Tuyệt đối không để sự cố cháy rừng bùng phát trở lại

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu khi thị sát hiện trường vụ cháy rừng phòng hộ thuộc địa bàn huyện Sóc Sơn vào sáng 6/6.

Sau khi thực mục sở thị một số vị trí rừng bị cháy thuộc thôn Hoa Sơn, xã Nam Sơn và nghe lãnh đạo một số đơn vị chuyên trách thông tin, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan chức năng, lực lượng địa phương trong công tác chữa cháy rừng, đặc biệt là việc không để xảy ra thương vong và thiệt hại cho các hộ dân sống lân cận. Về giải pháp trước mắt, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu yêu cầu Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp cùng UBND huyện Sóc Sơn tập trung rà soát, thống kê diện tích rừng bị cháy để có phương án hỗ trợ, khắc phục hậu quả. Tiếp tục bố trí lực lượng ứng trực tại khu vực rừng bị cháy trong những ngày tới, nhằm kiểm soát tốt hiện trạng, tuyệt đối không để sự cố bùng phát trở lại.
 Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu thị sát hiện trạng vụ cháy rừng tại xã Nam Sơn.
Trước đó như đã thông tin, vụ cháy rừng bùng phát và kéo dài tới 12 giờ đồng hồ trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã khiến ít nhất 50ha rừng phòng hộ bị cháy rụi, cùng hàng chục héc-ta bị ảnh hưởng. Hiện, các đơn vị chức năng địa phương đang tiếp tục đo đạc, thống kê thiệt hại từ vụ cháy. Theo bà Nguyễn Thu Hằng - Giám đốc Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng (Sở NN&PTNT Hà Nội), đây là vụ cháy lớn nhất trong khoảng 50 năm trở lại đây. Trước đó, vào các năm 1979 và 2009, hai vụ cháy lớn cũng đã xảy ra khiến gần 80ha và 40ha rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Sóc Sơn bị thiêu rụi. Bà Hằng cho biết thêm, toàn bộ diện tích rừng bị cháy trong ngày 5/6 đều do đơn vị quản lý. Hiện, nguyên nhân vụ cháy đang được các cơ quan chức năng tiếp tục được làm rõ. Tuy nhiên, theo bà Hằng, thời tiết nắng nóng và khô hanh trong gần 1 tuần trước thời điểm xảy ra vụ cháy có thể được xem là một nguyên nhân. Cũng theo bà Hằng, công tác chữa cháy vào chiều tối và đêm 5/6 gặp rất nhiều khó khăn. Dụng cụ chữa cháy cũng chỉ gồm những vật dụng hết sức thô sơ như băng ngăn lửa, cành cây, quần áo - khăn vải ướt… Những thiết bị chuyên dụng như quạt thổi lửa, cưa máy, quần áo bảo hộ thì gần như… không có! Đây là yếu tố khiến công tác chữa cháy bị kéo dài tới 12 giờ đồng hồ.

Bên cạnh những khó khăn nêu trên, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng: Việc thiếu đi hệ thống đường băng ven các khu rừng gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác chữa cháy, do xe chữa cháy gặp khó khi tiếp cận hiện trường. Đơn cử như trong vụ cháy vừa qua, các lực lượng chức năng phải rất vất vả để có thể mở đường cho xe chữa cháy tiếp cận với khu vực hỏa hoạn. Đây sẽ là vấn đề mà Sở NN&PTNT Hà Nội cần bàn thảo, có hướng đề xuất TP giải quyết. Dù chưa thể khẳng định nguyên nhân vụ cháy có xuất phát từ sự bất cẩn, thiếu ý thức của người dân hay không, tuy nhiên, theo ông Chu Phú Mỹ, về lâu dài, cần rà soát, tiến tới xây dựng phương án di dời các hộ hiện sinh sống tại khu vực rừng phòng hộ.