dân tộc TP Hà Nội Dương Văn Thi cho rằng, việc tổ chức tập huấn tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay vẫn còn tình trạng chồng chéo, gây lãng phí nguồn lực. Không ít người có uy tín còn thẳng thắn cho biết: Việc được tham gia các lớp tập huấn tuyên truyền về pháp luật là vinh dự lớn. Tuy nhiên, nếu phải tập huấn về một chuyên đề nhiều lần thì rất dễ gây nhàm chán, thậm chí là… mất thời gian.

Liên quan tới vấn đề này, Phó Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Ánh Dương thừa nhận, đang có sự chồng chéo nhất định trong công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Theo đó, ông Dương khuyến nghị, trong giai đoạn tới, các sở, ban ngành và 5 địa phương vùng đồng bào dân tộc cần tăng cường trao đổi thông tin, nhằm xây dựng kế hoạch tập huấn, tuyên truyền phù hợp với nhu cầu và thực tiễn tại từng địa phương. Điều này sẽ giúp loại bỏ tình trạng trùng lắp đối tượng và nội dung tập huấn, tuyên truyền pháp luật, bảo đảm hiệu quả cao nhất cho công tác này.