Tuyệt đối không tự ý dùng bia để giải độc rượu

Hà Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Quảng Trị dùng gần 5 lít bia truyền vào đường tiêu hóa để cứu sống một bệnh nhân ngộ độc rượu được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội trong ngày hôm qua (10/1). Theo các chuyên gia y tế, người dân tuyệt đối không được tự ý dùng bia để giải độc rượu vì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

 Ảnh minh họa
Giải thích cơ chế tác động khi áp dụng biện pháp này, bác sĩ Lương Quốc Chính - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, ngộ độc rượu có hai loại là ngộ độc ethanol (rượu được sử dụng làm thực phẩm) và methanol (rượu công nghiệp cực độc). Bệnh nhân trong trường hợp truyền bia vào dạ dày để giải độc rượu là do bị ngộ độc methanol. “Nói một cách dễ hiểu là hai loại rượu này có tác dụng hóa giải lẫn nhau, cho nên khi cho người bệnh uống ethanol (truyền bia vào dạ dày) thì sẽ làm mất tác dụng của methanol có trong cơ thể (máu)” - bác sĩ Chính nhấn mạnh. Tuy nhiên, nếu ngộ độc ethanol (rượu thực phẩm) mà vẫn tiếp tục uống ethanol (có trong bia) thì người bệnh càng trầm trọng. Bên cạnh đó, theo bác sĩ Chính, để điều trị ngộ độc methanol, các bác sĩ có thể áp dụng các biện pháp điều trị khác như bồi phụ kiềm đường tĩnh mạch và lọc máu cấp cứu.
Lý giải về mặt hóa hóa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị - người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân ngộ độc rượu tại BV này cho biết, rượu có hai loại cơ bản là etylic (enthanol) và metylic (methanol). Khi đi vào cơ thể, gan sẽ chuyển hóa etylic trước, sau đó đến metylic. Etylic được chuyển hóa sẽ không gây ngộ độc nhưng metylic được chuyển hóa thành andehit formic, ở hàm lượng cao sẽ gây ngộ độc, nguy cơ tử vong rất cao. Trong khi đó, bia có etylic, vì vậy để ngăn chặn quá trình chuyển hóa metylic, các bác sĩ đã truyền bia cho bệnh nhân vào dạ dày. Khi truyền bia cho bệnh nhân, gan sẽ ưu tiên chuyển hóa etylic, ngưng chuyển hóa metylic, điều đó giúp có đủ thời gian để lọc máu. Hơn nữa, metylic ở lâu trong cơ thể không được chuyển hóa sẽ bị đào thải dần qua đường nước tiểu, làm giảm độc tố trong cơ thể, đây là cơ sở để cứu sống bệnh nhân.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, chỉ được áp dụng phương pháp này tại các cơ sở y tế, do chính các bác sĩ có chuyên môn thực hiện. Việc lựa chọn phương pháp giải độc còn phải căn cứ vào nồng độ methanol gây ngộ độc trong cơ thể bệnh nhân. Vì vậy, người dân tuyệt đối không tự ý dùng bia để giải độc sau khi uống rượu.

Trước đó, ngày 25/12/2018, bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật (48 tuổi, Triệu Phong, Quảng Trị) nhập viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị trong tình trạng hôn mê, nguy kịch sau khi uống rượu cùng bạn ở tiệc mừng Giáng sinh. Bệnh nhân Nhật được xác định ngộ độc methanol với hàm lượng vượt gấp 10 lần cho phép. Để cứu sống bệnh nhân, các bác sĩ đã truyền 15 lon bia, tương đương 5 lít bia vào dạ dày bệnh nhân. Đến ngày 9/1, bệnh nhân đã ổn định sức khỏe và xuất viện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần