Tuyên truyền văn hoá giao thông qua nghệ thuật dân gian: Tăng sức lan tỏa nhờ múa rối nước

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nói đến múa rối thì hầu như dân tộc nào cũng có, nhưng múa rối nước để dạy văn hóa giao thông (VHGT) thì chỉ có duy nhất ở Việt Nam.

Cùng dòng chảy đan xen cũ – mới, nghệ thuật múa rối nước trong tuyên truyền VHGT dù chưa sôi động như một số hình thức khác, nhưng rõ ràng cách làm của dự án do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa nghệ thuật Việt Nam thực hiện này là thứ “vũ khí mềm” giúp người dân, đặc biệt là trẻ em hình thành ý thức tuân thủ pháp luật giao thông.

Mượn “cái xưa” nói “chuyện nay”

Khó có thể hình dung có một ngày, chú Tễu với thân hình tròn trĩnh, mặc áo nẹp khuy không cài, vẻ mặt hóm hỉnh dẫn dắt các câu truyện về VHGT lại tạo hiệu ứng tích cực, thu hút đông đảo người xem đến vậy. Sân khấu biểu diễn rối nước chỉ rộng chừng 4m2 với thủy đình, ao làng. Tại sân khấu đó, những chú rối vô tri hóa thành các “thanh niên” quậy phá trên đường phố, đua xe, đánh võng vượt đèn đỏ, gây tai nạn rồi bỏ chạy… Múa rối nước “diễn” được cảnh đua xe phân phối lớn thì quả là điều không tưởng. Nhưng các nghệ sĩ bằng tâm huyết của mình đã mượn được “cái xưa” để nói “cái nay”.
Một buổi biểu diễn múa rối nước tuyên truyền an toàn giao thông tại Hà Nội.
Một buổi biểu diễn múa rối nước tuyên truyền an toàn giao thông tại Hà Nội.
Từ hàng trăm năm nay, hình tượng con rối dường như mặc định là nhân vật của làng quê. Giờ đây, để tham gia vào cuộc sống hiện đại, tạo hình con rối cũng phải thay đổi nhằm phù hợp với nội dung chuyển tải. Chẳng hạn trong tiết mục rối nước đua xe, phải tạo hình con rối là các nam thanh, nữ tú đầu tóc nhuộm xanh đỏ tím vàng, quần áo model. Nhưng cái khó nhất là phải tính làm sao cho chàng thanh niên cầm lái đứng dậy được lúc bốc đầu xe, bỏ hai tay. Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm - người trực tiếp xây dựng những trò rối tuyên truyền VHGT bộc bạch: "Mượn cái xưa để nói cái nay chưa bao giờ là điều dễ dàng. Để có thể biểu diễn rối nước trên sân khấu thu nhỏ tuyên truyền VHGT, tôi đã dành nhiều thời gian, công sức sáng tạo ra những nhân vật rối, rồi biểu diễn sao cho tái hiện chân thực nhất bức tranh giao thông hiện nay".

Nuôi dưỡng ý thức nhờ “bản sắc”

Theo nghệ sĩ Phan Thanh Liêm: “Việc nhân rộng nghệ thuật múa rối nước vào học đường để tuyên truyền VHGT cho trẻ nhỏ là tâm nguyện lớn nhất của tôi. Các em là mầm non của đất nước, là chủ nhân quan trọng để xây dựng VHGT sau này. Chính vì vậy, định hình hành vi và ý thức tuân thủ luật giao thông ở tất cả các cấp học là cần thiết. Với tâm lý của trẻ "học mà chơi, chơi mà học", loại hình múa rối nước vừa giúp quan sát và hiểu rõ các vấn đề giao thông, lại nuôi dưỡng nghệ thuật trong tâm hồn trẻ, góp phần giáo dục thẩm mỹ, bảo tồn nghệ thuật dân gian của cha ông ta”.

Có nhiều hình thức để tuyên truyền về VHGT trong học đường nhưng múa rối là cách mà các em học sinh hào hứng hơn cả, bởi nó mang tới sự giáo dục nhẹ nhàng. Tiêu biểu với hoạt cảnh “Đua xe”, các chú rối nước dễ dàng biểu diễn mô tô một cách sành sỏi để rồi nhận cái chết bất ngờ mang lại nhiều bài học. Các em nhỏ vỗ tay reo hò khi nhận ra cái sai của sự đua đòi, a dua. Từ đó, nhận thức được cái giá chết người của những “tay đua” nửa mùa mà không bị áp lực như khi xem các nghệ sĩ thực thụ biểu diễn. Đặc biệt, đan xen giữa các tích trò về giao thông là những làn điệu chầu văn, quan họ phù hợp với lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng.

Nhân rộng biểu diễn múa rối nước vào học đường như một môn ngoại khóa sẽ biến kiến thức khô khan về ATGT trở thành những tiết học sinh động thông qua các tích trò. Khi dàn dựng chương trình múa rối nước phục vụ học sinh, các nghệ sĩ chú ý đến mức độ riêng cho từng lứa tuổi ở các cấp học: Mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT. Sau mỗi tiết mục, sự tán thưởng của các em học sinh, giáo viên chính là dấu ấn thể hiện sự thành công của cách tuyên truyền VHGT qua loại hình nghệ thuật này. Bên cạnh đó, việc sáng tạo “sân khấu” biểu diễn lưu động tại trường học đòi hỏi nghệ sĩ múa rối phải tìm tòi, trăn trở. Sân khấu múa rối nước truyền thống đường kính lên tới 10m, rất khó khăn di chuyển. Thiết kế “thủy đình” nhỏ hơn, mái đình cải tiến còn một mái, bể thiết kế hình bán nguyệt và làm bằng các chất liệu cao su, có thể gấp gọn và di chuyển dễ dàng.

“Thực tế chúng tôi còn gặp nhiều khó khăn trong diễn xuất, xây dựng kịch bản có nội dung phù hợp với tuổi trẻ học đường cũng như tài chính. Dù vậy, mỗi lần đi biểu diễn, thấy các cháu học sinh, sinh viên thích thú, khiến tôi càng có động lực tiếp tục sáng tạo” - nghệ sĩ Phan Thanh Liêm bộc bạch.