Tuyệt chiêu dạy dỗ "con một"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hiếm hoi mới sinh được một đứa con vì lập gia đình muộn, chị bạn mình hết mực cưng chiều, chăm chút cậu con trai quý tử.

Nhưng càng lớn, bé càng trở nên khó bảo. "Mắng thì nó nhờn mà đánh thì mình xót", chị chia sẻ. Vậy mấu chốt để dạy những đứa trẻ "con một" thế nào đây?

Hãy loại bỏ vị trí "độc tôn" của trẻ

"Của hiếm là của quý", con một thường được cha mẹ dồn hết tình yêu thương, tâm huyết để chăm sóc, cưng chiều. Nhưng điều này khiến trẻ luôn biết mình là trung tâm của sự chú ý và được đáp ứng tất cả những gì chúng muốn nên càng lúc càng trở nên khó bảo, bướng bỉnh, hay quấy nhiễu…

 

Một khi bạn sinh thêm con, vị trí "độc tôn" của trẻ đương nhiên bị tước bỏ. Trước tiên, chúng sẽ khó thích nghi với việc phải chia sẻ tất cả những gì từng thuộc riêng mình chúng: cha mẹ, phòng ngủ, đồ chơi… với một nhân vật hoàn toàn mới. Nhưng sau đó, chúng sẽ học được cách nhường nhịn và biết quan tâm đến người khác khi dần dần nhận ra vị trí vốn có của mình đã thay đổi.
Hơn thế, bạn nên đề cao vai trò "làm anh, làm chị" của trẻ hay chỉ cho trẻ cách tham gia vào các công việc gia đình như chăm sóc em bé, dọn dẹp nhà cửa…

 

Hãy dạy trẻ cách hoà đồng với thế giới bên ngoài

 

Những đứa trẻ là con một cần phải được gặp gỡ nhiều bạn bè cùng trang lứa để học cách sống hoà hợp với mọi người. Trường học không phải nơi duy nhất chúng có thể làm điều đó. Bạn nên để trẻ đến chơi nhà các bạn hoặc cho phép trẻ ra ngoài cùng các anh chị em họ. Việc này giúp trẻ có cơ hội cọ xát với thế giới bên ngoài: học cách tự làm chủ bản thân và giải quyết các mâu thuẫn…

Đừng quá "đề cao" trẻ

Là đứa trẻ duy nhất trong gia đình, con một thường quen với cách cư xử của người lớn, vì vậy chúng nghĩ rằng mình già dặn hơn so với các bạn khác. Ngoài ra, việc dồn hết quan tâm và yêu thương của cha mẹ vào một đứa trẻ sẽ khiến nó luôn cảm thấy mình là "trung tâm của vũ trụ". Điều này có thể ảnh hướng không tốt đến mối quan hệ của trẻ với các bạn khác.

 

Bên cạnh đó, sự quan tâm quá mức của bạn sẽ khiến trẻ trở nên yếu ớt và thiếu tin tưởng ở bản thân, đồng thời, nó cản trở tính năng động và khả năng sáng tạo của trẻ.

 

Đối với con một, bạn đừng nên lúc nào cũng theo sát vì sợ trẻ có thể sẩy chân. Hãy cứ để trẻ vấp ngã và học cách đứng dậy. Bởi không phải lúc nào, và ở bất cứ đâu, bạn cũng có thể đi bên con mình.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần