"Tuyệt chiêu"

Nguyên Đào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mấy ngày nay, giới chuyên môn và dư luận đặc biệt quan tâm đến Đề án "Quản lý và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả" đã chính thức được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt.

Đây là chủ trương hoàn toàn hợp lý, cấp thiết và các tỉnh, thành khác, nhất là những đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng... nên áp dụng khi thực hiện dự án hạ tầng.
Để thực hiện đề án, TP Hồ Chí Minh đưa ra biện pháp xử lý giá trị đất đai tăng thêm tại các dự án phát triển hạ tầng là thu hồi diện tích đất liền kề công trình hạ tầng để tái định cư và bán đấu giá. Người có đất bị thu hồi trong dự án hạ tầng và phần đất thu hồi thêm sẽ được tái định cư tại chỗ với diện tích đất nhỏ hơn, tỷ lệ nghịch với giá đất tăng thêm do hạ tầng mang lại. Diện tích đất dôi dư sau khi tái định cư sẽ được quy hoạch lại và bán đấu giá để lấy kinh phí đầu tư cho chính dự án đó.
Phương án thu hồi thêm đất và tái định cư sẽ được đưa ra lấy ý kiến của cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng. Nếu đa số người dân đồng ý (khoảng 2/3) thì phương án sẽ được phê duyệt. Đối với thiểu số người dân không đồng ý phải lựa chọn: Hoặc chấp thuận phương án hoặc bị Nhà nước thu hồi đất.
Theo thông tin đưa ra, trước đây, TP Hồ Chí Minh đã áp dụng mô hình này tại dự án mở đường Nguyễn Hữu Thọ từ quận 7 đi Nhà Bè. Sau đó, có nhiều dự án được đề xuất áp dụng mô hình này như dự án mở rộng đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa hoặc dự án tuyến metro số 2 đi dọc đường Cách Mạng Tháng Tám nhưng chưa được chấp thuận.

Thực tế, Hà Nội cũng vậy. Từ những năm đầu thập niên 2000, Hà Nội đã có chủ trương xây dựng tuyến phố hai bên, thí điểm tại tuyến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa. Bấy giờ, lãnh đạo UBND TP đã tổ chức rất nhiều cuộc họp liên ngành để bàn thảo các chủ trương, chính sách thực thi và giao Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan nghiên cứu quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, thống nhất đề xuất cơ chế thu lại địa tô của những công trình được hưởng lợi ích trực tiếp do ngân sách đầu tư xây dựng tuyến đường mang lại... Tuy nhiên đã không thực hiện được vì vướng nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn chính là kinh phí đền bù, hỗ trợ GPMB quá lớn và cơ chế chính sách liên quan đến đất đai thời điểm đó còn chưa thông thoáng.

Thế nên, quá trình cải tạo, xây dựng mới nhiều tuyến đường đô thị bộc lộ một số hạn chế. Dễ nhận thấy nhất là nhà "siêu mỏng, siêu méo" mọc lên tại đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, đường Võ Chí Công, đường Vũ Trọng Phụng... Và rồi, "vết xe" ấy giờ lăn dần đến Vành đai 2, đoạn từ Ngã Tư Sở tới đường Minh Khai.

Trở lại Đề án "Quản lý và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả" mà UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt, nhiều chuyên gia quản lý đô thị cho rằng, nếu các đô thị lớn đều thực hiện được việc này, không những bộ mặt đô thị khang trang, hiện đại hơn khi triệt tiêu được nhà "siêu mỏng, siêu méo", mà còn huy động được nguồn tài chính để tái thiết đô thị. Với tuyệt chiêu "lấy mỡ nó rán nó" này, thì "khi triển khai áp dụng đúng luật sẽ đảm bảo 3 yếu tố: Không thất thoát tài sản công; Tạo môi trường kinh doanh công khai minh bạch trong đấu thầu, đấu giá và sẽ không tạo ra khiếu kiện vì chênh lệch địa tô sẽ rơi vào ngân sách Nhà nước thay vì vào túi DN hay người dân" - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu nhìn nhận.

Có rất nhiều ý kiến đồng tình với "tuyệt chiêu" này. Bởi nếu chủ trương, chính sách mới này được người dân đồng tình, ủng hộ đi vào cuộc sống, không những chính quyền các TP lớn giải được bài toán tài chính cho tái thiết đô thị, mà còn tạo động lực xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần